Đẩy mạnh tuyên truyền kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Lào Cai

Hướng tới kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập tỉnh Lào Cai (12/7/1907 -12/7/2017), nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai qua 110 năm xây dựng và phát triển, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm.

Báo Lào Cai trân trọng giới thiệu toàn văn bản đề cương.

I. Quá trình vận động thành lập tỉnh Lào Cai

1. Trước khi thành lập tỉnh Lào Cai

- Qua kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy từ thời nguyên thuỷ, Lào Cai đã là nơi quần tụ sinh sống của người Việt cổ. Đến thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Lào Cai thuộc bộ Tân Hưng là 1 trong 15 bộ của nhà nước Văn Lang, trung tâm kinh tế ở thượng nguồn sông Hồng.

- Từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên đến thế kỷ thứ X, nước ta bị các thế lực phong kiến phương Bắc đô hộ, Lào Cai thuộc quận Tân Hưng, đất Giao Châu.

- Từ thế kỷ thứ X đất nước giành độc lập, chế độ phong kiến Trung ương tập quyền được xây dựng, Lào Cai là địa bàn của châu Thuỷ Vĩ, châu Văn Bàn, một phần thuộc châu Chiêu Tấn và một phần nhỏ thuộc châu Lục Yên thuộc phủ Quy Hoá, tỉnh Hưng Hoá.

- Cuối thế kỷ thứ XIX thực dân Pháp xâm lược nước ta. Tháng 3 năm 1886, Pháp đánh chiếm Lào Cai. Sau khi bình định xong khu vực miền núi phía Bắc và hoạch định xong đường biên giới Việt - Trung, thực dân Pháp đặt ách cai trị ở Lào Cai theo chế độ quân quản. Địa hạt Lào Cai thuộc đạo Quan binh III của Pháp. Ngày 7/11/1899, Pháp thành lập đạo Quan binh IV gồm tiểu quân khu Yên Bái và tiểu quân khu Lào Cai. Lào Cai được chọn làm đạo lỵ và là thủ phủ của đạo Quan binh IV.

- Từ những năm đầu thế kỷ XX do tác động của chính sách khai thác bóc lột thuộc địa của thực dân Pháp, đội ngũ công nhân vừa ra đời, tuy số lượng không nhiều nhưng đã anh dũng đứng dậy đấu tranh chống áp bức, điển hình là phong trào bãi công của công nhân đường sắt, công nhân mỏ Phấn Trì (tháng 5/1905) phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc Lào Cai mặc dù diễn ra quyết liệt  nhưng do mang tính tự phát và chưa được tổ chức chặt chẽ nên đều bị thất bại.

2. Tỉnh Lào Cai được thành lập

- Sau khi hoàn thành việc bình định quân sự, để dễ kiểm soát và tiến hành khai thác, bóc lột dân bản địa, thực dân Pháp phân chia lại khu vực hành chính, chuyển chế độ cai trị quân quản sang cai trị dân sự.

- Ngày 12/7/1907, Thống sứ Bắc Kỳ đã ký Sắc lệnh thành lập tỉnh Lào Cai và chính thức đặt chế độ cai trị. Từ đó tỉnh Lào Cai có tên trên bản đồ Việt Nam, gồm có hai châu Thuỷ Vĩ, Bảo Thắng và các đại lý Mường Khương, Bát Xát, Phong Thổ, Bắc Hà, đặc khu Sa Pa và thị xã Lào Cai với tổng diện tích 5.177 km2 và 6 vạn dân (15 dân tộc).

- Ngay từ khi thực dân Pháp vừa mới đặt chân lên vùng biên cương này, nhân dân các dân tộc Lào Cai đã nêu cao truyền thống yêu nước liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp. Các cuộc khởi nghĩa của người Thái, Mông, Dao, Hà Nhì... (mùa thu năm 1918) đã trở thành ngọn cờ cổ vũ phong trào đấu tranh chống thực dân trên vùng biên giới. Năm 1930, khắp vùng người Thái ở Than Uyên đã dấy lên phong trào “Chiêu dân tống thẻ” gửi đơn kiện, tố cáo bọn chức dịch bóc lột nhân dân tàn khốc. 

II. Quá trình vận động thành lập Đảng bộ Lào Cai

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra bước ngoặt mới cho lịch sử Việt Nam. Lào Cai là một tỉnh miền núi, mật độ dân cư thấp, cơ sở công nghiệp chưa phát triển, lực lượng công nhân nhỏ bé nên phong trào cách mạng còn hạn chế.

Tháng 5/1945, Trung ương cử đồng chí Mai Văn Ty, Bí thư chi bộ thị xã Yên Bái lên Lào Cai xây dựng cơ sở Việt Minh. Dựa vào quan hệ trong ngành đường sắt, đồng chí đã giác ngộ, vận động thành lập tổ Việt Minh tại ga xe lửa Phố Mới. Tổ Việt Minh đã đẩy mạnh tuyên truyền trước hết trong đội ngũ công nhân về đường lối cách mạng của Đảng, của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân chuẩn bị thời cơ, phối hợp với cách mạng cả nước đứng lên giành độc lập dân tộc.

Cách mạng tháng Tám nổ ra và nhanh chóng giành thắng lợi trên cả nước. Ở Lào Cai, tổ Việt Minh hoạt động tích cực, nhưng do cơ sở cách mạng chưa rộng khắp, đội ngũ cán bộ cốt cán lại mỏng, thông tin, liên lạc bị bưng bít, đặc biệt theo Hiệp ước đồng minh, cuối tháng 8/1945, quân Tưởng Giới Thạch đã tràn vào Lào Cai nên trong tháng 8 và tháng 9/1945, việc giành chính quyền cách mạng ở Lào Cai không thực hiện được.

Trước tình hình đó, giữa tháng 10/1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ và Kỳ bộ Việt Minh đã cử đoàn cán bộ do đồng chí Ngô Minh Loan dẫn đầu lên Lào Cai chỉ đạo, vận động nhân dân xây dựng chính quyền cách mạng. Được đông đảo nhân dân ủng hộ, chỉ trong thời gian ngắn, trong tình cảnh vô cùng khó khăn, đoàn cán bộ của Trung ương đã vận động thành lập được chính quyền ở thị xã Lào Cai, Bảo Thắng và Sa Pa. Sau khi thành lập, chính quyền cách mạng đã vận động nhân dân thành lập các đội tự vệ, các tổ chức quần chúng như: Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc... Các tổ chức đó đã tham gia giữ gìn an ninh trật tự trong khu vực, vận động nhân dân ủng hộ cách mạng, khắc phục nạn đói, mù chữ, đấu tranh chống lại những hành động phá hoại của bọn phản động.

Trong lúc phong trào cách mạng ở Lào Cai đang phát triển thuận lợi thì bọn Việt gian phản động Quốc dân Đảng núp sau quân đội Tưởng ra sức phá hoại cách mạng. Được quân Tưởng hỗ trợ, chúng ngang nhiên lôi kéo, tập hợp bọn lưu manh, côn đồ, tiến hành bắt bớ, khủng bố cán bộ cách mạng, thành lập chính quyền Quốc dân Đảng, tẩy chay chính quyền của ta. Trước sự khủng bố, đàn áp của Quốc dân Đảng, đầu tháng 12/1945, chính quyền cách mạng ở Lào Cai phải rút vào hoạt động bí mật. Thị xã Lào Cai trở thành sào huyệt của Quốc dân Đảng. Tháng 3/1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết. Theo Hiệp ước, Pháp nhường cho chính quyền Tưởng Giới Thạch một số quyền lợi ở Trung Quốc để Tưởng rút quân khỏi Việt Nam.

Đầu tháng 9/1946, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lào Cai được thành lập gồm ba đồng chí do đồng chí Ngô Minh Loan làm Trưởng ban và đồng chí Lê Thanh, Đào Đình Bảng là uỷ viên, đây là tổ chức tiền thân của Tỉnh uỷ Lào Cai, có nhiệm vụ cùng với bộ chỉ huy các đơn vị vũ trang, lãnh đạo quân và dân Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ dẹp trừ bọn phản động. Chiến dịch giải phóng Lào Cai diễn ra từ ngày 26/10 đến ngày 12/11/1946, các cứ điểm phòng thủ của Quốc dân Đảng lần lượt bị đập tan. Ngày 12/11/1946, thị xã Lào Cai được giải phóng.

