Bền chặt nghĩa tình đồng đội
Thời gian trôi qua, tuy vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng, nhưng ký ức về một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước thì mãi mãi không thể quên trong cuộc đời mỗi cựu binh. Cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước, có biết bao câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội, về sự hy sinh, gian khổ mà những người lính đã trải qua.Hai người lính và khẩu súng AK
Lửa đạn chiến tranh đã vô tình gắn kết số phận của hai người lính thành đôi tri kỷ. Tháng 5/1971, ông Nguyễn Văn Thường và ông Bùi Sĩ Thìn cùng nhập ngũ và được biên chế vào đơn vị C8D5E165F315 (thuộc Quân đoàn 1). Sau thời gian huấn luyện tại Hà Bắc, tháng 10/1971, ông Thường và ông Thìn cùng đồng đội hành quân tham gia chiến đấu tại cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, thuộc khu vực thượng Lào. Đến đầu năm 1972, đơn vị được lệnh rút ra Nghệ An, sau đó tham gia chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị. Ông Thường nhớ lại: Chúng tôi phải đợi khi đêm xuống, tranh thủ khoảng thời gian giữa các loạt pháo quân địch bắn vào từ bờ biển, vượt sông Thạch Hãn để vào thành cổ. Bộ đội chủ yếu ăn lương khô, uống nước lã, quần nhau với giặc, có những lần hết nước, dưới đáy bình tông là nguyên lớp bùn dày cả cm.
Ông Thìn tiếp lời: Tối 8/9/1972, chúng tôi được tiểu đoàn tập trung để thông báo tình hình, khả năng quân địch sẽ mở đợt tấn công ác liệt. Ngày hôm sau (9/9/1972), không ai bảo ai, mọi người đều chọn những bộ quân phục mới nhất để mặc như là một sự biểu thị lòng quyết tâm chiến đấu, dù phải hy sinh.
ông Nguyễn Văn Thường và ông Bùi Sĩ Thìn kể cho người thân về một thời chiến đấu tại thành cổ Quảng Trị. |
Đúng như dự đoán, khoảng 14 giờ, ngày 9/9/1972, địch bắt đầu mở đợt tấn công ồ ạt, gồm xe tăng và bộ binh. Sau nhiều giờ chiến đấu, đại đội hoả lực của ông Thường và ông Thìn chỉ còn lại 8 người, đến tối thì được lệnh rút lui về tuyến sau để đảm bảo an toàn. Trên đường rút, ông Thường và ông Thìn cùng một đồng đội làm nhiệm vụ thông tin trú ẩn trong ngôi nhà chỉ còn lại một phần của tầng hầm. Thế rồi, một loạt bom địch tiếp tục phá sập phần còn lại, nhanh như cắt, ông Thường dựng đứng cây súng AK, chống lại một phần trần nhà đang đổ về phía họ. Nhờ vậy, cả ba đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong gang tấc. Ông Thường và ông Thìn chỉ bị thương nhẹ do sức ép và mảnh vỡ gạch đá bắn vào, còn người lính thông tin kia bị trần nhà đè vào chân. Sau một hồi tĩnh tâm, hai ông nhanh chóng bới đất đá, cứu đồng đội và tiếp tục dìu nhau rút lui. Đến khoảng 21 giờ, ngày 9/9/1972, ông Thường và ông Thìn vượt sông Thạch Hãn, sang bờ Bắc an toàn.
Sau lần bị thương đó, hai ông được chuyển ra tuyến sau dưỡng thương, đến tháng 3/1975, cả hai lại tiếp tục vào chiến đấu tại tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tháng 8/1976, hai ông giải ngũ và chuyển ngành về công tác tại địa phương đến khi nghỉ hưu. Từ đó, ngày 9/9 được các ông coi như ngày sinh lần thứ hai của mình. Vào ngày này hằng năm, ông Thường (ở tổ 8, phường Bắc Lệnh) và ông Thìn (ở tổ 4, phường Duyên Hải) lại luân phiên tổ chức gặp mặt hai gia đình, ôn lại chuyện cũ - một thời cùng vào sinh ra tử. Từ hai phương trời họ chẳng hẹn quen nhau, cùng chung đơn vị, sát cánh chiến đấu, rồi cho đến hôm nay họ vẫn là tri kỷ. Mọi công to việc lớn của hai gia đình, ông Thường và ông Thìn đều cùng nhau gánh vác, chia sẻ như anh em ruột thịt, bền chặt thêm nghĩa tình đồng đội giữa đời thường.
