Thúc đẩy sự tham gia đầy đủ, bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái vào khoa học
Ngày quốc tế phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học được kỷ niệm vào ngày 11/2 hàng năm nhằm thúc đẩy việc tiếp cận, tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái vào khoa học.Khoa học và bình đẳng giới là những vấn đề thiết yếu để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030. Trong 15 năm qua, cộng đồng quốc tế đã có nhiều nỗ lực quan trọng để truyền cảm hứng và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào khoa học.
Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục bị lạm dụng và không thể tham gia một cách đầy đủ vào khoa học. Theo một nghiên cứu do Liên hợp quốc thực hiện tại 14 quốc gia, xác suất để các sinh viên nữ nhận được bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ trong các môn học liên quan đến khoa học lần lượt là 18%, 8% và 2%, trong khi tỷ lệ này là 37%, 18% và 6% đối với sinh viên nam.
Để phụ nữ và trẻ em gái có thể tiếp cận và tham gia đầy đủ và bình đẳng với khoa học, và cũng để đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định công bố ngày 11/2 hàng năm là Ngày quốc tế phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học. Đây là dịp để thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái vào giáo dục, đào tạo, thị trường lao động và các tiến trình ra quyết định trong các lĩnh vực khoa học; đồng thời để loại bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và việc làm, và để loại bỏ những trở ngại pháp lý, kinh tế, xã hội và văn hóa trong lĩnh vực khoa học.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày quốc tế phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học năm nay (11/2/2017), bà Irina Bokova, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), cho biết ngày kỷ niệm này đưa cho tất cả mọi người một cơ hội để có lập trường ủng hộ những người phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học.
Theo bà Irina Bokova, các cô gái vẫn còn phải đối mặt với những định kiến và hạn chế về trật tự xã hội và văn hóa giới hạn họ được tiếp cận với giáo dục và tài trợ nghiên cứu, chuyển hướng sự nghiệp khoa học và ngăn cản họ phát huy đầy đủ tiềm năng của mình. Phụ nữ vẫn chiếm thiểu số trong số các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách trong khoa học. Điều này cản trở mọi nỗ lực để thực hiện Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030 và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Tổng giám đốc UNESCO nhấn mạnh trẻ em gái và phụ nữ phải chịu đựng gánh nặng của nghèo đói và bất bình đẳng. Họ là những người phải chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt là các hậu quả của thiên tai, và chính các em gái và phụ nữ ở khu vực nông thôn là những đối tượng chịu tác động nặng nề nhất.
Trong bối cảnh đó, bà Irina Bokova nêu rõ cần trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ ở tất cả các cấp, trong học tập và nghiên cứu, quản lý và giảng dạy, và trong tất cả các ngành khoa học. Chúng ta phải nâng cao nhận thức về công việc của các nhà khoa học nữ bằng cách cung cấp cho họ cơ hội bình đẳng với nam giới để tham gia vào nhiều cơ quan và sự kiện khoa học cấp cao và để họ trực tiếp chỉ đạo./.