Ngày 30/11/1946, Uỷ ban Quân quản tỉnh Lào Cai ��ược thành lập (đầu năm 1947 đổi thành Uỷ ban Hành chính và Uỷ ban Kháng chiến). Cuối tháng 12, Ty Liêm phóng (Ty Công an) được thành lập, các tổ chức Hội cứu quốc: Phụ nữ, Thanh niên, Nông hội, Thiếu niên... cũng được kiện toàn. Để nâng cao khả năng lãnh đạo toàn diện của tổ chức Đảng, nhất là lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 1/1947 Khu ủy quyết định thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Lào Cai thay cho Ban Cán sự Đảng. Ngày 5/3/1947, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai được khai mạc tại Sở Cẩm (Sở cảnh sát) gần cầu Cốc Lếu thuộc tiểu khu Lào Cai, thị xã Lào Cai do ta giải phóng tiếp quản dùng làm trụ sở của Tỉnh bộ Việt Minh. Hội nghị đã tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức gồm bảy đồng chí, do đồng chí Lê Thanh làm Bí thư. Ngày 5/3/1947 là ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Lào Cai.

Đảng bộ tỉnh Lào Cai được thành lập có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra bước ngoặt trong phong trào cách mạng ở Lào Cai. Từ đây, Lào Cai có sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ. Công cuộc chuẩn bị kháng chiến của Lào Cai đã gắn liền với đường lối kháng chiến của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng thời phong trào cách mạng ở Lào Cai có sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ đã chủ động xây dựng lực lượng cách mạng về mọi mặt, chuẩn bị kháng chiến.

III. Quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng phát triển tỉnh Lào Cai

Trải qua 110 năm phát triển và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Lào Cai đã vượt qua bao khó khăn thử thách, chiến đấu kiên cường và xây dựng tỉnh Lào Cai từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu trở thành tỉnh phát triển của khu vực phía Bắc.

- Năm 1947 - 1948 tỉnh Lào Cai gặp muôn vàn khó khăn. Dựa vào vũ khí và binh lực mạnh, thực dân Pháp đã đánh chiếm toàn bộ Lào Cai. Chúng tàn sát đẫm máu đồng bào, bắt bớ, cướp bóc, tra tấn, tù đày nhân dân nhằm phá vỡ các cơ sở và phong trào cách mạng ở Lào Cai. Trước tình hình đó, tất cả các cơ quan đầu não của tỉnh sơ tán về Lục Yên (Yên Bái) để bảo toàn lực lượng và chỉ đạo kháng chiến. Được sự chỉ đạo và chi viện kịp thời của Trung ương Đảng và Khu uỷ khu 10, Tỉnh uỷ Lào Cai quyết định tổ chức từng đợt huấn luyện đưa cán bộ và lực lượng vũ trang vào vùng địch hậu để xây dựng lực lượng vận động nhân dân "bám đất, bám làng" thực hiện khẩu hiệu "Việt Minh hoá" toàn dân. Nhờ đó, phong trào cách mạng nhanh chóng hồi phục. Cuối năm 1948, Đảng bộ tỉnh đã phát động thắng lợi cuộc đấu tranh vũ trang ở 3 xã Cam Đường, Gia Phú, Xuân Giao (Bảo Thắng), tạo dựng được vùng căn cứ tự do làm bàn đạp phản công kẻ địch và từng bước mở rộng vùng căn cứ cách mạng.

- Đầu tháng 1/1950 Trung ương Đảng chỉ đạo mở chiến dịch Tây Bắc (chiến dịch Lê Hồng Phong) với sự chuẩn bị lực lượng đầy đủ, với khí thế cách mạng được phát động trong quần chúng, kết hợp với bộ đội chủ lực, chỉ trong thời gian ngắn, quân dân Lào Cai đã áp đảo được kẻ thù, làm chủ địa bàn toàn tỉnh. Ngày 1/11/1950 tỉnh Lào Cai được hoàn toàn giải phóng, đây là mốc son đầu tiên chấm dứt 64 năm đô hộ của thực dân Pháp ở Lào Cai.

