Phát triển sản phẩm du lịch mang thương hiệu Sa Pa

Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển của du lịch Sa Pa nói riêng, văn hóa các dân tộc Sa Pa có nhiều biến đổi và trở thành một trong những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch.

Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc tổ chức dịp cuối tuần thu hút du khách.

Nhiều sản phẩm du lịch đã được hình thành trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Sa Pa như: Lễ hội xòe dân tộc Tày (Bản Hồ - Mường Bo), Lễ hội Roong Pook dân tộc Giáy (Tả Van), Lễ hội Gaux Taox dân tộc Mông (Hoàng Liên), Lễ quét làng dân tộc Xa Phó (Liên Minh), Lễ Pút tồng và Cấp sắc dân tộc Dao (Tả Phìn và Ngũ Chỉ Sơn); Canaval đường phố giới thiệu những vũ điệu dân gian đặc sắc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã; Ngày hội khám phá di sản văn hóa dân tộc Dao (Tả Phìn); Ngày hội văn hóa Bản Mông Cát Cát; Lễ hội đá và hoa tại Khu du lịch Hàm Rồng; Chương trình nghệ thuật cuối tuần “Hương sắc Sa Pa”; Ngày hội mùa vàng trên danh thắng Ruộng bậc thang Sa Pa...

Cùng với đó, các sản phẩm nghề truyền thống cũng đã từng bước được nghiên cứu và đưa vào phục vụ khách du lịch như nghề thổ cẩm, thảo dược và hương liệu; làm hương, làm nến sáp ong, làm trống, chạm bạc, nghề rèn... Trong những năm qua, thương hiệu sản phẩm thổ cẩm Sa Pa đã dần trở thành sản phẩm hàng hóa và quà tặng lưu niệm phục vụ khách du lịch đồng thời hình thành những chương trình du lịch trải nghiệm quy trình thổ cẩm tiêu biểu như: làng nghề Thổ cẩm Lan Rừng, Điểm du lịch làng nghề Cát Cát; Cơ sở trải nghiệm của Câu lạc bộ phụ nữ khởi Nghiệp Mường Hoa; Cơ sở thổ cẩm Thào Sung (Tả Phìn); Cơ sở trải nghiệp làm xà phòng thảo dược – Tả Phìn. Nhiều loại ẩm thực của Sa Pa cũng dần được giới thiệu tới du khách và trở thành những thực đơn độc đáo tại các nhà hàng...

Tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng dựa trên giá trị văn hóa. Trong giai đoạn vừa qua, thị xã Sa Pa đã đầu tư nguồn lực phát triển sản phẩm du lịch theo Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2023 của HĐND tỉnh về một số chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn thị xã năm 2023.

Xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hoá của 05 dân tộc thiểu số; Tư vấn giải pháp khai thác, phát triển sản phẩm nghề truyền thống các dân tộc Sa Pa thành sản phảm quà tặng, quà lưu niệm phục vụ khách du lịch; Xây dựng kịch bản và dàn dựng các chương trình văn nghệ gắn với bản săc văn hoá các dân tộc Sa Pa để biểu diễn, giao lưu với du khách; nghiên cứu và khai thác các điểm di tích danh thắng cấp Quốc gia và cấp tỉnh phục vụ khách du lịch.

Du lịch cộng đồng tại bản Cát Cát hấp dẫn du khách quốc tế.     Ảnh TL.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư các điểm du lịch cộng đồng gắn với đặc trưng văn hoá các dân tộc thiểu số Sa Pa nhằm tạo sự khác biệt, nâng cao sức cạnh canh, tạo thương hiệu thu hút khách, như: Du lịch cộng đồng gắn với văn hoá dân tộc Dao tại Tả Phìn; du lịch cộng đồng gắn với văn hoá dân tộc Giáy tại Tả Van; Du lịch cộng đồng gắn với văn hoá dân tộc Tày tại Bản Hồ, Du lịch cộng đồng gắn với dân tộc Mông tại Mường Hoa và Du lịch cộng đồng gắn với văn hoá dân tộc Xa Phó tại Liên Minh.

