Thắp lên hy vọng cho người khuyết tật
Dạy nghề tin học cho người khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề Phú Minh. |
Tại Trung tâm Dạy nghề Phú Minh có 2 lớp học đặc biệt, bởi mỗi học sinh trong lớp đều có số phận éo le, khi mang trong mình những khiếm khuyết từ lúc mới chào đời. Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Dạy nghề Phú Minh vào một ngày đầu tháng 4 và không khỏi cảm động khi thấy các em đang chăm chú nhìn theo cô giáo hướng dẫn cách đóng bầu trồng nấm, hay vụng về trong thao tác trên máy vi tính. Được biết, ngôi nhà gỗ để thực hành trồng nấm là do phụ huynh của các em đóng góp ngày công dựng lên. Cũng nhờ sự quan tâm của xã hội, Trung tâm Dạy nghề Phú Minh và các phụ huynh, học sinh khuyết tật đang ở đây hiện thực hóa ước mơ có nghề nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình và được xã hội công nhận. Có 28 học sinh của 2 lớp dạy nghề trồng nấm và tin học, đây là những em mắc khuyết tật về trí tuệ, thính giác, thị lực, tay, chân, hoặc miệng... ở xã Tả Phời, xã Hợp Thành, phường Bình Minh (thành phố Lào Cai) và xã Thái Niên (Bảo Thắng). Tham gia lớp học nghề trồng nấm và tin học trong thời gian 2 tháng tại trung tâm, các em nhận sự hỗ trợ về kinh phí học tập, ăn, ở. Một tương lai mới đang mở ra, mang lại cho các em sự tự tin để hòa nhập cộng đồng và trưởng thành.
Em Hoàng Trung Thái, dân tộc Giáy, ở thôn Đá Đinh, xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) vừa bước sang tuổi 14, nhưng trông em chỉ thấp, bé như trẻ 5 tuổi. Em có đôi mắt sáng và hoạt bát, nói chuyện lễ phép, rõ ràng. Điều khiến chúng tôi chú ý, đó là em rất quan tâm đến bạn bè, có trí nhớ tốt. Hoàng Trung Thái tâm sự: Trước đây, em ước mơ được đi học để làm thầy giáo, vì sức khỏe yếu, gia đình khó khăn, nên em không thể tiếp tục theo học văn hóa. Em chỉ có thể phụ giúp bố mẹ rửa bát, quét nhà, nấu cơm. Được các thầy cô định hướng học tin học văn phòng, em thấy phù hợp với bản thân, vì ít phải vận động, chỉ thao tác trên máy vi tính.
Cùng lớp tin học với Thái là em Sầm Văn Hưng, thôn Cóc 1, Tả Phời (thành phố Lào Cai) bị khuyết tật đôi chân, cổ nghẹo, khó phát âm, cố gắng đến học hết lớp 9, rồi em nghỉ học, ở nhà phụ giúp bố mẹ những việc vặt. Sau 2 tháng học tập, rèn luyện, bằng ý chí của bản thân, em đã thành thạo những thao tác trên word, excel. Ngoài học đánh máy, sử dụng các phần mềm cơ bản, các em còn được thầy cô giáo dạy thêm sửa chữa, cài đặt máy vi tính. Sầm Văn Hưng chia sẻ: Ước mơ của em là sau khóa học có thể làm công việc sửa chữa máy tính hoặc làm việc trong quán photocopy để kiếm tiền nuôi sống bản thân và phụ giúp bố mẹ. Bố mẹ đã vất vả vì em nhiều quá!
Ông Đinh Xuân Học, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Phú Minh chia sẻ: Trồng nấm và tin học văn phòng là nghề được đánh giá phù hợp với người khuyết tật. Với nghề trồng nấm có thể tận dụng nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, giá đầu tư ban đầu thấp, dễ làm, nhanh cho thu nhập. Hơn nữa, sản phẩm nấm rơm hiện đang được thị trường ưa chuộng bởi tính an toàn, sạch, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, trồng nấm cũng dễ gặp rủi ro, nên từ khâu nguyên liệu, chăm sóc, thu hoạch, người làm phải thực hiện đúng kỹ thuật. Do vậy, chúng tôi đã cố gắng truyền đạt kiến thức và cho các em thực hành nhiều lần để có thể ghi nhớ, thạo nghề.
Với môn tin học, chúng tôi dựa trên tình hình bệnh tật và tâm lý để hướng nghiệp cho các em. Sự khác nhau về bệnh tật của mỗi em là khó khăn không nhỏ khi giáo viên truyền đạt kiến thức, cũng như việc tiếp nhận kiến thức. Tuy nhiên, chúng tôi đều xác định, phải đề cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt thành trong công việc, truyền đạt dễ nghe, dễ hiểu nhất để các em dễ tiếp thu. Hiện nay, mức hỗ trợ cho mỗi em theo học còn thấp (15.000 đồng/em/ngày). “Chúng tôi đang cố gắng kêu gọi xã hội hóa để các em có điều kiện sinh hoạt tốt hơn trong quá trình học tập” - ông Đinh Xuân Học cho biết.
Kết thúc khóa đào tạo nghề trong thời gian 2 tháng, các em có thể tự trồng các loại nấm thông dụng, như nấm rơm, nấm mỡ, nấm hương, mộc nhĩ... và những kiến thức về chăm sóc, thu hoạch, bảo quản nấm; hướng dẫn cách tiêu thụ, sử dụng sản phẩm. Đối với lớp tin học, các em sẽ thành thạo việc đánh máy, sử dụng một số phần mềm, có thể đáp ứng được các yêu cầu như một kỹ thuật viên bình thường tại cơ sở dịch vụ soạn thảo văn bản.
Đã có nhiều tổ chức và cá nhân đóng góp, hỗ trợ để Trung tâm có thể duy trì lớp học, tạo điều kiện tốt hơn cho các em trong quá trình học, như Hội Khuyến học tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Bên cạnh lớp dạy nghề cho người khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề Phú Minh, trong năm 2015, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh cũng đã tổ chức lớp nghề may dân dụng và công nghiệp, lớp nghề sửa chữa xe gắn máy cho người khuyết tật.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Phòng Dạy nghề - Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Đối với tỉnh miền núi như Lào Cai, việc đào tạo nghề là yêu cầu cấp thiết, nhằm giải quyết tình trạng thất nghiệp, cũng như định hướng việc làm theo sự phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt đối với người khuyết tật, thì đào tạo nghề càng trở nên cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề thiết yếu chính là tạo việc làm sau đào tạo. Sự rộng mở và niềm tin của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức sẽ mang lại cơ hội cho người khuyết tật được thể hiện, hòa nhập cộng đồng và cống hiến nhiều hơn cho xã hội./.