- Thực dân Pháp thất bại ở Lào Cai nhưng vẫn thực hiện âm mưu xâm lược trở lại. Chúng nuôi dưỡng lực lượng gián điệp, thổ phỉ nhằm phá hoại thành quả cách mạng. Nhân dân các dân tộc Lào Cai dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tiếp tục bước vào thực hiện nhiệm vụ "trừ gian, tiễu phỉ". Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, vận động cảm hoá địch, kết hợp với đấu tranh vũ trang, trong 5 năm (1950 - 1955) quân và dân các dân tộc Lào Cai đã  đập tan 5 lần nổi phỉ, góp phần phá tan âm mưu gây phỉ ở miền Bắc của đế quốc, thực dân và bè lũ tay sai của chúng, đồng thời cùng quân dân cả nước tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ, giành độc lập tự do cho dân tộc, cùng nhân dân miền Bắc nước ta bước vào cải tạo xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Thời kỳ 1955 - 1975, nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiều cuộc vận động lớn như: Khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; đón nhận đồng bào các tỉnh miền xuôi lên xây dựng hợp tác xã, phát triển kinh tế miền núi, cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh; vừa sản xuất vừa chiến đấu chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Thời kỳ 1976 - 1991, ba tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hoàng Liên Sơn, nhân dân các dân tộc khu vực Lào Cai đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng phòng tuyến biên giới và đã giành thắng lợi trong chiến đấu, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.

- Tháng 10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, tuy gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Lào Cai đã bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, tập trung phát triển kinh tế - xã hội với một tinh thần quyết tâm cao độ.

Khi tái lập, tỉnh Lào Cai có diện tích tự nhiên 8.044 km2; Dân số có 582.000 người, bao gồm 27 dân tộc; đơn vị hành chính của tỉnh gồm 8 huyện (Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát, Than Uyên), 2 thị xã (Lào Cai, Cam Đường) với 180 xã, phường, thị trấn, tỉnh lỵ là thị xã Lào Cai. Trước những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và củng cố hệ thống chính trị, tháng 8/2000 Trung ương đã ban hành Nghị định tách huyện Bắc Hà thành 2 huyện Bắc Hà và Si Ma Cai; tháng 1/2002 sáp nhập thị xã Lào Cai và thị xã Cam Đường thành thị xã Lào Cai; tháng 1/2004 Trung ương quyết định chuyển huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai về tỉnh Lai Châu. Tháng 11/2004 Chính phủ ra Nghị định công nhận thị xã Lào Cai là thành phố Lào Cai (thành phố loại III). Từ tháng 11/2004, tỉnh Lào Cai có 8 huyện và 1 thành phố (Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai); gồm 164 xã, phường, thị trấn; diện tích 6.364 km2; Dân số toàn tỉnh theo thống kê đến hết năm 2016 là 684.295 người, bao gồm 25 dân tộc.

Lào Cai những ngày đầu với muôn vàn khó khăn, thách thức; hậu quả nặng nề của chiến tranh biên giới năm 1979 để lại (109/180 xã, phường, thị trấn của Lào Cai khi đó là xã vùng cao đặc biệt khó khăn; có tới 150 xã chưa có đường đến trung tâm và các thôn, bản); thị xã tỉnh lỵ, trung tâm các huyện: Bát Xát, Sa Pa, Mường Khương và toàn bộ các xã, phường biên giới phải xây dựng mới hoàn toàn. Nền kinh tế nhỏ lẻ, mang tính tự cung, tự cấp; tỷ lệ hộ nghèo trên 60% (trong đó vùng cao trên 90%). Công nghiệp chưa phát triển, chưa có kinh tế cửa khẩu, du lịch. Thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới y tế chưa đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Trình độ dân trí thấp, có tới 52% dân số các xã vùng cao mù chữ, còn 14 xã trắng về giáo dục, tỷ lệ huy động trẻ đến trường chỉ đạt 36% - 40%. Phần lớn cán bộ cấp xã chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; trên 30% cán bộ thôn, bản mù chữ. Ở cấp xã, số lượng đảng viên còn ít.

