Ngọt ngào làn điệu hát Nôm
Ai đã từng một lần được nghe những câu hát Nôm mượt mà, sâu lắng của dân tộc Tày ở Văn Bàn chắc hẳn sẽ nhớ mãi. Hát Nôm được ngân lên giống như lời chào mùa xuân mới, lời gọi mời da diết đến khám phá mảnh đất Văn Bàn nên thơ, thanh bình.Hát Nôm là làn điệu dân ca của dân tộc Tày được bà con gìn giữ và phát triển từ nhiều đời nay. Hát Nôm chủ yếu hát bằng giọng gió, nhẹ nhàng như lời tâm sự, mượt mà, sâu lắng, khơi gợi lòng người. Ngôn ngữ dân tộc Tày không có chữ viết riêng, nên việc lưu truyền và phổ rộng chủ yếu bằng kênh giao tiếp trực tiếp, trong đó hát Nôm là một trong những loại hình, giữ vai trò quan trọng trong việc lưu truyền văn hóa dân gian và ở đó, mọi người bộc lộ tình cảm, thái độ giữa con người với con người, với quê hương, với đồ vật xung quanh, với thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước. Hát Nôm răn dạy mỗi người kỹ năng ứng xử, giao tiếp, duy trì trật tự trong mỗi gia đình, dòng tộc và xã hội.
Theo lời gọi mời của những câu Nôm, chúng tôi đến thôn Bản Pàu, xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn - nơi có nhiều người dân còn lưu giữ được điệu hát truyền thống của dân tộc Tày. Bản Pàu cũng là nơi duy nhất ở Dương Quỳ thành lập được Câu lạc bộ hát Nôm và thu hút đông đảo bà con tham gia.
Những thành viên của Câu lạc bộ hát Nôm luyện tập. |
Được biết, Bản Pàu có nhiều cụ ông, cụ bà hát Nôm hay nhất, vì đam mê với âm nhạc dân tộc, những người cùng sở thích tụ họp lại học hát cùng nhau. Được thành lập từ tháng 3/2013, ban đầu có 27 thành viên, Câu lạc bộ hát Nôm Bản Pàu hoạt động chủ yếu trong xã và huyện Văn Bàn vào những dịp có lễ hội hay những dịp tết đến, xuân về. Hằng tháng, Câu lạc bộ tự tổ chức những buổi giao lưu tại nhà anh Hoàng Văn Ngần - Chủ nhiệm Câu lạc bộ để học hỏi và luyện tập thêm các bài hát mới. Vào những dịp chuẩn bị có lễ hội hay hoạt động văn nghệ, Câu lạc bộ sẽ tập luyện nhiều hơn. Trải qua gần 3 năm hoạt động, số thành viên đã tăng lên và thu hút nhiều người tham gia. Thành viên cao tuổi nhất của Câu lạc bộ là cụ Hà Thị Thông, năm nay đã 76 tuổi. Niềm đam mê hát Nôm đã tiếp thêm cho cụ niềm tin, sức khỏe, để cụ đều đặn có mặt tại các buổi sinh hoạt, truyền dạy cho thế hệ sau những câu hát Nôm mà mình biết được.
Anh Hoàng Văn Đinh, thành viên trẻ tuổi nhất tham gia Câu lạc bộ từ những ngày đầu tiên chia sẻ: Là người con của dân tộc Tày và có niềm đam mê với những điệu hát Nôm, nên dù còn trẻ, nhưng tôi vẫn quyết tâm học và luyện tập những câu hát Nôm mượt mà của dân tộc mình. Chỉ trong vài tháng tham gia Câu lạc bộ, tôi đã hát được trích đoạn trong từng hoàn cảnh, không gian cụ thể.
Ban ngày, họ là những nông dân chân lấm tay bùn, chăm chỉ nơi đồng ruộng, đêm về là những nghệ nhân say sưa bên điệu hát Nôm cổ truyền. Người nhiều tuổi dạy cho người ít tuổi, làm sao hát cho thật mượt mà, ngân sao cho người nghe thật êm tai.
Để hát Nôm thật hay không chỉ có kỹ thuật, mà còn cần phải có không gian phù hợp, thì người hát mới truyền được hết ý nghĩa của bài hát đến người nghe. Bà La Thị Hương tâm sự: “Muốn hát được hay thì phải có người cổ vũ, sau mỗi đoạn, phải có người vỗ tay, thì mới có tinh thần để ngân câu tiếp theo. Người này hát xong một đoạn, người kia tiếp lời, như vậy mới có hứng thú hát nhiều và hát hay”.
“Chồng người đi đâu đấy/bỏ nón lắng nghe em hỏi này. Chồng người đi đâu qua/bỏ nón ngồi đây em nói chuyện cùng…”. Có lẽ, đối với hát Nôm, thì hát giao duyên được nhiều người yêu thích nhất. Chính từ những câu hát ấy mà nhiều người nên duyên vợ chồng.
Tập hát rồi đi diễn bằng niềm đam mê và sự yêu thích, các thành viên của Câu lạc bộ hát Nôm Bản Pàu chỉ mong muốn những câu hát của dân tộc mình sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa, không chỉ ở xã, ở huyện mà sẽ vươn xa hơn, được nhiều người yêu thích hơn.
Tạm biệt Câu lạc bộ hát Nôm Bản Pàu, rời xa mảnh đất ấy, nhưng vẫn nghe đâu đây như văng vẳng bên tai mình những câu hát gọi mời tha thiết nhớ nhung: “Nghe một câu Nôm yêu ơi là yêu, nghe một câu Then thương ơi là thương. Rồi mang nặng, nghĩa tình lắm lắm người ơi! Để mang về, trong lòng nỗi nhớ da diết, Văn Bàn ơi’’./.