Để trang phục dân tộc thành sản phẩm du lịch

Trang phục các dân tộc thiểu số không chỉ phản ánh đặc trưng văn hóa tộc người mà còn là tài nguyên phát triển du lịch. Tỉnh Lào Cai có 25 dân tộc cùng sinh sống tạo nên sự đa dạng, phong phú trong sắc màu trang phục, trở thành nguồn tài nguyên đầy tiềm năng để khai thác phát triển du lịch.

Trang phục là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn (du lịch văn hóa), vì vậy cần nghiên cứu, bảo tồn, phát huy trang phục trở thành sản phẩm du lịch. Trang phục mang bản sắc văn hóa tộc người. Mỗi tộc người (mỗi ngành nhóm khác nhau) đều có những đặc điểm trang phục khác nhau. Tính đa dạng của trang phục cũng như tính thẩm mỹ đã tạo nên những vẻ đẹp riêng có. Đơn cử như trang phục dân tộc Mông sử dụng nhiều kỹ thuật tạo hình hoa văn nhất so với các dân tộc ở Việt Nam, đó là các kỹ thuật: Thêu, dệt, ghép vải, ghép kim loại, in sáp ong. Sự phong phú về kỹ thuật không chỉ phản ánh giá trị lịch sử của trang phục mà còn đề cao giá trị thẩm mỹ. Mỗi biểu tượng hoa văn đều phản ánh nét đặc sắc trong nghệ thuật thêu, dệt may, làm trang phục của các dân tộc. Các biểu tượng hoa văn cũng như những đặc trưng về kỹ thuật, màu sắc, hình dáng… đã tạo nét đặc thù trong trang phục. Chính nét đặc thù, tính đa dạng trên trang phục đã tạo sức hút đối với du khách.

Khi du khách đến với chợ phiên vùng cao ở Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương... đều bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của hoa văn, màu sắc rực rỡ trên trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những bộ trang phục ấy tạo điểm nhấn, sức hút ở các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Khi đi chợ phiên, chỉ nhìn vào các sắc màu trang phục, du khách có thể biết rõ huyện đó, vùng đó có bao nhiêu tộc người, bao nhiêu nhóm địa phương, dân tộc sinh sống. Đơn cử như du khách đến Sa Pa không chỉ tận hưởng khí hậu và cảnh quan của núi rừng mà còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của các bộ trang phục của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó.

Vì vậy, cần nghiên cứu, xây dựng văn hóa trang phục trở thành sản phẩm đặc thù cho du lịch, trong đó phải tìm hiểu và nghiên cứu đặc điểm của trang phục, nét riêng của trang phục. Người thiết kế sản phẩm, thuyết minh quảng bá sản phẩm cần nắm vững đặc điểm, nguồn gốc, đặc trưng của họa tiết hoa văn, từ đó thiết kế các sản phẩm mang tính độc đáo. Người sản xuất sản phẩm cần giải mã được các biểu tượng nổi bật trong trang phục các dân tộc. Ví dụ như hiểu về truyền thuyết Bàn vương của người Dao đỏ để giải thích họa tiết hoa văn “ấn Bàn vương” phía sau lưng áo nam giới...

Ở một số điểm du lịch tại Lào Cai như Cát Cát, Tả Phìn, Nậm Sài (thị xã Sa Pa), Bản Phố (Bắc Hà), Y Tý (Bát Xát)… có đặc điểm chung là khai thác di sản văn hóa của các tộc người, kết hợp với cảnh quan môi trường, xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng. Do đó, khi đến các bản vùng cao, du khách sẽ được trải nghiệm các công đoạn làm ra trang phục của dân tộc sinh sống tại bản đó. Ví dụ như đến bản Cát Cát, du khách sẽ được trải nghiệm dệt vải lanh, thêu thổ cẩm, in sáp ong, nhuộm chàm; tự tay thiết kế túi đựng điện thoại, vỏ gối, ba lô… Mỗi người cũng có thể mua cho mình bộ trang phục truyền thống của người Mông Cát Cát.