Trước những khó khăn, thách thức đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lào Cai đã nỗ lực vươn lên; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; đoàn kết thống nhất, chủ động, sáng tạo, trên cơ sở xác định đúng mục tiêu phát triển, lộ trình, giải pháp phù hợp. Từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, các ngành, các cấp dành hết tâm sức để xây dựng Lào Cai. Sau hơn 25 năm tái lập, kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước ổn định và phát triển vững chắc, từ điểm xuất phát kinh tế thấp, sản xuất nông nghiệp mang tính tự túc, tự cấp là chủ yếu, Lào Cai đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực:

Phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng cao, ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 20 năm gần đây đạt từ 11% đến 14%/năm (năm 2016 đạt 14,1%). Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư nâng cấp, đặc biệt tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai hoàn thành từ năm 2015 đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế và chuyển biến về các mặt xã hội của tỉnh. Cơ cấu và quy mô nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Nông thôn Lào Cai có bước phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, năng suất và sản lượng lương thực tăng nhanh (năm 2016 đạt gần 294 nghìn tấn). Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, nhân dân đồng thuận cao, năm 2016 tỉnh Lào Cai đã có 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% số xã có đường ô tô và điện lưới đến trung tâm xã; 100% số thôn có đường giao thông liên thôn.

Kinh tế công nghiệp, xuất, nhập khẩu, du lịch có nhiều đột phá. Kết thúc năm 2016: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 21.680 tỷ đồng (gấp gần 400 lần so với thời điểm tái lập tỉnh); giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt trên 2,5 tỷ USD; khách du lịch đạt 2,8 triệu lượt, (riêng quý I năm 2017 đạt 1,1 triệu lượt), doanh thu đạt 6.405 tỷ đồng (gấp hàng nghìn lần năm 1995). Thu ngân sách nhà nước trên 6.218 tỷ đồng (năm 1992 là 39 tỷ đồng); GDP bình quân đầu người trên 46 triệu đồng.

Khoa học và công nghệ đạt được thành tựu quan trọng tác động đến sản xuất, kinh doanh. Văn hóa phát triển góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc và đẩy lùi lạc hậu; các thiết chế văn hóa, thể thao được tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển với nhiều loại hình đa dạng, phong phú. Tỷ lệ hộ dân được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đạt 95%, được xem Truyền hình Việt Nam đạt 97%; từ năm 2013 các chương trình phát thanh, truyền hình của tỉnh đã được phát sóng lên vệ tinh Vinasat.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển, quy mô mở rộng với hệ thống cơ sở trường lớp được đầu tư cơ bản, chất lượng giáo dục ở các cấp học tăng lên. Năm 2000, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ; năm 2005 đạt chuẩn giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2007 đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; năm 2013 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai được thành lập năm 2015.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, nhân lực ngành y tế và mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 14 bệnh viện với gần 2.500 giường bệnh và trên 700 bác sỹ, 36 phòng khám đa khoa khu vực cùng với hệ thống trạm y tế ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phát triển mạnh, đối tượng thụ hưởng được mở rộng, có trên 98% dân số tham gia đóng bảo hiểm y tế.

Mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn được chú trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện còn 12,1% (theo tiêu chí đa chiều là 27,4%); đời sống nhân dân được nâng lên, cơ bản đã xóa được nhà tạm, nhà dột nát; các công trình phúc lợi được chăm lo xây dựng đồng bộ, phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng tại các địa bàn dân cư. Việc chăm sóc người có công, gia đình chính sách, cứu trợ xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được bảo đảm; thu nhập và mức sống người dân được nâng lên, tỷ lệ người dân được hưởng dịch vụ công ngày càng cao.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, góp phần tạo môi trường đầu tư lành mạnh, hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Lào Cai. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index), cải cách hành chính luôn được đánh giá nằm trong tốp đầu toàn quốc.

