Nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4): Giúp người khuyết tật vượt qua số phận
Sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ của xã hội đã tiếp thêm niềm tin, nghị lực cho người khuyết tật vượt qua số phận.Anh Phan Văn Hậu, 24 tuổi, thôn Bản Phàng, xã Điện Quan (huyện Bảo Yên) luôn niềm nở mỗi khi gặp người lạ. Mặc dù, mang trên người những dị tật bẩm sinh từ khi mới sinh ra, nhưng từ sự giúp đỡ của người thân, sự động viên của người dân trong bản đã tiếp thêm động lực để anh Hậu hòa nhập tốt với cuộc sống. Anh Hậu chia sẻ: “Chân và tay bị dị tật, co quắp từ nhỏ, nên hồi đi học, tôi tự ty và xấu hổ lắm. Bởi thế, học hết cấp 1, tôi bỏ học và sống thu hẹp trong thế giới riêng một thời gian dài”. Sau đó, được gia đình, bạn bè động viên, giúp đỡ, anh Hậu mạnh dạn mở cửa hàng tạp hóa nhỏ để buôn bán, sống qua ngày. Có vốn tích lũy, anh Hậu đầu tư mua máy tách hạt ngô để làm dịch vụ cho người dân trong thôn. Cuộc sống được đảm bảo, nên anh Hậu đã bớt đi những mặc cảm, tự ty, sống vui vẻ, hòa nhập với cộng đồng.
Tặng xe lăn cho trẻ khuyết tật. |
Ông Nông Văn Tra là tấm gương “vượt qua số phận” để trở thành điển hình trong phát triển kinh tế hộ của bản Nà Đình, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên). Ông Tra năm nay ngoài 50 tuổi, vóc dáng nhỏ, lưng bị gù, nên mọi người quen gọi ông với cái tên thân mật là “Tra gù”. Hồi còn trẻ, ông Tra cũng khỏe mạnh bình thường, sau chuyến khai thác gỗ về làm nhà, ông bị tai nạn, khiến lưng bị dị tật. Mất hơn 80% sức khỏe, ông Tra được người quen cho theo học nghề sửa chữa xe đạp, rồi mở cửa hiệu sửa chữa từ năm 1996. Sau này, tích lũy được số vốn đáng kể, ông Tra nâng cấp cửa hàng sửa chữa thành đại lý cung ứng phụ tùng xe đạp, xe máy, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… Đến nay, cuộc sống gia đình của ông Tra đã ổn định với mức thu nhập khá.
Đây chỉ là hai trường hợp người khuyết tật điển hình về sự vươn lên trong cuộc sống nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện trên địa bàn tỉnh có 7.014 người khuyết tật, trong đó có trên 1.000 người khuyết tật đặc biệt nặng; trên 3.200 người khuyết tật nặng. Về điều kiện kinh tế, số người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo chiếm trên 38%, số người khuyết tật có việc làm gần 25%. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.800 người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hầu hết thuộc những trường hợp khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Để hỗ trợ người khuyết tật có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, ngoài chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Người khuyết tật, triển khai hỗ trợ pháp lý đối với người khuyết tật, thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật, mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn.
Dạy nghề tin học cho người khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề Phú Minh. |
Ông Lê Thanh Bình, Trưởng phòng Dạy nghề và Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh chỉ có 97 người khuyết tật được đào tạo nghề tin học, trồng và nhân giống nấm, sửa chữa xe máy. Hầu hết học viên theo học các lớp đào tạo nghề đều thuộc diện khuyết tật nhẹ. Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, nhưng để vận động, tuyên truyền những học viên là người khuyết tật theo học các lớp đạo tạo nghề rất khó khăn. Do đó, tỷ lệ người khuyết tật được đào tạo nghề rất thấp, chỉ chiếm gần 3%.
Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời gian tới, ngoài chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật, các ngành, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các chính sách để người khuyết tật được hưởng quyền chính đáng, hạn chế sự kỳ thị đối với người khuyết tật.