Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam

Sáng ngày 12/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lào Cai diễn ra hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; Hầu A Lềnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia ngành dược liệu.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Xuân Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Bắc Hà, Sa Pa và đại diện một số bệnh viện trong tỉnh.

Theo thống kê của Viện Dược liệu, tính đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Trong đó, khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm như: Cẩu tích (1.500 tấn), lạc tiên (1.500 tấn), rau đắng đất (1.500 tấn)...

Quang cảnh hội nghị.

Hiện nay, cả nước có hơn 500 loài cây thuốc được trồng ở các quy mô khác nhau; trong đó, khoảng 50 loài đặc trưng và có giá trị kinh tế cao với quy mô trên 10 ha và cho sản lượng lớn như: Quế (trên 50.000 ha, tổng sản lượng ước đạt 5.000 tấn/năm), hồi (khoảng 6.000 tấn/năm), hòe (tổng sản lượng đạt khoảng 6.000 tấn/năm)… Một số loài khác đang được đầu tư phát triển như hà thủ ô, đẳng sâm, bình vôi, lan kim tuyến, thông đỏ, giảo cổ lam, tục đoạn, xuyên tâm liên, hy thiêm,… Nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động tổ chức quy hoạch các vùng dược liệu; đã xác định được một số vùng lợi thế, tiềm năng phát triển, hình thành một số vùng chuyên canh dược liệu như: Hoa hòe (Thái Bình), ba kích (Quảng Ninh), hồi (Lạng Sơn), quế (Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Nam), atiso (Lào Cai, Lâm Đồng).

Giá trị kinh tế đem lại từ dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (cao hơn gấp 5 - 10 lần trồng lúa). Cụ thể, trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng/ha/năm; cây atiso thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/ha/năm, trong khi cây lúa chỉ từ 20 - 40 triệu đồng/ha/năm.

Mặc dù có tiềm năng, thế mạnh rất lớn về tài nguyên dược liệu, nhưng nước ta mới chủ động được 25% nhu cầu, 75% còn lại phụ thuộc nguồn nhập khẩu; tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu vẫn còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng không ổn định, giá biến động. Nhiều loài dược liệu không được trồng theo quy trình, quy hoạch cụ thể làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu và thuốc từ dược liệu.

Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Lào Cai có nhiều loại dược liệu quý, trong đó có nhiều loài quý hiếm có giá trị y dược rất cao, như sâm Ngọc Linh (khu vực dãy núi Hoàng Liên Sơn), cây bình vôi, tam thất, chè dây, giảo cổ lam, đỗ trọng… Trong những năm qua, cây dược liệu được tỉnh Lào Cai quan tâm bảo tồn và đầu tư phát triển mở rộng diện tích đối với một số loài có thế mạnh, như atiso, đương quy, bạch truật, độc hoạt, xuyên khung, chè dây, ý dĩ, tam thất. Hiện, Lào Cai đã có 2 loại cây dược liệu được Bộ Y tế công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là atiso được trồng, thu hái tại huyện Sa Pa, với diện tích 50 ha; chè dây được thu hái tại huyện Sa Pa, huyện Bát Xát, với diện tích 30.000 ha. Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2020 có 1.200 ha cây dược liệu và đạt 3.700 ha vào năm 2030.

Bí Thư Tỉnh ủy Lào Cai đề nghị cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực trồng, phát triển dược liệu; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ cao trong nghiên cứu phát triển sản phẩm dược liệu; có chính sách tích tụ ruộng đất giúp doanh nghiệp liên kết với nông dân đẩy mạnh sản xuất; có giải pháp kiểm soát, quản lý chất lượng đối với dược liệu nhập khẩu; chính sách bảo hộ sản phẩm trong nước…

Đại biểu tham luận tại hội nghị.

Cũng tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp phát biểu tham luận nêu giải pháp nhằm phát triển dược liệu Việt Nam: Theo đó, cần có quy hoạch vùng dược liệu rõ ràng; có chính sách đặc thù cho phát triển cây dược liệu; chọn một số loại cây dược liệu quý làm trọng tâm, trọng điểm; có biện pháp tổ chức sản xuất gắn với chế biến; tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm dược liệu, bao gồm cả thị trường trong nước và xuất khẩu…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sapa.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phát triển ngành dược liệu không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, những bất cập của ngành dược liệu hiện nay là do chưa quy hoạch được vùng dược liệu phát triển theo chuỗi giá trị nên hiệu quả thấp; sản xuất manh mún, không có đầu ra bền vững. 

Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Cần có khuôn khổ chính sách pháp luật rõ hơn, thậm chí phải sửa luật pháp để dược liệu Việt Nam có điều kiện phát triển; cần phát triển công nghệ dược ở Việt Nam để chế biến hiệu quả và phải có hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu Việt Nam ra quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để phát triển ngành dược liệu Việt Nam; xây dựng chương trình khoa học trọng điểm về dược liệu; có chính sách hỗ trợ, công nhận các bài thuốc cổ truyền, lựa chọn một số dược liệu có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển như sản phẩm của quốc gia. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông để giúp người dân, cộng đồng nhận được thông tin, có kiến thức về phát triển dược liệu Việt Nam; khuyến khích việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, đơn giản hóa các thủ tục thanh toán, có chính sách đặc thù trong đấu thầu mua dược liệu trong nước theo tiêu chuẩn quy định.

Các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến cán bộ làm công tác dược liệu, bổ sung nhân lực quản lý y dược cổ truyền nói chung và dược liệu nói riêng. Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Công thương, ngành hải quan và các địa phương tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ việc xuất - nhập khẩu dược liệu. 

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã đến tham quan dây chuyền sản xuất cao atiso của Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sapa tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, thành phố Lào Cai (ảnh trên).

Thei Quang Minh/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...

Hướng đến phát triển “du lịch xanh” bền vững

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây được xem là hướng đi phù hợp...