Ký ức một thời
Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, tôi may mắn được trò chuyện với cựu binh Phạm Ngọc Thảo trong ngôi nhà nhỏ của ông tại tổ 40, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai. Lần từng trang kỷ yếu về hội đồng ngũ, ông Thảo dừng lại ở bức ảnh chụp ông và một người đồng đội, mái tóc ngả màu thời gian. Ông nghẹn ngào: “Đây là ông Nguyễn Vinh Chất, một đồng đội quê Nghệ An cùng bị bom vùi với tôi ngày 6/1/1973”.
Tháng 12/1971, Phạm Ngọc Thảo mới tròn 17 tuổi, rời ghế nhà trường, tạm biệt quê hương Bát Xát, tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tân binh, đến tháng 11/1972, ông bắt đầu vào chiến trường thuộc đoàn hộ tống các đơn vị pháo binh vào Nam (đi B). Ông Thảo nhớ lại: Thời điểm đó, sau khi kết thúc 12 ngày đêm ném bom đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, đế quốc Mỹ bắt đầu đánh phá dọc tuyến đường hành quân vào Nam của quân ta. Ngày 6/1/1973, khi đơn vị tôi dừng chân sửa chữa một xe tại xã Tân Xum, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình thì bị B52 của Mỹ ném bom vào đội hình. Sau loạt bom, 2 người đã hy sinh, tôi và ông Nguyễn Vinh Chất bị bom vùi sâu cả mét, tôi chỉ kịp kêu lên vài câu, rồi cảm thấy khó thở. Rất may, đồng đội đã kịp nghe thấy, dùng tay bới đất và cứu được 2 chúng tôi. Sau đó, tôi bị đau lưng không đi được, đồng đội lại thay nhau cõng tôi di chuyển về nơi an toàn.
Trong chiến đấu, mỗi người một vị trí, nhưng điểm chung ở những người lính là sự đoàn kết, đùm bọc nhau vượt qua khó khăn, làm nên chiến thắng. Câu chuyện về trận tập kích của cựu binh Trương Xuân Huyên, hiện ở thôn Trung Tâm, xã Bản Lầu (Mường Khương) kể về sự mưu trí, dũng cảm của những chiến sĩ trinh sát, sự phối hợp nhịp nhàng của những pháo thủ là một minh chứng cụ thể. Đó là thời điểm giữa năm 1973, đơn vị của ông Huyên được lệnh tấn công căn cứ Kiến Văn của địch, là nơi có vị trí quan trọng, án ngữ một vùng rộng lớn phía Nam Sài Gòn. Theo lệnh, ông Huyên và đồng đội đi xuồng hành quân qua những con kênh của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trên trời, máy bay địch quần thảo và pháo binh bắn cấp tập. Ngay khi có mặt tại trận địa, các pháo thủ nhanh chóng chuyển pháo, đạn và lắp ngòi nổ, dựng pháo, đào công sự với tốc độ nhanh nhất có thể. Do vùng đồng bằng ngập nước, khó khăn cho đặt bàn đế pháo, các pháo thủ phải khắc phục bằng cách chặt tỉa cành trâm bầu, bó lại đặt dưới bàn đế chống lún cho pháo. Ông Huyên và tổ trinh sát quan sát kỹ căn cứ địch rồi thông tin cho đồng đội bắt đầu khai hỏa. Một loạt pháo đầu xoá sổ chỉ huy sở, tiếp đến là 27 quả đạn phá huỷ hoàn toàn trận địa pháo của địch. Trận địa pháo bắn xong, ông Huyên cùng đồng đội nhanh chóng rời đài quan sát về trận địa cùng pháo thủ thu pháo trở về đơn vị. Trên nền trời chạng vạng tối, xa xa, căn cứ Kiến Văn của địch chìm trong biển lửa, mấy chiếc máy bay phản lực gầm rú rồi biến mất.
“Đường hành quân trở về đơn vị dưới làn pháo sáng của địch, có chút gì đó thật đẹp trong cuộc đời binh nghiệp, khoảnh khắc đó tôi không thể quên. Năm tháng và chiến tranh đã lùi xa, điều còn đọng lại sâu đậm đối với chúng tôi là tình đồng chí, đồng đội keo sơn, có thể chấp nhận hy sinh để nhường sự sống cho nhau” - ông Huyên tâm sự.