Khơi dậy tình yêu lao động
Nhiều năm qua, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã lan tỏa rộng rãi, tạo sức hút lớn đối với đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động. Phong trào “thổi bùng” lòng yêu nghề, trách nhiệm với công việc cũng như khả năng sáng tạo không ngừng của người lao động, từ đây, xuất hiện hàng nghìn bàn tay “vàng”, khối óc sáng tạo hoàn thiện các sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất và đời sống xã hội.Trên 30 năm công tác, kỹ sư sửa chữa đầu máy Vũ Thế Mạnh (Chi nhánh Vận tải đường sắt, Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam) đã tích lũy cho bản thân cả “kho” kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu và hàng loạt giải pháp cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao trong thực tế, làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng. Sau khi tốt nghiệp lớp Trung cấp nghề cơ khí, Vũ Thế Mạnh về công tác tại Chi nhánh Vận tải đường sắt. Với sự chăm chỉ và không ngừng học hỏi, Vũ Thế Mạnh trở thành công nhân lành nghề trong phân xưởng, thường xuyên được cử đi học tập nâng cao trình độ. Anh còn đăng ký, theo học thêm đại học để trau dồi kiến thức, chuyên môn.
Chi nhánh Vận tải đường sắt (Công ty TNHH MTV Apatít Việt Nam) có nhiều sáng kiến hiệu quả trong sản xuất. |
Với lòng yêu nghề cùng kiến thức vững vàng, kỹ sư Mạnh đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập trong kỹ thuật sửa chữa, từ đó đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật, sáng kiến kinh nghiệm được công nhận từ cấp cơ sở trở lên, anh được mệnh danh là người có đôi bàn tay “vàng” của đơn vị. Chỉ tay vào số đầu máy, thiết bị kỹ thuật để la liệt trong phân xưởng chờ sửa chữa, kỹ sư Mạnh cho biết: Ngoài việc tuân thủ nguyên tắc làm việc, người thợ sửa chữa phải cố gắng tìm ra các phương pháp, giải pháp kỹ thuật hiệu quả, đảm bảo sửa chữa nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Có như vậy mới giảm được thời gian sửa chữa, tiết kiệm kinh phí, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động của đơn vị. Trong số nhiều sáng kiến kỹ thuật được áp dụng hiệu quả, kỹ sư Mạnh ấn tượng hơn cả với giải pháp: “Cải tiến hệ thống bôi trơn đầu máy xe ca”. Bởi, để nghiên cứu thành công, anh mất nhiều đêm trăn trở, tìm hiểu và không ít lần trải qua cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối vì thất bại. Trên thực tế, đầu máy xe ca sử dụng thanh chì để bôi trơn trong quá trình hoạt động, nhưng chỉ được từ 25 đến 30 ngày, sau đó phải đưa về xưởng sửa chữa, thay thế thanh chì mới. Thời gian sửa chữa cho một đầu máy mất nhiều thời gian và chi phí. Hơn nữa, việc sử dụng thanh chì còn gây tác hại cho môi trường. Kỹ sư Vũ Thế Mạnh đã áp dụng các phương pháp thay thế nhưng không thành. Không bỏ cuộc, anh tìm đọc thêm tài liệu chuyên ngành, tham khảo ý kiến từ đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm. Sau nhiều nỗ lực, đến năm 2011, anh đã áp dụng thành công việc dùng dầu nhớt thay thế thanh chì, giúp các đầu máy hoạt động ổn định từ 8 đến 10 tháng mới phải sửa chữa, thay thế hệ thống bôi trơn. Ngoài ra, thời gian sửa chữa đầu máy cũng giảm xuống bằng 1/3 so với trước và hạn chế tác động xấu tới môi trường. Đề tài cải tiến này được áp dụng rộng rãi trong thực tế và làm lợi cho sản xuất 728 triệu đồng.
Ngành giáo dục và đào tạo tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sáng tạo. |
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe của nhân viên y tế thôn, bản và các giải pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu, giai đoạn 2015 - 2016” của thạc sĩ, bác sĩ Dương Thái Hiệp (chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế) cũng được giới chuyên môn đánh giá cao về tính thực tiễn, khả thi và mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống xã hội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Trên cơ sở thực hiện đề tài, ngành chức năng đã tham mưu, trình tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế, cô đỡ thôn, bản và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho gần 6.000 nhân viên y tế thôn, bản (năm 2016). Trong 12 năm công tác, ngoài đề tài này, thạc sĩ, bác sĩ Dương Thái Hiệp còn là tác giả của 8 sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở, chủ đề tài và đồng tác giả với 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, gồm: “Đánh giá thực trạng đái tháo đường thai kỳ trên địa bàn tỉnh”; “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học của người bệnh Thalasemia (bệnh tan máu) ở đồng bào dân tộc thiểu số”; “Xây dựng công thức và thực đơn ăn bổ sung từ các thực phẩm sẵn có cho trẻ từ 6 đến 24 tháng”. Riêng đề tài “Xây dựng công thức và thực đơn ăn bổ sung từ các thực phẩm sẵn có cho trẻ từ 6 đến 24 tháng” đã đoạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai năm 2015. Đề tài làm lợi khoảng 190 triệu đồng, giúp giảm nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng cao, được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh…
Toàn tỉnh có hàng nghìn sáng kiến được công nhận mỗi năm, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội. |
“Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là phong trào thi đua trọng tâm của công nhân, viên chức, lao động trong tỉnh. Từ nội dung phong trào, từng ngành, từng lĩnh vực đã phát động thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế, điển hình như phong trào: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động; “Học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” trong khối sản xuất công nghiệp; “Xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” của tổ chức công đoàn... Các phong trào thi đua đã thu hút đông đảo người lao động đăng ký tham gia, đóng góp tích cực để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và của tỉnh. Ông Nguyễn Hữu Long, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đánh giá: Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, khơi dậy tinh thần sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động tại cơ sở. Các cấp công đoàn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cả về bề rộng, chiều sâu, từ đó, người lao động và người sử dụng lao động đã nhận thức đầy đủ và trách nhiệm. Phong trào được triển khai thường xuyên; người lao động tự giác hưởng ứng, coi đó là quyền lợi, trách nhiệm đối với bản thân và đơn vị công tác. Với phương châm “Hỗ trợ tối đa, tập trung khen thưởng người lao động là công nhân, lao động trực tiếp”, nhiều cơ quan chủ quản, người sử dụng lao động khuyến khích, hỗ trợ, khen thưởng kịp thời người có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật hiệu quả.
Do đó, từ năm 2013 đến năm 2016, toàn tỉnh có 4.786 sáng kiến được các cấp công nhận, giá trị làm lợi trên 44 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, toàn tỉnh có 11 cá nhân được nhận Bằng khen “Lao động sáng tạo”; 66 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh, 1.027 sáng kiến cấp cơ sở. Tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ của người lao động đã tạo ra khối tài sản khổng lồ cả về tri thức, hiệu quả kinh tế trong sản xuất và ý nghĩa xã hội. Điều đó đã thúc đẩy hơn nữa khả năng sáng tạo của người lao động, tinh thần hăng hái thi đua giữa người lao động và các đơn vị với nhau. Trong hàng nghìn sáng kiến được công nhận, có sáng kiến chỉ ý nghĩa với một đối tượng, phạm vi áp dụng nhất định, nhưng cũng có những đề tài được áp dụng rộng rãi, được nhiều đơn vị ở địa phương khác về học tập kinh nghiệm. Sáng kiến nào cũng đáng được trân quý, cổ vũ và động viên, bởi đó là tình yêu lao động, sáng tạo, thể hiện trách nhiệm cao với công việc của người lao động.