Báo cáo của WHO cho biết, có 474 trong tổng số 559 ca mắc bệnh sở ở châu Âu được ghi nhận tại Pháp, Đức, Italy, Romalia, Phần Lan, Thụy Sỹ và Ukraine. Tại những nước này, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin ở dưới mức 95% – mức cần thiết để bảo vệ toàn bộ dân số.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Zsuzsanna Jakab cho biết: “Tôi đề nghị tất cả các quốc gia cần thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn dịch bệnh trong phạm vi lãnh thổ của mình, và các quốc gia đã đạt được thành tựu trong việc kiểm soát dịch bệnh cần tiếp tục cảnh giác và duy trì tỷ lệ cao dân số được tiêm chủng”.
Bà cũng khẳng định, việc bùng phát sẽ tiếp tục ở châu Âu cũng như những nơi khác, cho đến khi mỗi quốc gia đạt được mức độ tiêm phòng cần thiết đủ để bảo vệ dân số.
Tại Romania, bệnh sởi bùng phát đã cướp đi sinh mạng của 17 trẻ em, và khiến hàng nghìn người mắc bệnh. Đây là hậu quả của tình hình kinh tế khủng hoảng và phong trào bài tiêm chủng ở quốc gia này. Tại các nước nghèo, nhiều người không có điều kiện tiêm chủng loại vắcxin có giá 1 USD này, nhưng theo cảnh báo của WHO, trẻ em tại các nước giàu có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn do tâm lí hoài nghi về tính hiệu quả của việc tiêm chủng.
Sởi là một loại bệnh có khả năng lây nhiễm cao, với triệu chứng ban đầu là sốt cao và xuất hiện các nốt nhỏ đỏ trên da. Tất cả những người chưa được tiêm chủng đều có nguy cơ mắc bệnh.
Khi biến chứng, bệnh sởi có thể gây sẩy thai ở thai phụ, viêm não và viêm phổi nghiêm trọng đe dọa tính mạng người bệnh. Năm 2015, dịch sởi đã cướp đi sinh mạng của khoảng 134.2000 người, trong đó phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi. Việc tiêm vắcxin phòng bệnh sởi trong giai đoạn 2000-2015 đã giúp cứu sống 20,3 triệu người./.