Dấu ấn 110 năm xây dựng và phát triển

Sau hơn một thế kỷ xây dựng, phát triển và hội nhập (12/7/1907 - 12/7/2017), nhất là từ khi Đảng bộ tỉnh Lào Cai được thành lập (ngày 5/3/1947), dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Lào Cai luôn đoàn kết, vững tin đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tiễu phỉ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và sự chi viện của Trung ương, nhân dân các dân tộc Lào Cai đã anh dũng đấu tranh giải phóng quê hương, góp sức làm nên Chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Tiếp đó là giai đoạn củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhất là sau khi tỉnh Lào Cai được tái lập vào ngày 1/10/1991, truyền thống anh dũng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường của quê hương Lào Cai tiếp tục được phát huy và tỏa sáng, thực sự là động lực tạo ra một giai đoạn phát triển tự hào.

Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào hoạt động tạo động lực phát triển cho Lào Cai.

Những ngày đầu tái lập tỉnh, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh rất khó khăn và phức tạp, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, lại bị tàn phá nghiêm trọng sau những biến cố, thăng trầm của lịch sử. Thực hiện Nghị quyết của 5 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, từ Đại hội X - XIV, với sự đoàn kết, thống nhất cao, nỗ lực đột phá, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau 26 năm tái lập, Lào Cai đã hồi sinh mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Liên tục trong nhiều năm liền, tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương đều đạt mức 2 con số. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và bền vững, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, diện mạo của tỉnh, từ khu vực đô thị đến nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Năm 2016, GRDP bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng, tăng gấp 67 lần so với năm 1991 và đứng đầu trong các tỉnh Tây Bắc. Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cơ cấu kinh tế địa phương chiếm 15,6%; công nghiệp - xây dựng và du lịch - dịch vụ chiếm 84,4%. Thành tựu to lớn ấy là sự kết tinh trí tuệ và tinh thần hăng say lao động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và trên 60 vạn đồng bào Lào Cai trong suốt hơn 1/4 thế kỷ qua.

Thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về chăm lo phát triển khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân, tỉnh Lào Cai thường xuyên dành tới 70% nguồn lực từ ngân sách để đầu tư cho khu vực đặc biệt quan trọng này. Kết quả là khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc, mang tới nền tảng vững chắc cho tiến trình phát triển. Sản xuất lương thực liên tục được mùa, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2016 đạt 283.000 tấn, tăng gấp nhiều lần so với năm 1991. Nông nghiệp Lào Cai đang được tái cơ cấu mạnh mẽ, theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại công nghiệp. Đặc biệt, Lào Cai là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành công với mô hình nuôi cá nước lạnh thương phẩm, làm giàu thêm các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu vốn đã rất đa dạng của địa phương. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng vùng cao, vùng nông thôn phát triển mạnh. Hiện, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, đi lại thuận tiện 4 mùa; 80% thôn, bản có đường cho xe cơ giới, các xã đều có điện lưới quốc gia. Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ, thể hiện quyết tâm chính trị của Lào Cai trong việc tạo bước phát triển đột phá cho các khu vực nông thôn, vùng cao của tỉnh.

Lịch sử phát triển của vùng đất biên giới Lào Cai cũng chưa bao giờ chứng kiến quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh như trong thời gian qua. Một dòng chảy đầu tư thực sự được khơi thông, với những dự án tính bằng đơn vị nghìn tỷ đồng, đầu tư vào lĩnh vực kinh tế được Đảng bộ tỉnh xác định là khâu “đột phá”. Quyết tâm chế biến sâu để nâng cao giá trị tài nguyên của ngành công nghiệp Lào Cai thể hiện qua hoạt động của nhiều dự án, nhà máy lớn, chế biến sâu quặng apatít, quặng sắt, quặng đồng… Lào Cai hiện là trung tâm công nghiệp luyện kim và hóa chất, phân bón lớn nhất của vùng và cả nước. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 21.680 tỷ đồng, đứng thứ 3 ở khu vực trung du miền núi phía Bắc, chỉ sau Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Các tiềm năng, thế mạnh về du lịch, dịch vụ, thương mại - xuất - nhập khẩu của tỉnh cũng đã và đang được đầu tư khai thác hiệu quả. Suốt nhiều năm liền, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai là một trong những cửa khẩu có tốc độ tăng trưởng kim ngạch biên mậu cao nhất trong cả nước, hiện đã đạt trên 2 tỷ USD/năm. Hướng đi cùng sự nỗ lực, quyết tâm của Lào Cai trong phát triển kinh tế cửa khẩu và hoạt động đối ngoại cũng là yếu tố đặc biệt quan trọng, giúp cho hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành hành lang được vận hành sớm và hiệu quả nhất trong chiến lược phát triển 2 hành lang, một vành đai kinh tế giữa 2 nước Việt - Trung. Về du lịch, đặc trưng cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành và nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số giờ đây đã trở thành nguồn tài nguyên độc đáo, có sức hút mạnh đối với du khách. Con số trên 2 triệu lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu, khám phá Lào Cai trong năm 2016 đã khẳng định điều này, đồng thời cho thấy chủ trương chọn du lịch làm mũi nhọn tăng trưởng là quyết định đúng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Năm 2017, Lào Cai vinh dự là địa phương đăng cai Năm Du lịch Quốc gia Lào Cai - Tây Bắc. Đây tiếp tục là cơ hội để quảng bá tiềm năng và sức hấp dẫn của vùng đất, con người Lào Cai, hứa hẹn mang tới sức bật mới cho ngành “công nghiệp không khói” của địa phương. Với sự tăng trưởng, phát triển mạnh của những ngành kinh tế quan trọng, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2016 đạt 6.240 tỷ đồng, tăng 173 lần so với thời điểm tái lập tỉnh năm 1991.