Đầu tư phát triển nghề truyền thống các dân tộc Sa Pa thành sản phẩm hàng hóa và quà tặng lưu niệm. Phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống theo nhãn hiệu OCOP gắn với tiềm năng và đặc trưng nghề truyền thống của các dân tộc Sa Pa, theo phương châm "Biến di sản thành tài sản"; Gắn phát triển nghề truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng để tạo ra các giá trị gia tăng cho sản phẩm nghề thông qua các hoạt động trải nghiệm phục vụ du khách.

Bảo tồn và khai thác các giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc phục vụ du lịch; Tổ chức các hoạt động biểu diễn trên đường phố, biểu diễn phục vụ các sự kiện của các doanh nghiệp; Nghiên cứu, phục dựng và tổ chức các trò chơi, trò diễn dân gian các dân tộc phục vụ nhu cầu trải nghiệm của khách tại các điểm du lịch cộng đồng; Hỗ trợ tổ chức các mô hình trường học gắn với bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch; Nghiên cứu, khai thác ẩm thực truyền thống các dân tộc Sa Pa phục vụ khách du lịch.

Năm 2023, Sa Pa dự kiến đón 3,5 triệu lượt khách du lịch.

Tổ chức các hoạt động quảng bá về các sản phẩm văn hóa gắn với các điểm du lịch cộng đồng, các sản phẩm đặc trưng dân tộc, các dịch vụ phục vụ du khách… dưới hình thức ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá; Khai thác hiệu quả ứng dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá du lịch; Khảo sát và đón tiếp các đoàn khảo sát nhằm kết nối và quảng bá du lịch và dịch vụ tại các điểm du lịch cộng đồng; Tham gia vào mạng lưới Du lịch cộng đồng ASEAN để giới thiệu và quảng bá sản phẩm và hình ảnh du lịch cộng đồng của Sa Pa; Tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi học hỏi kinh nghiệm với các điểm du lịch cộng đồng khác.

Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu du lịch quốc gia, hướng tới trở thành Khu du lịch quốc gia mang tầm quốc tế. Hơn lúc nào hết, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc, phát triển nghề truyền thống và khai thác hiệu quả các giá trị về tài nguyên thiên nhiên để phát triển du lịch cần được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Sa Pa trong thời gian tới./.

Xuân Huệ

Tin Liên Quan

Khai mạc Lễ hội mùa hè “Sa Pa- Xứ sở của tình yêu"

Tối 27/4, tại sân quần thị xã Sa Pa đã khai mạc Lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2024 với chủ đề "Sa Pa - Xứ sở của tình yêu". Đây là một trong năm lễ hội thường niên đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang bản sắc và thương hiệu riêng có của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Bảo Yên khai mạc Ngày hội Văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ 2 năm 2024”

Ngày 27/4, huyện Bảo Yên long trọng tổ chức khai mạc chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ hai năm 2024” gồm nhiều sự kiện hấp dẫn.

Lào Cai hưởng ứng Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”

Để đón đầu kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè 2024, thúc đẩy phát triển du lịch và triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, tỉnh Lào Cai tham gia phát động Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” trên địa bàn tỉnh.

Lào Cai - điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ

Chỉ còn hai ngày nữa kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 sẽ chính thức bắt đầu. Theo kế hoạch, dịp này các địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động kích cầu, thu hút du khách. Hiện các điểm du lịch, cơ sở lưu trú cũng đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, nhằm mang đến cho du khách một kỳ nghỉ thú vị.

Khảo sát, điền dã các di tích danh lam, thắng cảnh tại huyện Bát Xát

Trong 2 ngày, 23 và 24/4, UBND huyện Bát Xát phối hợp với Bảo tàng tỉnh thực hiện khảo sát, điền dã thác Ong Chúa và đỉnh núi Nhìu Cồ San (thuộc thôn Nhìu Cù San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát) để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh.

Ra mắt sản phẩm du lịch “Điểm hẹn - Chợ tình Sa Pa”

Nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội mùa hè Sa Pa năm 2024, thị xã Sa Pa sẽ giới thiệu và ra mắt du khách trong và ngoài nước sản phẩm du lịch “Điểm hẹn - Chợ tình Sa Pa”.