Những cách làm hay, sáng tạo trong chuyển đổi số ở Lào Cai
Với quan điểm xuyên suốt của tỉnh về chuyển đổi số là “Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; người dân và doanh nghiệp là mục tiêu, động lực để chuyển đổi số”, thời gian qua, công tác chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai đã đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo với mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp.Nền tảng “Cửa khẩu số”- công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính
Được kích hoạt từ tháng 8/2023, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, nền tảng “Cửa khẩu số” tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II (Kim Thành – Lào Cai) đã hình thành một điểm dừng duy nhất (One Stop), đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, phục vụ người dân và doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, góp phần thực hiện các mục tiêu đến năm 2025, kim ngạch xuất – nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt trên 10 tỷ USD.
Với hệ thống Cổng dịch vụ công tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai, doanh nghiệp sẽ được cung cấp một nền tảng làm thủ tục, tra cứu, theo dõi từ xa, nắm bắt được tình hình nhanh chóng. Doanh nghiệp có thể đề xuất, kiến nghị và đánh giá trực tiếp trải nghiệm của mình khi sử dụng nền tảng dịch vụ tại cửa khẩu, việc tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý được đảm bảo thông suốt. Thông qua Cổng dịch vụ, doanh nghiệp có thể nắm bắt được tình trạng xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, từ đó đưa ra quyết định chính xác về thời điểm xuất hàng hóa, giảm thiểu rủi ro, nhất là với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản. Đồng thời giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian khai báo và công sức của doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Trước tình hình số lượng phương tiện cá nhân của người dân và du khách đến tham quan khu vực Cửa khẩu Quốc tế tăng cao, để tạo thuận lợi cho du khách, người dân khi gửi phương tiện và để minh bạch hoạt động thu phí trông giữ xe, từ tháng 7/2024, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh bắt đầu triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt (VETC-Packing) tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 1 Lào Cai.
Việc triển khai Cửa khẩu số cùng các hoạt động chuyển đổi số khác đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước; tạo kênh thông tin kết nối đa chiều giữa cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Mô hình “Thôn thông minh”– điểm sáng trong hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Bảo Thắng là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai mô hình Thôn chuyển đổi số thông minh. Từ thành công bước đầu của mô hình điểm tại thôn Đông Căm, xã Gia Phú, đến nay, tại 14/14 xã, thị trấn của huyện Bảo Thắng đã thành lập được 20 thôn, tổ dân phố CĐS thông minh với 105 thành viên tham gia, trong đó lực lượng chính, lực lượng nòng cốt là các đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và công dân tiêu biểu có am hiểu về công nghệ thông tin (Hộ kinh doanh điện thoại, máy tính).
Hoạt động trọng tâm của Tổ công nghệ số cộng đồng là trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân
sử dụng dịch vụ trên cổng dịch vụ công trực tuyến
Hoạt động trọng tâm của Tổ công nghệ số cộng đồng là giúp người dân hiểu và nắm vững các quy trình nộp hồ sơ trực tuyến, trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ trên cổng dịch vụ công. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã lựa chọn các thủ tục mà người dân có nhu cầu, người dân quan tâm để hỗ trợ giúp đỡ như: Chứng thực bản sao (tất cả các văn, bằng chứng chỉ); cấp bản sao trích lục hộ tịch như: Cấp lại giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký tạm trú, tạm vắng; đăng ký kết hôn, xác định tình trạng hôn nhân...Đồng thời hướng dẫn sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; từ đó, cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số địa phương.
Việc thành lập mô hình thôn/tổ dân phố chuyển đổi số thông minh trên địa bàn tỉnh Lào Cai được bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.
Các mô hình chuyển đổi số được triển khai đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.