Công tác quốc phòng, an ninh đạt được kết quả quan trọng; đã kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện vững chắc. Lào Cai là tỉnh đầu tiên tổ chức cắm mốc giới trên đất liền biên giới Việt - Trung (năm 2002) và hoàn thành phân giới cắm mốc sớm trên đất liền khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc (năm 2007).

Quan hệ đối ngoại được mở rộng, hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được kết hợp hài hòa, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Phương châm “Đa phương hóa, đa dạng hóa” các quan hệ, hợp tác quốc tế trở thành định hướng đối ngoại lớn của tỉnh, trọng tâm là quan hệ hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Các quan hệ đối ngoại với vùng, đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế luôn được chú trọng tăng cường và đạt được nhiều kết quả, Lào Cai luôn là đối tác tin cậy của các nhà đầu tư và các nhà tài trợ quốc tế. Lào Cai đã làm tốt vai trò là đầu mối của 4 tỉnh trên hành lang kinh tế: Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và 4 tỉnh biên giới với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, sáng tạo và đột phá. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn có kết quả bước đầu quan trọng. Đảng bộ tỉnh đã tham gia tổng kết 30 năm đổi mới về vấn đề xã hội của Trung ương; tổng kết 25 năm tái lập, đổi mới và phát triển tỉnh Lào Cai; tổ chức nghiên cứu nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh có giá trị. Vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng vào điều kiện thực tiễn của Lào Cai bằng các chương trình công tác trọng tâm, các đề án, nghị quyết chuyên đề về các lĩnh vực phù hợp với từng giai đoạn trong suốt 15 năm gần đây (nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII: 7 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa với 29 đề án, kế hoạch và nghị quyết chuyên đề; nhiệm kỳ Đại hội XIV: 7 chương trình, 27 đề án trọng tâm; nhiệm kỳ Đại hội XV: 4 chương trình, 19 đề án trọng tâm). Công tác tư tưởng luôn bám sát chủ trương đổi mới và được tiến hành đồng bộ, toàn diện về nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động (tiêu biểu là xây dựng và thực hiện mô hình tuyên vận) đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.

Công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên được quan tâm, năm 1991 toàn Đảng bộ có 493 tổ chức cơ sở đảng với 10.942 đảng viên, có 451 thôn, bản “trắng” đảng viên. Qua các kỳ đại hội, công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; tính đến tháng 6/2017, Đảng bộ tỉnh Lào Cai có 686 chi đảng bộ cơ sở (trong đó 398 chi bộ, 288 đảng bộ), 3.237 chi bộ dưới cơ sở, với 43.019 đảng viên, 100% thôn, bản có chi bộ độc lập.

Tổ chức bộ máy chính quyền và các cơ quan nhà nước được củng cố, kiện toàn hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường. Việc học tập và làm theo Bác được triển khai sâu rộng, thiết thực đã làm chuyển biến sâu sắc nhận thức, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo được niềm tin và sự gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Trải qua 110 năm xây dựng và trưởng thành, để ghi nhận những thành tích đã đạt được, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai đã nhiều lần được Đảng và Nhà nước tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Độc lập Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động các hạng và rất nhiều Cờ thi đua và Bằng khen vì có thành tích xuất sắc; nhiều tập thể đã vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; nhiều tập thể, cá nhân đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu, hình thức khen thưởng cao quý như: Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, Nhà giáo Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, Chiến sỹ thi đua toàn quốc và Huân chương, Huy chương, Bằng khen các loại; đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất, phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước trao tặng.

Nhìn lại chặng đường 110 năm xây dựng và phát triển của tỉnh Lào Cai, trong mỗi giai đoạn cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh với những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể, hợp với lòng dân đã mang đến một diện mạo mới cho tỉnh Lào Cai hôm nay. Đây cũng là dịp để nhân dân các dân tộc Lào Cai nhìn lại chặng đường đấu tranh oanh liệt và tinh thần vượt khó đi lên của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta có quyền tự hào về những kết quả đã đạt được và cùng quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV, phấn đấu đến năm 2020 Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc (là tỉnh khá của vùng núi phía Bắc).

 
Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...