Giúp người dân thoát nghèo bền vững
Những năm qua, các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo được tỉnh ưu tiên nguồn vốn để triển khai, nhất là đầu tư hạ tầng nông thôn vùng khó khăn và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi. Thông qua đó, hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất, vươn lên thoát nghèo.Được ví như “Trường Sa trên cạn”, đất canh tác nông nghiệp của xã Tả Gia Khâu (Mường Khương) rất ít, độ dốc lớn, thường xuyên thiếu nước sản xuất, nên chính quyền xã và huyện Mường Khương đã chọn con bò làm vật nuôi chủ lực để phát triển kinh tế, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. Từ các chương trình, dự án và nguồn vốn 30a, đã có hàng trăm hộ dân ở xã Tả Gia Khâu được hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, làm chuồng nuôi nhốt gia súc.
Gia đình ông Giàng Pao Phìn ở thôn Lao Tô Chải, xã Tả Gia Khâu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng do thiếu nước, nên trồng cây ngô, lúa phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, vì vậy, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Năm 2010, gia đình ông được hỗ trợ 1 con bò sinh sản và giống cỏ voi, làm chuồng nuôi nhốt. Sau 7 năm chăm sóc, cộng với gia đình đầu tư mua mới 2 con bò sinh sản, đến nay, đàn bò phát triển lên 11 con, tổng trị giá vài trăm triệu đồng. Cùng với gia đình ông Giàng Pao Phìn, hộ bà Giàng Mìn Phổng ở thôn Lao Tô Chải cũng được hỗ trợ giống bò sinh sản và làm chuồng trại với số tiền trên 12 triệu đồng. Từ hỗ trợ 1 con bò sinh sản ban đầu, đến nay, gia đình bà đã có 9 con, giúp gia đình tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và từng bước vươn lên làm giàu. Từ nguồn vốn hỗ trợ, đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, người dân ở 12 thôn của xã Tả Gia Khâu đã giúp nhau chuyển hướng từ canh tác nương sang nuôi bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện, toàn xã có 418 hộ, trong đó hơn 100 hộ nuôi gần 900 con bò sinh sản và bò thịt.
Mô hình trồng cây dược liệu ở xã Cán Cấu (Si Ma Cai) cho thu nhập cao. |
Còn tại xã Tung Chung Phố (Mường Khương), với quyết tâm làm giàu của nông dân cùng với sự hỗ trợ của Nghị quyết 30a, người dân một số thôn của xã đã mạnh dạn chuyển đổi đất nương trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây quýt ngọt, ớt cao sản và mở rộng diện tích cây sa nhân tím. Gia đình anh Pờ Khái Hùng ở thôn Dì Thàng, xã Tung Chung Phố là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nương ngô sang trồng quýt ngọt từ năm 2010. Đến nay, gia đình anh có trên 5.000 cây quýt đang ở thời kỳ cho thu hoạch. Mấy năm nay, vụ nào gia đình anh cũng thu được 300 - 500 triệu đồng từ bán quýt, thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô. Không riêng gia đình anh Hùng, nhiều gia đình ở xã Tung Chung Phố cũng chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng quýt và ớt, cho thu nhập cao và ổn định. Đến nay, diện tích quýt của xã Tung Chung Phố có gần 130 ha, đây không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo, mà trở thành cây làm giàu của nhiều hộ nông dân nơi đây.
Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Những năm qua, thông qua chính sách hỗ trợ sản xuất từ các nguồn vốn của Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Đến nay, Mường Khương đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh hàng hóa như chuối, dứa với gần 1.200 ha; vùng chè gần 2.400 ha, quýt gần 290 ha; khu vực nuôi bò ở các xã Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu; khu vực nuôi dê ở xã La Pán Tẩn, Tả Thàng... Nhờ đó, thu nhập của người dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm mạnh qua các năm; riêng năm 2016 giảm 1.458 hộ nghèo.
Tại Si Ma Cai, để giảm nghèo bền vững, huyện ưu tiên nguồn vốn đầu tư đồng bộ hạ tầng ở các thôn, xã khó khăn và hỗ trợ người dân triển khai, nhân rộng mô hình sản xuất, chăn nuôi, như trồng cây tam thất, đương quy, đao riềng, sa nhân tím, cây ăn quả (mận, lê) chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò). Cán Cấu là xã khó khăn của huyện, nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo... đã tạo động lực để nâng cao đời sống người dân. Chủ tịch UBND xã Cán Cấu Hảng A Tủa cho biết: Để giúp người dân phát triển kinh tế hiệu quả, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể của huyện triển khai hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đặc biệt, thực hiện hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thông qua đội ngũ khuyến nông viên cơ sở. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh, đến nay nhiều hộ đã đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả, dược liệu (đương quy, khổ sâm) và phát triển mạnh đàn trâu, bò. Do đó, công tác giảm nghèo ở Cán Cấu có nhiều chuyển biến, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2016, thu nhập bình quân của xã đạt 22 triệu đồng/người/năm. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9% - 10% (hiện còn 47% theo đa chiều).
Với việc triển khai đồng bộ các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo ở xã Cán Cấu nói riêng và Si Ma Cai nói chung, đã tạo điều kiện, khơi dậy ý thức tự giác vươn lên xóa đói, giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo được tỉnh ưu tiên nguồn vốn và được các ngành, địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả, nhất là đầu tư hạ tầng nông thôn vùng khó khăn, biên giới và đặc biệt hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo. Đặc biệt, thông qua hỗ trợ sinh kế, đa số hộ nghèo, hộ cận nghèo đã có ý thức, quyết tâm vươn lên, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tìm tòi kinh nghiệm làm ăn, mở rộng và nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi. Tỷ lệ giảm nghèo năm 2016 toàn tỉnh đạt 6,89% (bằng 138% kế hoạch), trong đó, tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện thuộc diện 30a đạt trên 8% và huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất là Si Ma Cai 14,55%, Mường Khương 12,36%.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo, với tỷ lệ hộ nghèo còn tới 27,41%, cộng với yếu tố thiên tai khó lường dẫn đến tỷ lệ phát sinh nghèo, nhưng các ngành và chính quyền các địa phương trong tỉnh đang nỗ lực giúp bà con tiếp cận nhanh các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, đầu tư phát triển nhiều mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, để họ vươn lên thoát nghèo bền vững.