Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia nhiều nội dung Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Tiếp tục phiên thảo luận tại tổ, chiều 26/10/2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tham gia thảo luận Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Lê Thu Hà phát biểu thể hiện nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, đồng thời nêu: Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực (khoản a, Điều 5), đề nghị bổ sung cụm từ “đảm bảo hài hòa lợi ích của các ngành, doanh nghiệp trong phát triển nhiệt điện khí”, thành: “Ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí trong nước, phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống điện; đảm bảo hài hòa lợi ích của các ngành, doanh nghiệp trong phát triển nhiệt điện khí”.
Lý do mà đại biểu Lê Thu Hà đưa ra là thực tế có tình trạng cùng khai thác, sử dụng một nguồn nhiên liệu, cùng trong dự án điện khí, trong khi các đơn vị khai thác, bán nhiên liệu thì hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận cao, dẫn đến đơn vị cuối của chuỗi giá trị (sử dụng, tiêu thụ và mua điện) phải mua với giá cao, không có hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, các giá mua điện đầu vào cao này sẽ được tính vào giá điện và khách hàng sử dụng điện sẽ phải gánh chịu các chi phí này.
Về cấp độ phát triển thị trường điện cạnh tranh (Điều 61), dự thảo luật, tại khoản 3 nêu: “Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh; quy định nguyên tắc hoạt động, lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh phù hợp với quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 5 luật này và tình hình kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ”.
Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể cho phép dừng thị trường điện khi giá thị trường điện lên quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng hoặc bên mua điện (trong trường hợp chi phí thị trường chưa được chuyển ngang toàn bộ vào giá bán lẻ điện). Lý do: Giá điện ngày càng có xu hướng tăng cao bởi các yếu tố đầu vào như nhiên liệu. Khi đó sẽ có trường hợp giá thị trường lên quá cao và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng hoặc bên mua điện, do đó cần có cơ chế xem xét dừng thị trường điện trong trường hợp này và luật hóa trong quy định của Luật Điện lực.
Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện (Điều 81), tại điểm b, khoản 2 dự thảo luật: “Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện phân phối và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện phân phối đáp ứng nhu cầu điện theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên mua điện trên cơ sở bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật”. Đại biểu Lê Thu Hà đề nghị sửa đổi, bổ sung cụm từ “theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện” thành “phù hợp với phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan trong phạm vi được cấp phép hoạt động điện lực; đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến ranh giới quản lý, sử dụng của bên mua điện theo thỏa thuận đấu nối”.
Lý do: Theo quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) thì lưới điện phân phối không thuộc phạm vi của “Quy hoạch phát triển điện lực” mà thuộc phạm vi của “Phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh là một nội dung trong quy hoạch tỉnh” và phạm vi của “Các trường hợp không thuộc phạm vi cấp Quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện của tỉnh”. Và theo các quy định của pháp luật hiện hành (Thông tư số 39 ngày 18/11/2015 của Bộ Công Thương) thì “Lưới điện phân phối là phần lưới điện bao gồm các đường dây và trạm điện có cấp điện áp đến 110 kV”…
Về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực (Điều 104), đề nghị xem xét bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 dự thảo luật: “Đối với các trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì yêu cầu phòng quản lý tài nguyên các cấp, sở tài nguyên và môi trường, UBND huyện, thị xã, thành phố phải thể hiện đường dây điện cao, hạ áp đi qua và có trên mặt bằng của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có)”.
Lý do: Để phù hợp với thực tế, vì rất nhiều hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên đường điện đã được xây dựng từ trước nên các chủ đầu tư, hộ gia đình xây dựng nhà vẫn yêu cầu ngành điện phải di chuyển đường điện ra ngoài mảnh đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như vậy là không hợp lý...
https://baolaocai.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham-gia-nhieu-noi-dung-du-an-luat-dien-luc-sua-doi-post392488.html