Kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Ðẹp thêm tình đồng đội

Trong chiến đấu, họ - những người lính luôn sát cánh cùng nhau, vào sinh, ra tử, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất nước nhà. Trở về với đời thường, những cựu chiến binh lại đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Những việc làm nghĩa tình đã và đang làm đẹp thêm tình đồng chí, đồng đội trên mặt trận mới - xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Lãnh đạo UBND tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh thăm các cựu chiến binh huyện Văn Bàn.

Sau khi bị thương ở chiến trường, năm 1974, cựu chiến binh Trần Thanh Xuân xuất ngũ trở về quê hương Hà Nam tiếp tục tham gia lao động, sản xuất. Đến năm 1981, theo tiếng gọi của Đảng, gia đình ông đã lên xây dựng vùng kinh tế mới và định cư lâu dài tại thôn Phú Thịnh 2, xã Phú Nhuận (Bảo Thắng). Tận dụng nguồn nước dồi dào, ông Xuân tập trung phát triển mô hình nuôi cá giống cung cấp cho thị trường. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, những lứa cá giống liên tục xuất bán mang lại thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Khách hàng của ông ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, đặc biệt, đối với những người là cựu chiến binh, bao giờ cũng được ưu tiên, giảm giá từ 10% - 15%. Người lính già đã ngoài 80 tuổi bộc bạch: Là người lính đã hơn một lần vào sinh ra tử, còn sống để trở về là may mắn, vì vậy tôi luôn tâm niệm giúp gì được cho anh em thì cố gắng làm. Trong quá trình kinh doanh, nhiều cựu chiến binh khó khăn, có nhu cầu, tôi đều giúp cá giống để phát triển nuôi thủy sản, xoá đói, giảm nghèo. Thậm chí, tôi còn đến nhà một số cựu chiến binh hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá thịt và cá giống, cũng như công tác vệ sinh ao nuôi…

Cựu chiến binh Trần Văn Chính, thôn Đồng Quang, xã Quang Kim, huyện Bát Xát  luôn tự hào vì trong câu chuyện thoát nghèo của mình có sự giúp đỡ chân tình của đồng chí, đồng đội và chính quyền địa phương. Năm 2012, được chính quyền địa phương hỗ trợ một con trâu lấy sức kéo và được Hội Cựu chiến binh xã tư vấn về cách thức làm ăn, gia đình ông Chính đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp với trồng rừng. Nhờ chăm chỉ lao động, chỉ hơn 1 năm sau, gia đình ông Chính đã thoát nghèo.

Những năm qua, phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã và đang được các cấp hội triển khai sâu rộng, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương để có những hình thức giúp đỡ hiệu quả, thiết thực. Đơn cử như ngay trong những ngày đầu năm 2016, Hội Cựu chiến binh huyện Văn Bàn đã liên kết với Công ty Mooco tại Hải Phòng, triển khai mô hình trồng gấc tại xã Dương Quỳ. Mô hình có 11 hộ  tham gia là gia đình hội viên cựu chiến binh, được hỗ trợ giống và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gấc. Khi cây gấc ra quả, Công ty Mooco bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Sau một năm trồng thí điểm, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, Công ty Mooco sẽ tiếp tục hỗ trợ để mở rộng diện tích cây gấc. Tuy mới đưa vào trồng, nhưng việc trồng gấc hứa hẹn sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu nhập, giúp các cựu chiến binh phát triển kinh tế.

Cựu chiến binh Trần Thanh Xuân (trái ảnh) thường xuyên giúp đỡ đồng đội
phát triển kinh tế.

Theo ông Hà Đình Dư, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, hằng năm, các cấp hội đều phát động Phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Trong thực tế có nhiều cách làm hay, hình thức đa dạng, từ tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến hỗ trợ vốn, cây, con giống, tư vấn kỹ thuật, hướng phát triển kinh tế, mở các lớp tập huấn kiến thức chăn nuôi, trồng trọt… giúp nhiều gia đình hội viên cựu chiến binh thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Mặt khác, các cấp hội trong tỉnh luôn quan tâm, làm tốt công tác ủy thác vay vốn cho hội viên nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, toàn tỉnh có 553 tổ tiết kiệm và vay vốn của cựu chiến binh, với trên 16.000 hộ, vay hơn 455 tỷ đồng. Nhờ sự giúp đỡ của đồng đội, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cùng nỗ lực lao động, sản xuất, tỷ lệ hộ gia đình hội viên cựu chiến binh thuộc diện nghèo giảm mạnh qua các năm. Kết thúc năm 2015, toàn tỉnh còn 2.263/21.248 hộ gia đình hội viên cựu chiến binh thuộc diện nghèo; tổ chức hội cựu chiến binh có 395 mô hình kinh tế trang trại, 48 doanh nghiệp, 32 hợp tác xã và 2.119 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi…

Ông Hà Đình Dư, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh khẳng định: Phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” không chỉ mở ra nhiều cơ hội cho các gia đình hội viên thoát nghèo, mà quan trọng hơn, bằng những việc làm ý nghĩa, thiết thực đã góp phần gắn kết, làm đẹp thêm tình cảm đồng chí, đồng đội giữa đời thường.

Dù mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng những cựu chiến binh luôn có chung mục đích, chí hướng, đó là không cam chịu đói nghèo. Trong chiến đấu hay trên trận tuyến mới - phát triển kinh tế, các cựu chiến binh vẫn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau, tô thắm thêm tình đồng chí, đồng đội./.

Theo Thành Phú/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...

Hướng đến phát triển “du lịch xanh” bền vững

Du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên, văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đây được xem là hướng đi phù hợp...