Một số lễ hội của người Hà Nhì ở Lào Cai

Người Hà Nhì ở Lào Cai có một số phong tục được coi là nét văn hóa đặc sắc như tục ăn tết sớm, lễ tảo mộ, lễ cấm bang, lễ cúng rừng...
Tết sớm của người Hà Nhì

Theo phong tục, cứ vào ngày Thìn tháng 11 âm lịch hằng năm, người Hà Nhì lại tổ chức ăn tết sớm vì lúc này vụ thu hoạch đã xong, thóc, ngô đã đầy bồ. Buổi chiều ngày tất niên, mỗi gia đình mổ một con gà để cúng tiễn năm cũ. Đêm hôm đó được coi là đêm giao thừa, trai gái ở các bản làng tập trung giã bánh giầy rộn rã cả một vùng rừng núi. Vào lúc canh ba, mọi nhà bắt lợn ra mổ. Người Hà Nhì quan niệm nhà nào mổ lợn xong sớm, chọc tiết một lần mà được ngay, thì năm mới sẽ phát tài, phát lộc, cuộc sống sẽ được sung túc.

Trong ngày tết, mỗi bản trồng những cây đu trên bãi đất bằng phẳng đầu bản để thanh niên kéo nhau đến đánh đu, thi tài và hát giao duyên. Người già thì tụ tập thành đoàn đi từng nhà chúc tết cầu mong điều may mắn, hạnh phúc cho gia chủ. Người Hà Nhì ăn tết sớm liền trong 5 đến 6 ngày. Trong những ngày tết, thanh niên mặc những bộ trang phục đẹp nhất đi chơi hội, khắp bản đâu đâu cũng tưng bừng, nhộn nhịp rộn vang tiếng hát đối của trai gái và tiếng chúc rượu của người cao tuổi.

Người Hà Nhì Ý Tý trong ngày hội.                                Ảnh: S.T

Lễ cấm bang

Vào tháng 2 lịch Hà Nhì (khoảng tháng 8 âm lịch), người Hà Nhì tổ chức lễ cấm bang trong 3 ngày đêm. Thời gian này, mọi người trong thôn không được làm bất cứ công việc gì có thể gây ra tiếng động lớn, kể cả giã gạo, chặt cây...

Trong 3 ngày đêm đó cấm người ngoài vào thôn, đặc biệt là những người thuộc dân tộc khác. Nếu ai đã vào từ trước thì trong 3 ngày đó sẽ không được nói bằng tiếng dân tộc mình. Nếu không biết nói tiếng Hà Nhì sẽ phải im lặng suốt thời gian đó. Tục lệ này vừa bảo vệ an toàn về an ninh cho dân trong thôn, vừa phòng các loại dịch bệnh lây lan trong thôn.

Tục kiêng kỵ đối với khu rừng cấm đầu thôn

Tiếng Hà Nhì gọi là “gắc hen nậm xờ” (cúng rừng cấm). Ở mỗi thôn, bản của người Hà Nhì đều có một khu rừng cấm ở đầu thôn. Bất kể ai (kể cả người trong thôn, bản) đều bị cấm đến khu rừng này lấy củi, chặt cây, thả gia súc hay làm ô uế khu rừng này.

Hằng năm, tại khu rừng cấm sẽ là nơi tổ chức lễ hội đầu năm mới cho cả thôn, bản. Thông thường, lễ hội này tổ chức trong 3 ngày. Ngày đầu tháng tổ chức cúng chung, ăn chung của toàn thôn tại nhà thờ trong khu rừng cấm. Từ ngày thứ hai trở đi là lễ vui chơi của dân thôn, bản như các trò đánh đu, múa hát tập thể của phụ nữ... Đặc biệt, từ ngày thứ ba, thanh niên chưa vợ, chưa chồng sẽ tham gia tục “quàng chăn chiên”. Các đôi nam nữ yêu nhau sẽ cùng trùm chăn chiên để lùi vào rừng tâm sự. Từ đây, nhiều đôi sẽ thành vợ thành chồng.

Lễ tảo mộ của người Hà Nhì

Theo phong tục của dân tộc Hà Nhì, vào mùa xuân, sau khi người chết chôn được ba năm, gia đình tiến hành thăm viếng mộ phần và tảo mộ. Trước lễ tảo mộ, người thân sắm sửa đồ lễ như: Gà trống, gạo nếp, trứng luộc, vàng hương... Đến ngày tảo mộ, người thân trong gia đình và họ hàng cùng mang lễ vật đến phần mộ làm lễ cúng, sau đó sửa sang, làm sạch mộ phần.

Sau nghi lễ cúng, gia chủ dựng cây nêu tre có treo hình các con giống được gấp bằng giấy bản, hình con thuyền nơi đầu mộ. Khi làm lễ, mọi người cùng quỳ lạy và rót rượu vào chiếc bát to đặt trước cửa mộ. Nghi lễ chính của việc mời người đã khuất về hưởng lộc được tiến hành ở cửa mộ - đó là nơi ra vào của linh hồn./.

Phạm Sơn (Theo Báo Lào Cai điện tử)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai