Quan tâm bảo vệ các “bảo tàng sinh học”
Về mặt địa lý, tỉnh Lào Cai nằm giữa hai miền khí hậu Đông Bắc và Tây Bắc, phần lớn diện tích nằm trong vùng núi cao của Việt Nam, trong đó có dãy Hoàng Liên Sơn, nơi có đỉnh Fansipan cao nhất cả nước với độ cao 3.143 m. Lào Cai cũng được đánh giá có nhiều điểm đa dạng sinh học với các hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng của vùng núi cao, ôn đới với nhiều loài động, thực vật quý hiếm đặc hữu.Cùng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề bảo vệ môi trường, quản lý và bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học cũng được Lào Cai đặc biệt quan tâm. Để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên rừng, những giá trị khoa học của hệ sinh thái rừng, giá trị đa dạng sinh học, các nguồn gen động, thực vật quý, hiếm, các giá trị về cảnh quan thiên nhiên trong khu vực, đến nay tỉnh đã xây dựng được 3 khu rừng đặc dụng, tổng diện tích khoảng 64.500 ha gồm: Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.
Lực lượng kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng. |
Tính đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu, điều tra khảo sát đánh giá của các tổ chức khoa học trong và ngoài nước, tuy nhiên vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào đánh giá chung về mức độ đa dạng thành phần loài thực vật, động vật cho cả 3 khu rừng đặc dụng của tỉnh. Hệ thực vật các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh khá phong phú và đa dạng, phân bố trên nhiều sinh cảnh khác nhau, như trảng cỏ, cây bụi, các loài cây gỗ trên núi đất và núi đá. Qua các kết quả điều tra, nghiên cứu, bước đầu đã tổng hợp thống kê được hệ thực vật các khu rừng đặc dụng Lào Cai có 6 ngành, 2 lớp, 231 họ, 1.254 chi và 3.864 loài thực vật bậc cao có mạch. Riêng ngành mộc lan đa dạng nhất với 193 họ, 3.326 loài. Tại các khu bảo tồn đã phát hiện 354 loài thực vật đặc hữu, quý hiếm, trong đó có 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới cần được ưu tiên bảo vệ đặc biệt. Nhiều loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng và có giá trị sinh học cao như: Bách tán Đài Loan, bách xanh, thông đỏ, vân sam Hoàng Liên (sam lạnh), thiết sam... Mới đây được bổ sung thêm loài thích tím trên địa bàn huyện Bát Xát.
Ngoài ra, các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh cũng có hệ động vật rừng đặc dụng rất phong phú về thành phần loài, với 955 loài động vật, thuộc 106 họ và 29 bộ, 5 lớp. Trong đó có 155 loài quý hiếm, 20 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới, 22 loài đặc hữu điển hình cho vùng núi cao Hoàng Liên Sơn. Tuy nhiên, số lượng quần thể của các loài động vật trong khu vực thấp, đặc biệt là các loài có kích thước lớn, các loài quý hiếm và các loài động vật hoang dã đã và đang đối mặt với nhiều sức ép từ các hoạt động của con người như: Săn bắn, bắt, khai thác quá mức, trồng thảo quả... khiến nơi sống của động vật bị chia cắt, một số loài quan trọng đã và đang suy giảm nghiêm trọng.
Người dân sống trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn trồng rừng kinh tế để hạn chế khai thác ngoài tự nhiên. |
Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn có diện tích hơn 25.000 ha, lá nơi phân bố đa dạng hệ động, thực vật bậc nhất của dãy Hoàng Liên Sơn và cũng là khu vực có trữ lượng gỗ quý lớn nhất Lào Cai, thậm chí là lớn nhất Tây Bắc. Tại đây cũng có một số loài động vật đang bị đe dọa toàn cầu, như vượn đen tuyền, cầy vằn bắc, chim trèo cây lưng đen, cá cóc Tam Đảo. Ông Trần Đức Hà, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn Hoàng Liên - Văn Bàn cho biết: Để gìn giữ sự đa dạng sinh học trong khu bảo tồn, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, phát tờ rơi, hình ảnh các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu cho người dân để tuyên truyền và có biện pháp bảo vệ. Ông Hà cũng cho biết thêm, đơn vị đã thành lập các chốt gác cố định tại những khu vực giáp ranh để kiểm soát việc vận chuyển gỗ lậu và tổ chức các chốt lưu động nằm sâu trong rừng đặc dụng để phát hiện và xử lý các trường hợp xâm lấn, khai thác lâm sản trái phép…
Trong khi đó, lực lượng chức năng cũng đã hỗ trợ tích cực việc triển khai các kế hoạch, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Một trong những vấn đề mà lực lượng kiểm lâm, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đang ưu tiên giải quyết là tạo sinh kế và nơi ở mới bền vững cho các hộ dân đang sống trong vùng lõi các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Đó cũng là câu trả lời cho giải pháp bảo vệ hiệu quả các “bảo tàng sinh học” của tỉnh trong thời gian tới.