Liên kết sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao
Sau một thời gian triển khai, Dự án Liên kết sản xuất chuỗi sản phẩm rau ôn đới an toàn gắn với ứng dụng công nghệ cao tại Sa Pa bước đầu đã đem lại hiệu quả, từng bước giúp nhân dân trong vùng dự án nâng cao thu nhập và làm quen với phương pháp sản xuất mới.Đến các xã Sa Pả, Trung Chải và Tả Phìn thời điểm này, không khó để thấy những ruộng rau của người dân được trồng theo phương pháp mới, phát triển xanh tốt, nhờ áp dụng liên kết sản xuất theo chuỗi an toàn gắn với công nghệ cao. Là một trong những hộ tham gia dự án, gia đình anh Hảng A Dinh ở thôn Giàng Tra, xã Sa Pả trồng 4.000 m2 rau các loại, như bắp cải, su hào, củ cải, xà lách, gia vị... Anh Dinh cho biết, gia đình tham gia dự án từ tháng 9/2016, đến nay, sau một vụ áp dụng mô hình sản xuất mới, gia đình anh thu hơn 60 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng các loại cây nông nghiệp khác trên cùng đơn vị diện tích. Tham gia mô hình, anh được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm rau; đầu ra cho sản phẩm được Hợp tác xã Nông nghiệp Mai Anh đảm nhận.
Lãnh đạo và cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Sa Pa hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc rau. |
Gia đình anh Mã A Câu ở cùng thôn cũng tham gia dự án với 3.000 m2 trồng rau. Anh Câu cho biết: Ban đầu khi tham gia mô hình, tôi khá lo lắng, vì nghe thông tin trồng rau theo công nghệ cao rất khó, mất nhiều công trong khi chưa rõ hiệu quả. Bởi từ trước đến nay, gia đình tôi thường trồng rau theo phương thức cũ và mang đi tiêu thụ tại chợ. Tuy nhiên, sau một vụ tham gia dự án, tôi nhận thấy hiệu quả kinh tế mà phương pháp sản xuất mới đem lại, năng suất rau đạt cao, việc tiêu thụ sản phẩm cũng dễ dàng hơn. Sau vụ rau này, năm 2017, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng rau theo phương pháp mới để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Dự án Liên kết sản xuất chuỗi sản phẩm rau ôn đới an toàn gắn với ứng dụng công nghệ cao tại Sa Pa được triển khai từ đầu tháng 9/2016, diện tích thực hiện 30 ha, tại các xã Sa Pả (20 ha), Tả Phìn (5 ha), Trung Chải (5 ha). Mục tiêu của dự án là xây dựng và mở rộng vùng sản xuất rau chuyên canh chất lượng cao, hình thành mô hình tổ chức quản lý sản xuất rau an toàn tập trung theo mối liên kết: Hộ gia đình - cơ sở sơ chế - tổ chức, công ty thu mua - cơ sở kinh doanh - người tiêu dùng.
Ban Quản lý dự án đã đầu tư nhà màng có diện tích 500 m2, khung cột thép, vòm mái, xung quanh có lưới chắn; đầu tư 300 khay nhựa để vận chuyển rau sau thu hoạch; xây dựng 10 bể chứa rác thải bảo vệ thực vật (vỏ chai, lọ, túi…), thể tích 2 m3/bể. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn, quy trình áp dụng các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rau theo hướng GMP, VietGAP; chọn nguồn đất, nước tưới, giống, phân bón, phòng trừ sâu bệnh (thuốc vi sinh và thảo mộc); các phương pháp sơ chế, kiểm tra, vận chuyển, bảo quản và sử dụng sản phẩm cho người dân.
Ông Đỗ Đức Thiện, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Sa Pa, đơn vị trực tiếp thực hiện dự án cho biết: Sau gần 3 tháng thực hiện, bước đầu người dân các xã hưởng lợi từ dự án đã thay đổi nhận thức trong cách sản xuất rau an toàn và làm quen với việc trồng rau chuyên canh. Phần lớn các hộ đã được cấp chứng nhận sản xuất rau an toàn.
Qua đánh giá của Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tỉnh, các quy trình thực hiện trong chuỗi liên kết sản xuất đều được cơ quan chuyên môn của huyện và chi cục thường xuyên giám sát từ khâu trồng, chăm sóc đến sơ chế, tiêu thụ. Các hộ tham gia được chia thành tổ để dễ dàng giám sát việc tuân thủ các quy định đảm bảo sản xuất, kiểm soát, ghi chép, lưu trữ hồ sơ...
Việc thực hiện thành công dự án giúp quản lý chất lượng nông sản, hình thành và tăng cường mối liên kết bền vững giữa nông dân - doanh nghiệp. Từ đó, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm rau an toàn Sa Pa, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.