Bạn đồng hành với người trồng chè Bản Liền
Năm 2004, Hợp tác xã Chè Bản Liền ra đời đã góp phần phát triển vùng chuyên canh chè của địa phương, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.Trở lại Bản Liền, chúng tôi được chứng kiến những đổi thay to lớn đang diễn ra trên mảnh đất vùng cao này. Trung tâm xã được quy hoạch xây dựng, hình thành dáng dấp trung tâm cụm xã ở khu vực Tây Nam của huyện; nhiều ngôi nhà ngói mới mọc lên; khu vực đồi hoang, đồi trọc trước đây giờ đã được phủ xanh bởi cây chè. Cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại những nguồn thu đáng kể cho địa phương.
Gia đình bà Lâm Thị Ban là hộ trồng chè nhiều nhất thôn Đội 4, xã Bản Liền. Nhờ cây trồng này, mỗi năm gia đình bà thu trên 15 triệu đồng. Bà Ban cho biết: Gia đình tôi trồng chè từ hàng chục năm nay. Không chỉ gia đình tôi, mà với các hộ dân khác, cây chè là nguồn thu chính. Mấy năm trở lại đây, được Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ, người trồng chè ở Bản Liền được tập huấn, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản chè để có năng suất, chất lượng cao. Giờ đây, có thêm Hợp tác xã Chè Bản Liền, đóng tại thôn Đội 1 của xã càng giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, thuận tiện hơn, giúp các hộ yên tâm gắn bó với cây chè.
Cây chè trở thành nguồn thu nhập chính của người dân Bản Liền. |
Bản Liền là xã vùng cao, cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30 km. Đây là vùng chuyên canh chè lớn nhất huyện với 294 ha, nổi tiếng với chè Shan tuyết cổ thụ. Chè Bản Liền khi pha nước có màu xanh nhạt quyện lẫn màu vàng như mật ong, hương thơm dịu nhẹ, vị ngọt lâu. Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm chè gặp không ít khó khăn, xác định phát triển hợp tác xã kiểu mới sẽ giúp nông nghiệp huyện có bước phát triển về chất, mang tính đột phá, tăng thu nhập cho người dân, tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp, năm 2004, huyện Bắc Hà đã phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập Hợp tác xã Chè Bản Liền, đơn vị đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn.
Hiện, Hợp tác xã Chè Bản Liền có gần 200 xã viên tham gia, với 8 tổ, nhóm quản lý xã viên. Hợp tác xã hoạt động theo hình thức phối hợp và có cam kết chặt chẽ với người dân trong việc sản xuất chè hữu cơ. Từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã đã áp dụng mô hình chuỗi giá trị cho sản phẩm chè, bước đầu xây dựng nguồn nguyên liệu chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cho ra sản phẩm chè chất lượng cao. Hợp tác xã cũng tự tìm các kênh phân phối bán buôn, bán lẻ để mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, hợp tác xã không ngừng đầu tư các trang - thiết bị hiện đại nhằm chế biến, nâng cao giá trị thành phẩm và tạo thương hiệu riêng cho vùng chè Bản Liền. Nhờ đó, sản phẩm chè của hợp tác xã đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu, Canada, Mỹ và nhiều chứng nhận quan trọng khác.
Với sự hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan, dự án, hợp tác xã chủ động đứng ra tổ chức liên kết; tập huấn, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân... Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, hợp tác xã còn đóng góp hiệu quả vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã Chè Bản Liền cho biết: Hiện nay, hợp tác xã không chỉ tập trung đầu tư tại xã Bản Liền, mà còn mở rộng quy mô tại các vùng chè khác của huyện Bắc Hà, như Tả Củ Tỷ, Nậm Khánh, Tả Văn Chư, Lầu Thí Ngài… Song vùng chè Shan tuyết Bản Liền được đánh giá có chất lượng tốt nhất, với các sản phẩm chè được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Các sản phẩm chủ yếu của hợp tác xã là hồng trà, chè sấy, chè đen, chè xanh… Thương hiệu chè Bản Liền ngày càng được khẳng định vị thế trên thị trường. Việc bao tiêu, thu mua chè nguyên liệu cho xã viên của hợp tác xã ngày càng tăng. Năm 2016, giá thu mua chè của hợp tác xã dao động từ 15.000 - 18.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 23.000 đồng/kg.
Cây chè đã từng bước khẳng định vị trí chủ lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở Bản Liền. Do đó, chính quyền xã luôn chú trọng cải tạo, phát triển, mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè. Ông Giàng Seo De, Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 tiếp tục xác định chè là cây trồng mũi nhọn, xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Mấy năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, xã Bản Liền luôn quan tâm triển khai hỗ trợ người dân cải tạo đồi chè tạp, mở rộng diện tích vùng chuyên canh chè; đồng thời, đẩy mạnh liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác xã Chè Bản Liền là bạn đồng hành với người trồng chè địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở xã vùng cao này.