Ở mỗi điểm du lịch, xây dựng các bảo tàng quy mô thích hợp để sưu tầm và trưng bày các nguyên liệu, công cụ sản xuất trang phục cũng như trưng bày các trang phục truyền thống đến các bộ trang phục đương đại. Trong đó, trưng bày các bộ trang phục truyền thống của phụ nữ, nam giới; trang phục của thầy cúng; trang phục trong lễ cưới; trang phục của trẻ em… Bảo tàng trưng bày trang phục có thể là bảo tàng chuyên đề nhưng cũng có khi chỉ làm một phần trong nhà bảo tàng trưng bày văn hóa các dân tộc, thậm chí chỉ là một góc trưng bày gắn với khu trải nghiệm sản xuất trang phục hoặc các quầy bán trang phục. Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, đưa chương trình thi trang phục, liên hoan trang phục truyền thống các dân tộc, festival trang phục truyền thống và đương đại thành các sự kiện mang tính thường xuyên, đáp ứng nhu cầu du khách.

Mỗi điểm du lịch ở Lào Cai cũng nên thiết kế các quầy bán trang phục, cửa hàng bán trang phục dân tộc thiểu số, trong đó cần có tính sáng tạo từ hình thức bán hàng đến thuyết minh, giới thiệu sản phẩm. Người bán hàng cần mặc trang phục truyền thống hoặc trang phục đã cách tân phù hợp với nhu cầu của du khách. Bài thuyết minh phải phân tích được vẻ đẹp cũng như giá trị thẩm mĩ, giá trị lịch sử ẩn tàng trong trang phục. Người bán trang phục vừa bán hàng, vừa là hướng dẫn viên du lịch, vừa là nghệ nhân. Xây dựng kịch bản cho thuê trang phục truyền thống với các chương trình “em là cô dâu người Dao đỏ”, “thiếu nữ Tày cầm đàn trên đỉnh núi”, “cô gái Mông bên khung dệt”… đáp ứng nhu cầu chụp ảnh của du khách.

Để bảo tồn, phát huy, xây dựng trang phục thành các sản phẩm du lịch, đòi hỏi sản phẩm phải chứa đựng được hồn của văn hóa tộc người. Cần điều tra nhu cầu của du khách, định hướng du khách sử dụng các sản phẩm trang phục truyền thống (được thêu dệt, cắt may thủ công). Từ đó, đề cao giá trị truyền thống, thổi hồn dân tộc vào mỗi sản phẩm, tránh tình trạng làm hàng nhái, bán các mặt hàng kém chất lượng, phá vỡ tính nguyên gốc của trang phục truyền thống. Không bán các sản phẩm làm giả truyền thống với sản phẩm trang phục truyền thống.

 

Tài nguyên du lịch về trang phục khó có thể xây dựng độc lập thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thành những dịch vụ quan trọng như văn hóa ẩm thực, dịch vụ đi lại, dịch vụ lưu trú… Do đó, cần nghiên cứu, xây dựng tài nguyên trang phục các dân tộc kết hợp với các nguồn tài nguyên khác (lễ hội, sinh hoạt văn hóa) tạo thành hệ thống cảnh quan độc lập. Trong đó, cần chú ý đến tính hệ thống và chuỗi sản phẩm, hạn chế việc bán hàng đơn lẻ, không gắn với cảnh quan môi trường và sinh hoạt văn hóa của tộc người.

Tài nguyên trang phục của các dân tộc thiểu số đa dạng, phong phú, giàu giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử, giá trị sử dụng. Nhưng muốn trở thành sản phẩm du lịch, đòi hỏi phải nắm vững đặc điểm của tài nguyên cũng như hồn văn hóa dân tộc, tính hệ thống của tài nguyên. Đặc biệt, cần chú ý kết hợp giữa nguyên lý bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với sự sáng tạo của lớp trẻ đương đại...

https://baolaocai.vn/de-trang-phuc-dan-toc-thanh-san-pham-du-lich-post391864.html
Theo Trần Hữu Sơn/Báo Lào Cai điện tử

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...