Tự hào chặng đường 70 năm
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công trên cả nước, nhưng tình hình Lào Cai vẫn diễn biến rất phức tạp; trong khi chưa giành được chính quyền ở cấp tỉnh, nhân dân các dân tộc Lào Cai phải đối phó ngay với quân đội Tưởng Giới Thạch, đứng sau chúng là các thế lực phản động tay sai ồ ạt kéo vào. Nhiệm vụ đặt ra cho Lào Cai lúc này là tránh đụng độ với quân Tưởng, nhanh chóng củng cố chính quyền cách mạng để chuẩn bị kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với truyền thống đoàn kết, anh dũng kiên cường, nhân dân các dân tộc Lào Cai phát huy tinh thần yêu nước, dấy lên phong trào cách mạng rộng khắp, hăng hái thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả nhân dân Lao Cai, không phân biệt trai gái, già, trẻ, giàu nghèo, lương giáo, không phân biệt Mán, Mường, Mèo, v.v., cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà và xây dựng nền hạnh phúc tự do cho dân chúng” (thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 18/10/1945 gửi đồng bào Lào Cai). Trước tình hình đó, cần phải có tổ chức đảng đứng ra lãnh đạo các phong trào ở địa phương. Ngày 5/3/1947, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai (vào thời điểm này, đảng bộ chỉ có 2 chi bộ, 25 đảng viên) được khai mạc tại Sở Cẩm (Sở Cảnh sát) gần cầu Cốc Lếu, thuộc tiểu khu Lào Cai, thị xã Lào Cai; ngày 5/3/1947 đã được lấy là ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Lào Cai. Sự ra đời của Đảng bộ Lào Cai là kết tinh truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của phong trào cách mạng Lào Cai; đó cũng là kết quả của quá trình vận động giác ngộ quần chúng để phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng của Đảng bộ Lào Cai.
Các đại biểu trao đổi bên lề Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. |
Sau khi thành lập, Đảng bộ tỉnh Lào Cai lãnh đạo cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các dân tộc Lào Cai vượt qua vô vàn gian nan, thử thách. Thực dân Pháp đánh chiếm toàn bộ Lào Cai, chúng ra sức bắt bớ, đàn áp phong trào cách mạng. Tỉnh ủy Lào Cai đã quyết định sơ tán các cơ quan đầu não của tỉnh về Lục Yên (Yên Bái) để bảo toàn lực lượng và chỉ đạo kháng chiến. Tháng 6/1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch Biên giới (Chiến dịch Lê Hồng Phong đợt II). Ngày 12/9/1950, lực lượng tham gia chiến dịch đồng loạt tấn công địch trên mặt trận Lào Cai, quân ta liên tiếp thu được thắng lợi. Các huyện lần lượt được giải phóng, ngày 1/11/1950 giải phóng thị xã Lào Cai.
Vừa giải phóng khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp, quân và dân Lào Cai lại phải bước ngay vào cuộc tiễu phỉ. Từ năm 1950 - 1955, Tỉnh ủy Lào Cai đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi 5 chiến dịch tiễu phỉ, giải phóng toàn bộ các vùng bị phỉ chiếm đóng, xây dựng, củng cố được chính quyền. Đi đôi với công tác tiễu phỉ, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; đồng thời đóng góp sức người, sức của vào Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từ năm 1955 - 1975, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế, tăng cường sản xuất, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân; cải cách dân chủ, cải tạo XHCN; đón đồng bào miền xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới; cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh. Lào Cai vừa kiến thiết xây dựng, vừa huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V, ba tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai hợp nhất thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Ngày 16/2/1976, tỉnh Hoàng Liên Sơn chính thức đi vào hoạt động. Thời kỳ 1976 - 1991, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo phát triển kinh tế, khai thác và sử dụng tốt tài nguyên, các điều kiện sẵn có, động viên mọi lực lượng ra sức đẩy mạnh sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, tích cực xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể. Trong thời kỳ này, tỉnh đặc biệt chú trọng, củng cố vùng cao biên giới, xây dựng phòng tuyến bảo vệ biên giới… Nhờ sự chỉ đạo tích cực của Đảng bộ tỉnh, đời sống nhân dân đã được cải thiện rõ nét, diện mạo nông thôn có bước đổi mới quan trọng.
Thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ 9 ngày 12/8/1991 của Quốc hội khóa VIII, tỉnh Hoàng Liên Sơn được tách thành hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Tỉnh Lào Cai chính thức hoạt động từ ngày 1/10/1991.
Do điều kiện sau tái lập và lịch sử để lại, Lào Cai đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trước yêu cầu tái thiết, xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh lần thứ X (năm 1992) và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (năm 1996) đề ra nghị quyết xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung khôi phục và nâng cấp kết cấu hạ tầng, phát triển mạnh nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xoá bỏ tình trạng sản xuất độc canh, phân tán, tự nhiên, tự cung tự cấp… là nhiệm vụ trọng yếu, tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
Từ năm 2000 - 2016, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai từng bước ổn định và phát triển vững chắc. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, XIII, XIV, XV (nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII: 7 chương trình công tác trọng tâm toàn khóa với 29 đề án, kế hoạch và nghị quyết chuyên đề; nhiệm kỳ Đại hội XIV: 7 chương trình, 27 đề án trọng tâm; nhiệm kỳ Đại hội XV: 4 chương trình, 19 đề án trọng tâm). Trong đó, tập trung thực hiện các chương trình công tác trọng tâm cho từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với thực tiễn địa phương, do vậy Lào Cai bước vào giai đoạn phát triển bứt phá trên tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Kết quả giai đoạn 1991 - 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt 11%/năm. Cơ cấu và quy mô nền kinh tế chuyển dịch theo hướng: Giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Nông thôn Lào Cai có bước phát triển với 100% số xã có đường ô tô và điện lưới đến trung tâm xã; 100% số thôn, bản có đường giao thông liên thôn. Riêng năm 2016, sản lượng lương thực cây có hạt đạt 293.831 tấn; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 21.680 tỷ đồng; giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu đạt 2,5 tỷ USD; lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt 2,77 triệu lượt; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.200 tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm và có bước phát triển vượt bậc. Chất lượng giáo dục - đào tạo từng bước được nâng lên. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, Lào Cai đã đạt tỷ lệ 10 bác sỹ/vạn dân. Văn hóa phát triển góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015 đạt tốc độ giảm bình quân 5,8%/năm.
Quốc phòng, an ninh được củng cố. Quan hệ đối ngoại mở rộng, hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được kết hợp hài hòa, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, sáng tạo và đột phá. Công tác tư tưởng luôn bám sát chủ trương đổi mới và được tiến hành đồng bộ, toàn diện về nội dung và phương pháp đã tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội. Công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên được quan tâm. Tổ chức bộ máy chính quyền và các cơ quan nhà nước được củng cố, kiện toàn hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp, hăng hái thi đua đưa Lào Cai vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phát huy tiềm năng, lợi thế để trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc.
70 năm qua, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân các dân tộc đấu tranh giải phóng quê hương, bảo vệ và xây dựng Lào Cai phát triển. Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang đó, Đảng bộ đã không ngừng tự đổi mới và hoàn thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Trong từng thời kỳ lịch sử, Đảng bộ đã kịp thời đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và những giải pháp phù hợp, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thành tựu 70 năm qua có được từ sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, từ những bài học kinh nghiệm được rút ra là:
Một là: Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ; coi trọng công tác cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ; chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; tăng cường bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo bằng việc đề ra các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch toàn khóa.
Hai là: Triển khai cụ thể, sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, các địa phương và tổ chức quốc tế; kế thừa kinh nghiệm lãnh đạo và yêu cầu thực tiễn, đề ra nhiệm vụ chính trị; xác định đúng tiềm năng, thế mạnh, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tập trung chỉ đạo đúng trọng tâm, trọng điểm để tạo đột phá; tập trung cho cơ sở, nhất là vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn.
Ba là: Phát huy dân chủ, củng cố, tăng cường hệ thống chính trị ở địa phương theo đúng quan điểm, định hướng của Đảng, có sự vận dụng sáng tạo trong chỉ đạo thực tiễn. Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh hoạt động ngày càng hiệu quả; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bốn là: Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và củng cố hệ thống chính trị với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại. Đồng thời, đẩy mạnh thi đua yêu nước, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng theo yêu cầu đổi mới, là động lực thúc đẩy phát triển.
Kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Lào Cai tự hào với những thành tựu đạt được. Chặng đường tiếp theo vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, song, với truyền thống và kinh nghiệm 70 năm qua, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ tỉnh, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất định Lào Cai sẽ giành được nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Toàn Đảng bộ, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm đoàn kết xây dựng Lào Cai sớm trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây Bắc.