Những mốc son
Đảng bộ tỉnh Lào Cai được thành lập là bước ngoặt to lớn, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cách mạng của Lào Cai hòa vào dòng thác cách mạng của cả dân tộc hướng theo mục tiêu lý tưởng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Báo Lào Cai trân trọng giới thiệu 70 năm lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai (5/3/1947 - 5/3/2017) - những mốc son.
Thành lập Ban cán sự Đảng Lào Cai
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối kéo dài kể từ khi thực dân Pháp xâm lược. Sau khi ra đời, Đảng ta đã đề ra đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc theo lập trường vô sản và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tình hình chính trị - xã hội ở Lào Cai diễn biến hết sức phức tạp. Theo hiệp ước đồng minh, quân đội Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Trong khi chưa giành được chính quyền cách mạng cấp tỉnh thì nhân dân Lào Cai lại phải đối phó ngay với quân đội Tưởng Giới Thạch và bè lũ Việt Nam Quốc dân đảng phản động. Trong một năm chiếm đóng ở Lào Cai (từ tháng 11/1945 đến tháng 11/1946), bọn Quốc dân đảng đã phá hoại thành quả của nhân dân vừa mới giành được, khủng bố những người theo xu hướng Việt Minh, ngoài ra, chúng còn thu nhiều loại thuế, bắt nhân dân nộp lương thực, thực phẩm để nuôi quân; tung tiền giả ra trao đổi mua bán làm rối loạn thị trường...
Do sự phát triển của phong trào cách mạng ở Lào Cai, nhiều tổ chức yêu nước theo xu hướng Việt Minh đã được hình thành, trước tình hình đó cần phải có tổ chức đảng đứng ra lãnh đạo các phong trào ở địa phương. Với chủ trương hòa để tiến của Trung ương, trung tuần tháng 10/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ và Kỳ bộ Việt Minh Bắc Kỳ cử một đoàn cán bộ lên Lào Cai, với nhiệm vụ tranh thủ lúc Tưởng Giới Thạch chưa lập chính quyền tay sai, xúc tiến nhanh việc tổ chức chính quyền và các đoàn thể quần chúng gây dựng cơ sở cách mạng. Đoàn lên mang theo thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh (18/10/1945). Trong thư, Người thông báo cho đồng bào Lào Cai biết Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thành công trong cả nước và Người thăm hỏi, động viên nhân dân các dân tộc Lào Cai cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà.
Đầu tháng 9/1946, Xứ ủy quyết định thành lập Ban cán sự Đảng tỉnh Lào Cai gồm 3 đồng chí, đồng chí Ngô Minh Loan làm Trưởng ban (có lúc gọi là Bí thư), đồng chí Lê Thanh và đồng chí Đào Đình Bảng làm Ủy viên. Sự kiện Ban cán sự Đảng tỉnh Lào Cai được thành lập đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng của nhân dân Lào Cai. Từ đây, Lào Cai đã có tổ chức Đảng lãnh đạo, là động lực to lớn thúc đẩy quần chúng đứng lên đấu tranh, giải phóng quê hương.
Giải phóng Lào Cai lần thứ nhất (11/1946)
Ngày 4/10/1946, Ban cán sự Đảng đã tổ chức cuộc họp với chỉ huy các đơn vị bộ đội chủ lực để bàn kế hoạch chi tiết về chiến dịch giải phóng Lào Cai. Ngày 26/10/1946, các cánh quân chủ lực của ta bắt đầu tiến công đánh bọn Quốc dân đảng ở Phố Lu (Bảo Thắng), tham gia cùng với lực lượng vũ trang cách mạng còn có quân của các thổ ty. Sau 3 ngày, đêm chiến đấu quyết liệt, quân ta đã làm chủ khu vực Phố Lu, địch đã phải rút chạy lên Cam Đường và Phố Mới (thị xã Lào Cai). Ngày 28/10/1946, thị trấn Phố Lu được giải phóng. Sau khi đánh thắng địch ở huyện Bảo Thắng, ta quyết định tiến quân lên giải phóng thị xã Lào Cai và vùng ven với kế hoạch chia làm hai bước. Bước một, đánh các trọng điểm của địch ở Cam Đường và Phố Mới; bước hai, giải phóng hoàn toàn thị xã Lào Cai.
Ngày 8/11/1946, bộ đội ta tiến vào giải phóng Sa Pa, ngày 12/11/1946, sau khi giải phóng Cam Đường, quân ta chia làm 3 mũi đánh vào thị xã Lào Cai. Mũi thứ nhất, tiến đánh hướng Vạn Hoà - Phố Mới; mũi thứ hai, từ Cam Đường đánh lên; mũi thứ ba, từ Bản Lầu (Mường Khương) đánh vào thị xã Lào Cai. Lúc này, lực lượng thổ ty cũng tích cực tham gia cùng ta tấn công địch. Trước sức mạnh của ta, bọn Quốc dân đảng hoảng loạn rút chạy sang Trung Quốc qua cầu Hồ Kiều và theo đường biên giới thuộc huyện Bát Xát. Dọc đường rút chạy chúng bị quân ta truy kích gây thiệt hại nặng nề. Ngày 12/11/1946 là ngày đi vào lịch sử tỉnh Lào Cai như một mốc son quan trọng, ngày giải phóng Lào Cai lần thứ nhất - giải phóng nhân dân các dân tộc Lào Cai thoát khỏi sự đàn áp của bọn Quốc dân đảng phản động. Cuối tháng 11/1946, chính quyền Cách mạng tỉnh Lào Cai được tái lập theo chế độ quân quản. Ngay sau khi ra đời, Ủy ban quân quản đã đứng ra giải quyết những vấn đề lớn, cấp bách về chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.
(Còn nữa)