Tại 4 quốc gia bị đe dọa bởi nạn đói này, gần 27 triệu người phải phụ thuộc vào nguồn nước độc hại và đối với trẻ em bị suy dinh dưỡng, nguồn nước này có thể dẫn tới bệnh tiêu chảy gây tử vong.
Theo Giám đốc các chương trình khẩn cấp của UNICEF Manuel Fontaine, sự kết hợp của các nhân tố như suy dinh dưỡng, nguồn nước độc hại và điều kiện y tế kém dẫn đến một vòng tròn luẩn quẩn mà rất nhiều trẻ em không thể hồi phục nổi. Nguồn nước độc hại có thể là nguyên nhân dẫn tới suy dinh dưỡng hoặc làm cho tình trạng suy dinh dưỡng trở nên tồi tệ hơn, bất kể lượng thức ăn vào cơ thể như thế nào.
Trong khu vực Đông Bắc Nigeria, 75% cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh tại các khu vực ảnh hưởng bởi cuộc xung đột đã bị hư hỏng hoặc bị phá hủy, khiến 3,8 triệu người không được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn. 1/3 trong số 700 cơ sở y tế tại đây đã hoàn toàn bị phá hủy và một số lượng tương tự không hoạt động.
Tại Somalia, số lượng những người cần nước sạch, vệ sinh môi trường trong vài tuần tới dự kiến sẽ tăng từ 3,3 triệu lên 4,5 triệu người, tương đương khoảng 1/3 dân số. Hơn 13.000 trường hợp mắc tả và tiêu chảy cấp đã được báo cáo kể từ đầu năm đến nay, cao gấp gần 5 lần năm lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nước đã tăng gấp 6 lần trong các khu vực xa xôi nhất, khiến các gia đình nghèo nhất hoàn toàn không có khả năng tiếp cận.
Ở Nam Sudan, 5,1 triệu người thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường. Một nửa trong số các nguồn nước của quốc gia này đã bị hư hỏng hoặc phá hủy. Dịch tả bùng phát trong tháng 6/2016 đã khiến hơn 5.000 trường hợp mắc tả và 100 trường hợp tử vong.
Tại Yemen, các cuộc xung đột và làn sóng di cư ồ ạt của người dân đã khiến ít nhất 14,5 triệu người không có nước sạch sinh hoạt và vệ sinh môi trường, đồng thời gây thiệt hại cho mạng lưới cấp nước. Một đợt bùng phát dịch tả và tiêu chảy cấp trong tháng 10/2016 vẫn tiếp tục lây lan, với hơn 22.500 trường hợp nghi ngờ và 106 trường hợp tử vong.
Trong bối cảnh đó, Giám đốc các chương trình khẩn cấp của UNICEF tuyên bố khẳng định tổ chức này “đang làm việc không mệt mỏi để cứu được càng nhiều sự sống càng tốt". Tuy nhiên, theo ông Fontaine, nếu các cuộc xung đột không chấm dứt và tiếp tục làm ảnh hưởng đến các quốc gia này, nếu không thể tiếp cận bền vững và tự do với các trẻ em đang cần trợ giúp và nếu không có thêm nguồn lực thì tình hình vẫn sẽ khó có thể được cải thiện đáng kể cho dù có nỗ lực hết sức mình./.