Nơi nào khó có thanh niên

Ðã từ lâu, hình ảnh màu áo xanh thấm đẫm mồ hôi bên nương ruộng của bà con; cùng các lực lượng chức năng điều tiết giao thông những ngày lễ lớn, hoặc đến những bản làng xa xôi đem sức trẻ dựng xây những công trình nông thôn mới… đã trở nên thân quen đối với cộng đồng. Với họ, những trái tim tuổi trẻ luôn tâm niệm: “Đâu cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên”.

Còn nhớ, những ngày hè cuối tháng 6/2016, nắng Lào Cai “như thiêu, như đốt”, khiến ai cũng ngại ra đường, nhưng tại hơn 20 điểm thi THPT quốc gia ở tỉnh, đông đảo đoàn viên, thanh niên tình nguyện vẫn cần mẫn trợ giúp “sĩ tử” và người nhà tham dự kỳ thi. Gần 1.000 thanh niên, sinh viên tình nguyện thuộc các cơ sở đoàn, hội trong tỉnh tham gia giúp đỡ 2.650 lượt thí sinh và người nhà thí sinh tìm nhà trọ giá rẻ, phòng trọ, suất ăn, di chuyển bằng xe buýt miễn phí... tổng số tiền huy động gần 200 triệu đồng. Đặc biệt, để tạo điều kiện ăn ở, đi lại tốt nhất cho thí sinh ở huyện xa thuộc diện gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Tỉnh đoàn bố trí hơn 120 chỗ ở tại Trung tâm Thanh - Thiếu niên tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn - Hải Vân đưa đón các em bằng xe bus đến 6 điểm thi đại học.

Đồng chí Giàng Quốc Hưng, Bí thư Tỉnh đoàn tặng quà học sinh tại xã Nậm Chảy.

Một trong số những sĩ tử có mặt sớm nhất tại Trung tâm Thanh - Thiếu niên tỉnh dịp ấy là em Sào Gà Do, học sinh Trường THPT số 2 huyện Bát Xát. Sào Gà Do là người dân tộc Hà Nhì, nhà ở thôn Kin Chu Phìn, thôn xa và khó khăn nhất của xã Nậm Pung (Bát Xát). Trong khi bạn bè được bố mẹ đưa đi thi, thì Do chỉ có một mình. Sào Gà Do cho biết: “Bố mẹ em không biết nói tiếng phổ thông, còn chưa đến phố huyện ngày nào, nói gì đến thành phố. Nhà em lại khó khăn, thêm người đi cùng là thêm chi phí, nên em phải đi một mình”. Tuy nhiên, một mình “chân ướt, chân ráo” đến phố thị cũng không phải chuyện dễ dàng. Để tìm được đường đến trung tâm, Do phải gọi hàng chục cuộc điện thoại cho các anh chị tình nguyện viên và cuối cùng, em đứng ở một địa điểm để các anh chị ra đón. Khi được đón đến trung tâm, Do nhễ nhại mồ hôi, nhưng vẫn nở nụ cười thật tươi: Qua Đoàn trường, em biết đến chương trình “Tiếp sức mùa thi” của Tỉnh đoàn, được ở nhà trọ miễn phí, ăn cơm giá rẻ và được xe đưa đến tận điểm thi, em yên tâm vô cùng. Cảm ơn các anh, chị đoàn viên nhiều lắm!

Không chỉ có Sào Gà Do, hàng trăm thí sinh và phụ huynh đều vui niềm vui được Tỉnh đoàn giúp sức để mùa thi bớt nhọc nhằn hơn. May mắn được đồng hành với mùa thi, chúng tôi đã được chứng kiến cảnh các tình nguyện viên “thức, ngủ cùng sĩ tử”. Bạn Loan, một trong những tình nguyện viên tâm sự: Không làm cho có, tất cả đoàn viên tham gia “Tiếp sức mùa thi” đều thực hiện bằng cả trái tim mình, bởi chúng tôi hiểu, những việc mình làm giúp ích cho các sĩ tử, đặc biệt là các sĩ tử có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành tốt kỳ thi, thực hiện ước nguyện của mình trên con đường học tập.

Không chỉ có “Tiếp sức mùa thi”, trong năm, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều chiến dịch tình nguyện, như “Hoa phượng đỏ”, “Hành quân xanh”, “Kỳ nghỉ hồng”... Bên cạnh đó, là các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, thực hiện an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân, tình nguyện thu gom rác thải, vệ sinh môi trường nông thôn với “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”... thu hút hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tham gia, nổi bật là phong trào tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “hướng mạnh về cơ sở”, trong năm, các đơn vị tập trung tình nguyện ở các thôn, xã thuộc các huyện nghèo. Đặc biệt, Tỉnh đoàn khánh thành và đưa vào sử dụng công trình thanh niên “Thắp sáng đường quê” dài 11 km tại xã Bản Qua (Bát Xát); bàn giao và đưa vào sử dụng 6 cầu nông thôn trên địa bàn các xã: Bảo Nhai (Bảo Yên), Khánh Yên Hạ, Dương Quỳ (Văn Bàn), giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.

Đoàn viên, thanh niên tham gia tình nguyện giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả bão số 2 (tháng 8/2016).

Năm 2016, các địa phương trên địa bàn tỉnh chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ, nhất là ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, số 2 và số 3. Với tinh thần xung kích, không ngại khó khăn, nguy hiểm, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều đội tình nguyện tại chỗ với trên 2.500 ngày công giúp đỡ nhân dân, các cơ quan, đơn vị khắc phục hậu quả thiên tai. Đặc biệt, Tỉnh đoàn còn là “cầu nối” đưa những món quà đầy nghĩa tình của các tổ chức, cá nhân đến với đồng bào vùng lũ, ước tổng trị giá trên 450 triệu đồng.

Tự hào vì những kết quả đã đạt được trong năm 2016, đồng thời hướng tới nhiệm vụ phía trước, đồng chí Giàng Quốc Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai khẳng định: Năm 2017, chiến dịch thanh niên tình nguyện sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền, vận động thanh niên, huy động xã hội hóa, tổ chức các chương trình tình nguyện, thiện nguyện sẽ được thực hiện đồng bộ, bài bản, đi vào chiều sâu, thu hút sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên cho mỗi thôn bản, vùng quê thêm phát triển.

“Đâu cần thanh niên có, nơi nào khó có thanh niên”, là động lực, tôn chỉ để đoàn viên, thanh niên trong tỉnh phát huy sức trẻ, xung kích vì cuộc sống cộng đồng. Với họ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.

Theo Tô Dung/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...

Hướng đến phát triển “du lịch xanh” bền vững

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây được xem là hướng đi phù hợp...