Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (phải) nhận lá thư của Thủ tướng Anh Theresa May
thông báo quyết định rời EU từ Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow tại Brussels, Bỉ ngày 29/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Mặc dù có những lo lắng về tương lai của EU và những hệ lụy kéo dài bởi Brexit nhưng nhìn chung, dư luận chính giới Đức hướng tới những suy nghĩ tích cực. Trên trang web Chính phủ liên bang, Bộ trưởng ngoại giao Đức Sigmar Gabriel (Dích-ma Ga-bri-en) cho rằng Đức và EU nên làm mọi thứ có thể để duy trì mối quan hệ tốt đẹp và thân thiện với London trong tương lai. Trong khi đó, bà Ulrike Demmer (Ăn-rai Đêm-mơ), phó phát ngôn viên Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) cho biết chính phủ Liên bang đã "chuẩn bị tốt cho quá trình này" và cho rằng "Anh vẫn là một đồng minh chủ chốt của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)". Trả lời phỏng vấn của nhật báo Bild, Bộ trưởng kinh tế Đức Brigitte Zypries (Bri-gít-tơ Díp-prít) cho rằng Anh sẽ phải đối mặt với rủi ro nhiều hơn so với EU sau khi kích hoạt Brexit. Khi được hỏi liệu có thể Anh sẽ trở thành "tấm gương" kéo theo các nước khác rời EU, bà Zypries cho rằng khả năng này là rất khó xảy ra vì thị trường nội khối này sẽ mang lại lợi ích cho người dân và đây sẽ là "mô hình thành công vì sự hòa bình và phát triển". Trước thông tin một số ngân hàng tại Anh muốn rời khỏi London đến Frankfurt, Bộ trưởng Kinh tế Đức khẳng định Đức là một địa điểm hấp dẫn và luôn hoan nghênh công ty hay ngân hàng tới "định cư" và "hoạt động".
Trước đó, Thủ tướng Merkel phát biểu sau khi nước Anh chính thức thông báo quyết định rời EU, đã nhấn mạnh quá trình đàm phán Brexit sẽ diễn ra "công bằng và xây dựng", đồng thời mong muốn Anh vẫn sẽ là đối tác thân thiết của Đức và EU trong tương lai. Tuy nhiên, bà Merkel bác bỏ mong muốn của Thủ tướng Anh Theresa May về việc Anh và EU vừa đàm phán Brexit, vừa bàn đến mối quan hệ tương lai giữa hai bên. Bà Merkel có lập trường rất rõ ràng "chỉ khi nào chúng ta giải quyết xong việc Anh rời khỏi EU thì mới có thể bàn về tương lai của mối quan hệ giữa hai bên". Quan điểm này cũng đã được Nghị viện châu Âu (EP) ủng hộ. Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch EP Antonio Tajani (An-tô-ni-ô Tan-gia-ni) cho biết hai bên phải tuân thủ các bước đi theo thứ tự , đây là quy định, không phải điều có thể đàm phán.
Trong khi đó, Tây Ban Nha đã thiết lập khu vực trợ giúp tại Đại sứ quán nước này ở London để giải đáp thắc mắc của những người Tây Ban Nha hiện đang sinh sống tại Anh. Tất cả những câu hỏi xoay quanh các vấn đề như thay đổi về học phí, luật cho phép định cư, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và các vấn đề thuế quan sau khi Anh rời EU sẽ được giả đáp tại khu vực này. Hiện có khoảng 130.000 người Tây Ban Nha đăng ký định cư tại Anh trong khi hàng nghìn người khác tạm trú hợp pháp tại quốc gia này. Chính phủ Tây Ban Nha cũng ưu tiên đàm phán nhằm đạt thỏa thuận bảo vệ quyền lợi của công dân nước này tại Anh. Mandrid cũng sẽ chủ trì hội nghị lãnh đạo các quốc gia EU ở phía Nam như Pháp, Italy, Hy Lạp, Tây Ban Nha....vào ngày 10/4 tới để thảo luận về các vòng đàm phán Brexit. Vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh nằm ở phía Nam Tây Ban Nha cũng bày tỏ quyết tâm được là một phần lãnh thổ của Anh ngay cả khi quốc gia này rời khỏi EU bất chấp việc Tây Ban Nha đã đề xuất chia sẻ chủ quyền để vùng lãnh thổ này vẫn có thể là thành viên EU sau Brexit. Gibralta là vùng lãnh thổ mà Mandrid đã nhượng lại cho London từ năm 1713. Cho tới nay, chủ quyền của vùng lãnh thổ này luôn là vấn đề gây căng thẳng giữa hai quốc gia tuy nhiên nguyện vọng của hầu hết người dân nơi đây là duy trì như một phần của Anh.
Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc (UN) đã khẳng định việc kích hoạt Brexit không gây ảnh hưởng gì tới vai trò của quốc gia này tại UN. Đại sứ Matthew Rycroft (Mát-thiu Rai-cốp) cho biết Anh sẽ tiếp tục duy trì vị trí của mình cùng với các quốc gia EU khác trong các vấn đề tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong khi các cuộc đàm phán Brexit vẫn đang diễn ra. Từ nay cho tới khi các cuộc đàm phán "chia tay" hoàn tất, Anh sẽ vẫn giữ nguyên tư cách thành viên EU. Hiện nay, Anh và Pháp là hai quốc gia EU đảm nhận các vị trí trong số 5 ghế thường trực có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc./.