Trái tim người thầy thuốc

Khi cầm bút viết bài này, tôi không dám kỳ vọng mình có thể viết được những gì thật lớn lao về ngành y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2). Nhưng những câu chuyện về trái tim, về y đức, lòng nhân ái của người thầy thuốc khiến tôi không thể nào quên.

Lời chào và những lá tâm thư

Đã lâu rồi, tôi không có dịp đến Bệnh viện Nội tiết tỉnh, lần này, khi biết có người thân đã cao tuổi mắc bệnh tiểu đường đang được điều trị tại đây, nên tôi tranh thủ đến thăm. Ở bàn đăng ký khám bệnh, ai đến đây cũng đều ấn tượng với hình ảnh cô y tá mặc áo blouse đón tiếp bệnh nhân với nụ cười hồn hậu và ân cần: “Xin mời bác (anh, chị...) vui lòng làm thủ tục khám bệnh ạ!”. Các thủ tục đều được thực hiện nhanh gọn, người bệnh không phải chờ đợi lâu. Tại phòng bệnh, trước khi tiêm cho bệnh nhân, một y tá nhẹ nhàng nói: “Xin lỗi, cháu tiêm cho bác, hơi đau một chút thôi, bác chịu khó nhé!”. Trước thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của các y, bác sỹ ở đây, nhiều bệnh nhân cao tuổi, tuy đang đau ốm cũng cảm thấy dễ chịu hơn.

Các bệnh nhân được tiếp đón chu đáo tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh.

Khi trò chuyện với phóng viên, bác sỹ Lục Hậu Giang, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết tỉnh chia sẻ: Bệnh viện Nội tiết tỉnh có đặc thù là nhiều bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh mãn tính, đặc biệt là tiểu đường, Basedow tuyến giáp, thậm chí nhiều bệnh nhân bị biến chứng nặng như suy tim, suy thận, biến chứng thần kinh, mạch máu… gây đau đớn, nguy hiểm đến tính mạng. Để mỗi người bệnh yên tâm điều trị thì phong cách, thái độ phục vụ của y, bác sỹ có vai trò rất quan trọng và phải xuất phát từ trái tim của người thầy thuốc. Thời gian qua, Bệnh viện Nội tiết tỉnh luôn đề cao những khẩu hiệu như: “Lương y như từ mẫu”, “Tôn trọng, tận tâm, tận lực, tất cả vì người bệnh” và phương châm giao tiếp “ba xin” (xin chào, xin lỗi, xin hỏi).

Khi câu chuyện càng say sưa, bác sỹ Giang đưa cho tôi xem những bức thư của ông Trần Đình Thái, ở xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng gửi Bệnh viện Nội tiết, trong đó có bức thư gửi ngày 20/12/2013 và một bức thư khác ghi ngày 5/12/2016. Trong thư có đoạn viết: “Vợ tôi là bệnh nhân Ngô Thị Hoa, mắc bệnh tháo đường, Basedow, suy tim giai đoạn 4, huyết áp cao, xơ gan đã điều trị tại các bệnh viện suốt 20 năm nay. Nhà khó khăn, người lại bệnh trọng, nên đã phải bán hết ruộng đất, nhà cửa để cứu chữa. Đến ngày 17/11/2013, vợ tôi được cấp cứu tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh, được sự giúp đỡ tận tình, quan tâm của các y, bác sỹ, nên đến nay đã xuất viện. Tôi đại diện cho gia đình xin cảm ơn các y, bác sỹ Bệnh viện Nội tiết tỉnh Lào Cai...”. Ngoài ra, còn nhiều bức tâm thư khác nữa như thư của bệnh nhân Nguyễn Thị Mười (xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn), bệnh nhân Chu Thị Tuyết Chinh (phường Phố Mới, thành phố Lào Cai), bệnh nhân Hoàng Thị Sáng (không ghi địa chỉ). Bức thư mới nhất gửi ngày 7/2/2017, mặc dù nét chữ nguệch ngoạc, sai chính tả nhiều, nhưng được viết lên tự đáy lòng của bệnh nhân, bằng sự chân tình, là lời của trái tim nói với trái tim.                     

Những lương y hiến máu cứu người

Tính đến mùa xuân này, y sỹ Phạm Đức Cường đã công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng được 5 năm, công việc hằng ngày của anh gắn liền với những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS. Một lần anh đang trực tại phòng khám thì có nữ bệnh nhân tên H bị nhiễm HIV/AIDS đến khám bệnh, y sỹ Cường khuyên bệnh nhân nhập viện để có hướng điều trị tốt. Kết quả kiểm tra cho thấy, chị H bị thiếu máu nặng, trong điều kiện bệnh viện không có máu sẵn, y sỹ Cường đã không ngần ngại hiến máu của mình để giúp chị H qua cơn nguy kịch. Một thời gian sau, chồng và con chị H đều qua đời, chị trở về quê ở miền Trung, nhưng tháng nào cũng ra Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng để điều trị HIV.

Các y, bác sỹ Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng) tận tình chăm sóc bệnh nhi.

Lần khác, y sỹ Cường đang làm việc thì nhận được đề nghị hiến máu vì có nữ bệnh nhân cấp cứu tên K cần tiếp máu ngay. Vài ngày sau, người bệnh ngỏ ý muốn gặp anh để cảm ơn và đó thực sự là cuộc hội ngộ ấn tượng bởi chị K cũng chính là bệnh nhân nhiễm HIV đã nhiều lần tới điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng. Đây chỉ là hai trong nhiều lần y sỹ Cường hiến máu cứu bệnh nhân trong thời gian 5 năm làm việc tại đây. Có lần, anh hiến máu cứu sống một cháu bé mới hơn 1 tuổi, sau này, gia đình cháu bé tìm đến tận nhà y sỹ Cường để cảm ơn và xin anh nhận cháu làm con nuôi. “Ngày đó, mình còn chưa lập gia đình mà đã được làm bố rồi” - y sỹ Cường tươi cười kể lại.

Theo bác sỹ Hà Duy Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng, chuyện của y sỹ Phạm Đức Cường chỉ là một trong những câu chuyện xúc động về sự tận tâm của người thầy thuốc trong đơn vị. Từ năm 2013 đến nay, các cán bộ, y, bác sỹ của Bệnh viện đã hiến 156 đơn vị máu để cứu bệnh nhân, điển hình như các cán bộ, y, bác sỹ: Lê Văn Dũng, Trần Văn Phong, Lê Văn Mạnh, Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Vũ Quang Chiến, Hứa Hồng Thắng, Nguyễn Mạnh Tuấn, Phạm Xuân Biên… Và chúng tôi hiểu vì sao, nhiều năm nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng luôn là địa chỉ tin cậy để khám, chữa bệnh của người dân không chỉ ở Bảo Thắng, mà còn ở các huyện lân cận như Văn Bàn, Bắc Hà, Bảo Yên.

Những câu chuyện cảm động về tấm lòng người thầy thuốc mà chúng tôi đã gặp, đã thấy, đã nghe càng làm sáng thêm y đức, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lương y phải như từ mẫu”.

Theo Tuấn Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...

Hướng đến phát triển “du lịch xanh” bền vững

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây được xem là hướng đi phù hợp...