Sức hút từ tài nguyên “di sản văn hóa”
Bản sắc văn hóa của các dân tộc được thể hiện rõ nét trong đời sống hằng ngày, sinh hoạt văn hóa, các nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian và không gian làng bản của cộng đồng 25 dân tộc tỉnh Lào Cai đã tạo sức hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch. Từ những lợi thế đó, trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm đến khai thác bản sắc văn hóa của 25 dân tộc, coi đây là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch.Chủ trương phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa vùng miền đã được Tỉnh ủy Lào Cai cụ thể hóa bằng Đề án số 8 “Phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Lào Cai” và Đề án số 3 “Phát triển kinh tế du lịch Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, Lào Cai thực hiện việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc để hỗ trợ du lịch phát triển và ngược lại. Trong đó, tỉnh tập trung khôi phục ngành nghề thủ công truyền thống, bảo tồn và phát huy hệ thống lễ hội các dân tộc, chợ phiên văn hóa trở thành điểm du lịch hấp dẫn…
Tái hiện đám cưới người Dao đỏ ở Sa Pa. Ảnh Lê Hưng |
Thực tế, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được Lào Cai thực hiện tốt, mang lại hiệu quả. Khu du lịch Sa Pa, thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Bảo Yên…là những điểm sáng trong khai thác hiệu quả giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch. Nhờ vậy, lượng khách đến Lào Cai tăng trưởng mạnh. Năm 2016, Lào Cai đón gần 2,8 triệu lượt khách, tạo tiền đề để du lịch tiếp tục phát triển mạnh, thực sự là khâu đột phá trong tăng trưởng kinh tế địa phương.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trước hết thể hiện việc hình thành hệ thống làng du lịch cộng đồng (Bản Dền, Tả Van, Cát Cát, Tả Phìn, huyện Sa Pa; Trung Đô, Bản Phố, Na Hối, Tả Văn Chư, huyện Bắc Hà...). Loại hình này đã huy động cộng đồng làm du lịch, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Đến nay, đã có 80 nhà dân tham gia làm dịch vụ homestay, chủ yếu tập trung tại các khu du lịch Sa Pa và Bắc Hà. Việc khám phá các bản làng văn hóa dân tộc trên các tuyến du lịch cộng đồng của du khách bằng đi bộ (trekking) hay đi xe đạp là những tour du lịch đầy hấp dẫn. Tuyến đường Sa Pa của Việt Nam được sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet lựa chọn là 1 trong 10 đường mòn tuyệt vời nhất thế giới dành cho du khách thích đi bộ nhẹ nhàng vào ban ngày. Trong đó các tuyến: Sa Pa - Lao Chải - Tả Van - Bản Dền - Thanh Phú và Sa Pa - Cát Cát - Sín Chải hằng năm thu hút trên 20 vạn lượt khách du lịch nước ngoài trải nghiệm.
Du lịch gắn với di sản văn hóa tâm linh dọc sông Hồng cũng đang được Lào Cai chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 27 di tích văn hóa lịch sử, danh thắng (trong đó có 17 di tích, danh thắng cấp quốc gia). Đặc biệt, các quần thể di tích đền Thượng và đền Bảo Hà đã được trùng tu, nâng cấp, quy hoạch thành những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn du khách hành hương. Các di tích văn hóa lịch sử khác, như bãi đá cổ Sa Pa, dinh thự Hoàng A Tưởng cũng là điểm đến thu hút đông du khách.
Nỗ lực sưu tầm các hiện vật, bảo tồn lễ hội truyền thống cũng đang góp phần hình thành thêm nhiều sản phẩm du lịch văn hóa ở Lào Cai. Hiện, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh đã bảo tồn, duy trì 6 lễ hội tiêu biểu các dân tộc thiểu số. Lễ hội Gầu tào của người Mông ở Pha Long hằng năm thu hút khoảng 15.000 người dân và du khách tham dự.
Những năm gần đây, giá trị văn hóa của chợ phiên vùng cao và ruộng bậc thang ở vùng cao Lào Cai đang được các doanh nghiệp du lịch khai thác thành các chương trình du lịch đặc trưng. Chợ phiên vùng cao đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài. Chợ phiên Bắc Hà đã được Tạp chí du lịch Serendib xếp là 1 trong 10 chợ phiên nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Chợ phiên Cán Cấu (Si Ma Cai) đang được không ít trung tâm lữ hành quốc tế ghi vào tour thăm Tây Bắc (Việt Nam), vì đây là chợ trâu lớn nhất và nổi tiếng nhất ở khu vực miền núi phía Bắc.
Giá trị danh thắng ruộng bậc thang tại Sa Pa và Bát Xát đang thực sự lên ngôi bởi vẻ đẹp và sức hấp dẫn đặc biệt. Ruộng bậc thang Sa Pa (di tích, danh thắng quốc gia) đang tạo thêm sản phẩm du lịch độc đáo cho Lào Cai và là điểm đến hấp dẫn của tour Sa Pa, nhất là sau khi bạn đọc Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn ruộng bậc thang Sa Pa là 1 trong 7 ruộng bậc thang kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới.
Những năm qua, tại các xã vùng cao trong tỉnh, sản phẩm thêu dệt thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, rèn đúc, nấu rượu đã trở nên rất nổi tiếng và có sức hút mạnh đối với du khách. Với mục tiêu bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, Lào Cai đã đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống thông qua hoạt động du lịch. Đặc biệt, nghề dệt thổ cẩm, tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách đang phát triển rất mạnh. Chỉ riêng huyện Sa Pa đã có tới 11 làng nghề thêu, dệt thổ cẩm ở các xã: Tả Phìn, San Sả Hồ và Sa Pả, với khoảng 1.050 hộ tham gia, cùng một số tổ hợp sản xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện.
Ngoài ra để khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, hằng năm tỉnh Lào Cai đều tổ chức nhiều sự kiện văn hóa du lịch lớn như: Lễ hội đền Thượng, Lễ hội đền Bảo Hà, Lễ hội trên mây, Chinh phục khám phá Fansipan, Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà. Các sự kiện văn hóa, du lịch được tuyên truyền, quảng bá, bước đầu thu hút được doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh tham gia xây dựng các chương trình du lịch gắn với sự kiện để thu hút du khách.
Di sản văn hóa Lào Cai đang là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế đến với địa phương. Ngành văn hóa - thể thao và du lịch coi đây là tài nguyên, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế du lịch. Bên cạnh các yếu tố về cơ sở vật chất chuyên ngành, hạ tầng và nguồn nhân lực, di sản văn hóa là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị, xây dựng thương hiệu du lịch Lào Cai.
Hà Văn Thắng
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch