Cải cách hành chính - Hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp: Đột phá trong cải cách hành chính
Những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn nỗ lực cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ, lấy thước đo là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Chúng tôi có mặt tại xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) khi cán bộ, công chức đang chuẩn bị tham gia cuộc họp thường kỳ do UBND thành phố tổ chức. Đúng giờ, mọi người đều tập trung tại hội trường tầng 2 của UBND xã. Đồng chí Vi Thị Hởi, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ đầu năm 2016, xã được trang bị phòng họp trực tuyến, nên nhiều cuộc họp, cán bộ không phải vượt vài chục cây số lên thành phố tham dự. Thành phố Lào Cai là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc của hệ thống chính quyền địa phương. Nổi bật là đầu tư phòng họp trực tuyến đến tận các xã, phường của thành phố, giảm bớt thời gian đi lại cho cán bộ, đồng thời, thành phần tham gia cuộc họp được mở rộng, nên mọi chỉ đạo của thành phố được nhanh chóng chuyển tải trong hệ thống chính trị.
Người dân tìm hiểu thủ tục hành chính được niêm yết tại trụ sở UBND xã Làng Giàng (Văn Bàn). |
Để tạo sự đồng bộ, Lào Cai triển khai chương trình thỏa thuận hợp tác ký kết với Tập đoàn VNPT đưa vào thực hiện thí điểm bộ phần mềm chính quyền điện tử, gồm 3 hệ thống phần mềm quản lý văn bản điều hành (VNPT- iOffice), phần mềm một cửa (VNPT- iGate), phần mềm cổng thông tin điện tử (vnPortal). Bộ phần mềm trên sẽ kết nối liên thông từ Trung ương đến tỉnh, huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, giúp việc theo dõi, quản lý, xử lý các văn bản chỉ đạo, điều hành được nhanh chóng, chặt chẽ và cung cấp tốt nhất các dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh với 11 điểm cầu tại UBND tỉnh và các huyện, thành phố đi vào hoạt động giúp tiết kiệm bình quân mỗi năm từ 3 - 4 tỷ đồng.
Công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông phát triển mạnh, ngày càng hiện đại... là những điều kiện thuận lợi để Lào Cai đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử. Đến nay, hệ thống thông tin quản lý văn bản, hồ sơ công việc được triển khai cài đặt và đưa vào sử dụng, phục vụ quản lý văn bản đi - đến, xử lý, giải quyết công việc ở 100% sở, ban, ngành của tỉnh, UBND cấp huyện và nhiều xã, phường, thị trấn. Tất cả thủ tục hành chính đều được cung cấp trên cổng thông tin, hỗ trợ người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có 19 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Tỉnh đã triển khai ứng dụng chữ ký số, quy định 8 loại danh mục văn bản được sử dụng hoàn toàn văn bản điện tử ký số không phải gửi văn bản giấy và chuẩn bị tích hợp chữ ký số vào hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. 100% cơ quan hành chính nhà nước áp dụng việc trao đổi, gửi, nhận văn bản điện tử. Hệ thống “một cửa” liên thông điện tử được triển khai đến các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện có thủ tục hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm. Năm 2016, tỉnh Lào Cai xếp thứ 7 toàn quốc về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin.
Chú trọng yếu tố con người
Tỉnh Lào Cai xác định, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức với số lượng phù hợp, chất lượng ngày càng nâng cao, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm… đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, tỉnh đã đổi mới và thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu tuyển dụng đến đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá cán bộ, công chức. Các nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đều ban hành các đề án cụ thể liên quan đến quy hoạch và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đảng, chính quyền và hệ thống chính trị. Năm 2016, toàn tỉnh đã đào tạo 1.605 lượt người, trong đó đào tạo lý luận chính trị 1.497 lượt người, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ 108 lượt người; bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho 13.563 lượt người.
Bên cạnh đó, tỉnh đã quan tâm đào tạo, rèn luyện cán bộ thông qua việc tăng cường, luân chuyển cán bộ về cơ sở. Từ năm 2011 - 2015, Tỉnh ủy thực hiện luân chuyển 217 đồng chí, trong đó điều động, luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về huyện và các cấp tương đương 72 đồng chí; điều động, luân chuyển từ huyện về xã, phường, thị trấn và ngược lại 145 đồng chí. Ngay trong năm đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và tinh giản biên chế được Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Kết thúc năm 2016, khối Nhà nước có 14 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thực hiện tinh giản 22 đầu mối bên trong tổ chức; khối Đảng, đoàn thể tinh gọn được 10 đầu mối trực thuộc. Số đầu mối cơ quan, đơn vị, số lượng cấp phó, người đứng đầu giảm, từng bước tinh gọn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức, chính trị vững vàng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy.