Sản xuất công nghiệp: Sự chủ động của các doanh nghiệp

Năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng; qua đó, tạo động lực và nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong những năm tiếp theo.

Năm 2016 là năm đầu, các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Trong đó, ngành công nghiệp tiếp tục được xác định là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế (cùng với du lịch và cửa khẩu), việc hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2016 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo nền tảng và động lực phát triển.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Lào Cai.

Theo báo cáo của Sở Công thương, đến hết tháng 11/2016, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.959 tỷ đồng (bằng 99% kế hoạch năm), tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2015. Điều đáng mừng, các ngành công nghiệp chủ lực đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, giá trị công nghiệp khai khoáng đạt 1.918 tỷ đồng (tăng 16,4%), công nghiệp chế biến - chế tạo đạt 12.835 tỷ đồng (tăng 16,4%)... Theo dự báo của ngành công thương, hết năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn có thể đạt  21.680 tỷ đồng, vượt 13% kế hoạch năm và tăng 21,6% so với năm 2015.

Để đạt được kết quả trên, cùng với chỉ đạo sát sao, hiệu quả của UBND tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, còn phải kể đến sự chủ động, sáng tạo của các doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đầu năm 2016, thị trường xuất khẩu phốt pho gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất hóa chất trong Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (Bảo Thắng) đã chủ động đổi  mới công tác quản lý, sắp xếp lại lao động, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm phốt pho đạt hiệu quả ngoài mong đợi. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang cho biết: Giá sản phẩm phốt pho vàng trên thị trường thế giới trong năm 2016 đạt bình quân 2.600 USD/tấn, giảm 200 USD/tấn so với năm 2015. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đứng vững và phát triển. Thực tế, sản lượng phốt pho vàng của Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang đã sản xuất và tiêu thụ trong năm 2016 đạt 18.000 tấn, doanh thu đạt 1.490 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 156 tỷ đồng. So với năm 2015, lợi nhuận giảm 10 tỷ đồng, nhưng điều đáng nói, đời sống, việc làm của cán bộ, công nhân, lao động trong Công ty được duy trì ổn định, với mức thu nhập bình quân 14 triệu đồng/người/tháng.

Đầu năm 2016, Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm với lượng tinh quặng tồn kho lên đến hàng trăm nghìn tấn. Tình hình đó buộc doanh nghiệp phải đưa ra các giải pháp điều chỉnh về kế hoạch sản xuất, lượng tiêu thụ giảm từ 2,7 triệu tấn xuống còn 2,5 triệu tấn quặng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải giảm giá bán sản phẩm và bán trả chậm cho một số đối tác. Nhờ đó, tính riêng trong 10 tháng năm 2016, doanh nghiệp đã tiêu thụ 2,4 triệu tấn quặng các loại, doanh thu đạt 2.873 tỷ đồng. “Theo dự toán, khi hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2016, doanh thu của Công ty đạt 3.273 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 250 tỷ đồng. Việc làm của hơn 3.000 lao động được duy trì ổn định, với mức lương bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng” - ông Nguyễn Quang Lợi, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Apatít Việt Nam cho biết.

Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN), toàn tỉnh hiện có hơn 17.000 cơ sở, tạo việc làm thường xuyên cho trên 120.000 lao động, thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Giá trị sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh năm 2016 ước đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm 2015. Điểm nổi bật trong những năm gần đây, các cơ sở sản xuất TTCN đã chú trọng hơn đến việc đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ. Có thể kể đến Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Lào Cai. Trong năm, Công ty đã đầu tư 500 triệu đồng để cải tiến chất lượng dây chuyền sản xuất gạch tuynel, nhờ đó, dây chuyền sản xuất 40 triệu viên gạch/năm của doanh nghiệp luôn đượcvận hành hết công suất. Ông Nguyễn Quốc Biên, Giám đốc Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Lào Cai cho biết: “Hiện, sản phẩm của đơn vị chiếm 40% thị phần tỉnh Lai Châu. Trong 5 năm trở lại đây, doanh thu hằng năm của Công ty luôn đạt trên 40 tỷ đồng”. 

Ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công thương cho biết, mục tiêu của tỉnh trong năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 24.394 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2016; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 1.757 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2016. Để hoàn thành mục tiêu này, ngành công thương sẽ đẩy mạnh tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, bảo vệ môi trường sản xuất, thực hiện tốt chính sách khuyến công và tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường quản lý hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả, nhằm giữ vững xung lực phát triển. “Doanh nghiệp là động cơ của cỗ máy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, động cơ trơn tru, “khỏe mạnh” thì công nghiệp mới duy trì được tốc độ phát triển”, ông Đỗ Trường Giang nhấn mạnh.

Theo Phạm Khánh/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...

Hướng đến phát triển “du lịch xanh” bền vững

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây được xem là hướng đi phù hợp...