Song hành với những thành tựu trong phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội của Lào Cai cũng thu được nhiều thành quả tự hào. Chất lượng giáo dục, cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn đều có sự bứt phá. Số trường học đạt chuẩn quốc gia tăng nhanh ở mọi cấp học, phong trào xã hội hóa giáo dục phát triển rộng khắp. Lào Cai đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở và cũng là tỉnh đầu tiên ở khu vực Tây Bắc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, 100% thôn, bản có nhân viên y tế. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai hiện là bệnh viện vệ tinh của hàng loạt bệnh viện tuyến Trung ương, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương. Các mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được tỉnh dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn mới chiếm trên 27%, tương đương khoảng 43.000 hộ.

Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được kiện toàn vững mạnh, toàn tỉnh hiện đã xóa các thôn, bản trắng đảng viên; quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Năm 2007, Lào Cai là tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới Việt - Trung hoàn thành việc phân giới cắm mốc, là hình mẫu đối ngoại toàn biên giới. Hợp tác quốc tế rộng mở theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa. Đặc biệt, quan hệ giữa Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), vùng ALPC (vùng Aquitaine mới - Cộng hòa Pháp) không ngừng được củng cố và tăng cường hiệu quả. Những nỗ lực đó đã tạo điều kiện để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Đạt được những kết quả trên là do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là trong suốt những nhiệm kỳ đại hội vừa qua, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã lựa chọn đúng vấn đề, đúng trọng tâm, trọng điểm và huy động được mọi nguồn lực để khai thác tối đa lợi thế so sánh. Các cấp chính quyền trong tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nhất quán quan điểm đồng hành và hỗ trợ tối đa cho hoạt động doanh nghiệp. Điều này được khẳng định, tuy là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện rất khó khăn, nhưng những năm gần đây, Lào Cai luôn đứng trong Top đầu của cả nước về môi trường cạnh tranh trong thu hút đầu tư cấp tỉnh (PCI).

Giá trị sản xuất công nghiệp của Lào Cai đứng thứ 3 khu vực trung du và miền núi phía Bắc.                                                                    Ảnh: Ngọc Luyến

Nhìn lại những chặng đường phát triển đã qua, chúng ta tự hào về những thành tựu đã đạt được, bằng tất cả sức lực và trí tuệ, thậm chí cả sự hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ người Lào Cai. Tuy nhiên, do xuất phát điểm rất thấp, phải trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, nên hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, nhất là ở vùng nông thôn, vùng cao. Quy mô nền kinh tế địa phương hiện vẫn còn nhỏ, thu nhập bình quân đầu người mới bằng 83% so với mặt bằng chung của cả nước. Tổ chức sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, nhiều sản phẩm chưa gắn với chuỗi giá trị, công nghệ sản xuất chậm đổi mới, năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm còn yếu. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành cũng còn nhiều bất cập, chưa khai thác hết những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đời sống của một bộ phận nhân dân, đặc biệt là ở khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Tình hình an ninh ở một số địa bàn, tai nạn và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp.

Thực trạng khó khăn ấy vừa là thách thức, đồng thời cũng là động lực để toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào Cai không thể tự hài lòng với những thành tựu đã đạt được, mà phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên, sớm trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc và là tỉnh khá của cả nước như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

Trang sử vẻ vang trong suốt chặng đường hơn một thế kỷ dựng xây và phát triển của quê hương đã giúp người Lào Cai thêm tự hào về quá khứ và cũng để nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm đối với tương lai phát triển của tỉnh. 110 năm sau ngày thành lập, Lào Cai như con tàu đã vào bệ phóng, tự tin cất cánh tới tương lai.

                                                                                              ÐẶNG XUÂN PHONG

                                                                               Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...

Hướng đến phát triển “du lịch xanh” bền vững

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây được xem là hướng đi phù hợp...