Nhiều nước ở châu Á, Âu ghi nhận thời tiết khắc nghiệt bất thường

Singapore và Australia đều có tháng 10 nóng nhất trong nhiều năm qua; trong khi Italy có thể bị hứng chịu đợt thời tiết khắc nghiệt mới, với mưa lớn có nguy cơ gây ngập lụt xảy ra ở nhiều vùng.

Nắng nóng gay gắt tại thành phố Sydney, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan Khí tượng Singapore (MSS) thông báo, ngày 9/10 vừa qua là ngày nước này ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất từ trước tới nay cho các tháng 10.

Theo MSS, nhìn chung thời tiết tháng 10 ấm, với mức nhiệt tối đa trên 34 độ C duy trì trong 25 ngày. Trong ngày 9/10, nhiệt độ vượt 35 độ C tại một số vùng ở Singapore, khu vực phía Bắc ghi nhận mức nhiệt 36,3 độ C.

Đây là mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận tại Singapore trong các tháng 10, vượt kỷ lục trước đó là 35,7 độ C vào ngày 14/10/2001 và 13/10/2019.

Tương tự, Cơ quan Khí tượng Australia (BOM) thông báo tháng 10/2023 là tháng 10 nóng nhất trong hơn 20 năm qua, với lượng mưa trung bình cả nước thấp hơn 65,4% so với lượng mưa trung bình các tháng 10 trong giai đoạn 1961-1990.

Theo BOM, tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Australia, ngoại trừ Victoria, đều có lượng mưa thấp hơn mức trung bình cho tháng 10.

Ở Tây Australia, tháng 10/2023 là tháng 10 khô hạn nhất trong lịch sử thu thập dữ liệu của bang này từ năm 1900, lượng mưa trên toàn bang thấp hơn 83,5 % so với mức trung bình. Trong khi đó, lượng mưa trên mức trung bình ở hầu hết khu vực phía Đông bang Victoria kéo sang vùng lân cận ở bang New South Wales.

Tính theo nhiệt độ, BOM chỉ ra rằng nhiệt độ trung bình quốc gia trong tháng 10 vừa qua ấm hơn 1,05 độ so với mức trung bình nhiệt độ giai đoạn 1961-1900 trên cả nước, dẫn tới hình thành một hệ thống áp suất cao bao trùm toàn bộ lục địa.

Thời tiết khô và nóng, cùng với gió mạnh và gió giật, càng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng ở mức nghiêm trọng tại nhiều vùng trên cả nước, nhiều vụ cháy đã xảy ra ở các vùng phía Bắc và Đông của cả nước.

Các đợt sóng nhiệt ngày càng tăng về tần suất và cường độ cũng khiến số người nhập viện vì thời tiết khắc nghiệt tại Australia tăng.

Theo báo cáo được Viện Y tế và An sinh Australia công bố ngày 2/11, số người Australia nhập viện vì bị thương do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt, cháy rừng và bão đã tăng trong 10 năm qua.

Trong giai đoạn 2012-2022, nắng nóng khắc nghiệt khiến nhiều người Australia phải nhập viện hơn so với những nguyên nhân khác liên quan môi trường, trong giai đoạn này có 9.119 ca nhập viện vì bị thương do nguyên nhân trực tiếp là thời tiết khắc nghiệt, trong giai đoạn 2011-2021 có 677 ca tử vong vì nguyên nhân này.

Tiếp xúc với nhiệt độ tự nhiên vượt ngưỡng là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới các ca nhập viện ở các bang và vùng lãnh thổ, ngoại trừ Tasmania.

Cũng theo báo cáo, số ca bị thương liên quan các vụ cháy cũng tăng trong những năm hiện tượng El Nino hình thành tại Thái Bình Dương, do thời tiết nóng hơn và khô hơn. Tháng 9 vừa qua, BOM xác nhận El Nino trở lại lần đầu tiên tại Australia kể từ năm 2018-19.

Ở châu Âu, giới chức Italy cảnh báo nước này chuẩn bị hứng chịu đợt thời tiết khắc nghiệt mới, với mưa lớn có nguy cơ gây ngập lụt có thể xảy ra ở nhiều vùng tại miền Trung và Bắc Italy trong khi nhiệt độ miền Nam được dự báo ở mức cao.

Các quan chức bảo vệ dân sự Italy cho biết 2 cơn bão sẽ di chuyển qua nước này trong tuần, khiến một số vùng ở Đông Bắc như Veneto và Friuli Venezia Giulia có thể phải ban hành cảnh báo đỏ. Các vùng ở miền Đông Bắc và Trung Italy, trong đó có Milan, đã ban hành cảnh báo cam.

Các hệ thống bão sắp tới có thể dẫn tới ngập lụt, khiến các tuyến đường bị phong tỏa, gián đoạn giao thông và phá hoại mùa màng. Miền Bắc Italy đã hứng chịu mưa lớn trong vài ngày qua.

Miền Nam Italy đang ghi nhận những ngày có nhiệt độ cao bất thường, nhiều lần vượt 35 độ C. Hiệp hội Nông nghiệp Italy Coldiretti cho biết nhiệt độ cao trong tháng 8 và các cơn bão có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất này, trong đó phải kể đến vụ mùa olive vốn đã giảm diện tích trồng trọt vì mùa hè nóng và khô, đến nay lại đứng trước nguy cơ sản lượng giảm vì nhiệt độ khắc nghiệt trong các mùa thu và đông.

Theo Hiệp hội này, các điều kiện thời tiết thất thường, khó dự đoán đã làm sản lượng lúa mì giảm 10% , sản lượng cherry thấp hơn 60% so với thông thường và sản lượng mật ong cũng thấp hơn 70% so với năm ngoái.

Trong 18 tháng qua, Italy đã trải qua hàng loạt đợt thời tiết khắc nghiệt, từ nhiệt độ cao kỷ lục và hạn hán trong mùa Hè 2022, 2023 đến các vụ cháy rừng, lũ lụt, lở đất, gió mạnh và mưa đá.

Nhiều nước ở châu Á, Âu ghi nhận thời tiết khắc nghiệt bất thường (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Tạo lá chắn chở che phụ nữ trước bạo lực

Bạo lực đối với phụ nữ dưới mọi hình thức là một vết nhơ đối với nhân loại, là trở ngại đối với hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững. Nhấn mạnh điều này nhân Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11), Giám đốc điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao...

Cùng vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển bền vững

Nhận lời mời của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.

Thách thức trên tiến trình loại bỏ rác thải nhựa

Các đại diện đến từ 175 quốc gia đang nhóm họp tại Kenya nhằm xây dựng hiệp ước quốc tế đầu tiên về giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán đối mặt nhiều khó khăn do những khác biệt về mục tiêu và tham vọng của các nước.

Hội nghị APEC 2023: Sức sống mạnh mẽ của chủ nghĩa đa phương và hợp tác

Sau 1 tuần làm việc, Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra từ 11 đến ngày 17/11 tại San Francisco, Mỹ đã chính thức bế mạc. Hội nghị không chỉ giúp Mỹ thể hiện những cam kết mạnh mẽ đối với khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế mà còn truyền thêm sức sống cho chủ nghĩa đa phương và sự hợp tác cùng có lợi.

Australia tăng cường gắn kết Thái Bình Dương

Dự luật về "Chương trình thị thực gắn kết Thái Bình Dương" được Quốc hội Australia thông qua nhằm mở ra cơ hội định cư lâu dài tại Xứ sở Chuột túi cho tối đa 3.000 công dân của các đảo quốc Thái Bình Dương và Timor Leste mỗi năm. Chương trình này được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường gắn kết người...

Hỗ trợ nước nghèo giảm gánh nặng nợ nần

Liên hợp quốc đã kêu gọi tiến hành cuộc cải tổ sâu rộng đối với hệ thống tài chính toàn cầu để giúp các quốc gia nghèo nhất thế giới cũng như hỗ trợ nỗ lực đấu tranh của những nước này nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính “khổng lồ” hiện nay. Hàng loạt cuộc khủng hoảng do dịch bệnh, xung đột...