Bước chuyển mới của nông nghiệp Sa Pa
Thực hiện Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thị xã Sa Pa đã khuyến khích, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Thị xã đã triển khai cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng sinh thái, từng lĩnh vực, đồng thời phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Thị xã cơ cấu lại sản xuất theo 2 nhóm là nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh (chè, dược liệu, chăn nuôi lợn) và nhóm sản phẩm chủ lực địa phương (rau, hoa, cây ăn quả, cá nước lạnh) gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các hình thức ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường chế biến sâu; chủ động thời vụ sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông sản và nâng cao giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác.
Hiện nay, thị xã phát triển và duy trì 220 ha cây dược liệu gồm atiso, chùa dù, chè dây, đương quy, tía tô cùng các loại cây dược liệu dùng để chế biến sản phẩm thuốc tắm người Dao đỏ, với giá trị sản xuất dược liệu đạt hơn 150 triệu đồng/ha.
Thị xã còn duy trì trồng ổn định 31 ha chè Ô long tại phường Ô Quý Hồ với sản lượng hằng năm đạt 150 tấn chè búp tươi, doanh thu từ sản phẩm chè đạt khoảng 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chuyển đổi gần 80 ha đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả theo hướng tập trung, nâng tổng diện tích cây ăn quả ôn đới (mận, đào, lê) lên 763 ha, sản lượng thu hoạch hằng năm đạt 1.210 tấn, doanh thu 25 tỷ đồng. Phát triển rau chính vụ, rau trái vụ và các loại rau gia vị (tại các xã, phường như Ô Quý Hồ, Sa Pả, Hàm Rồng, Tả Phìn, Trung Chải, Ngũ Chỉ Sơn…), trong đó ứng dụng sản xuất hữu cơ, VietGAP, sản xuất theo hướng an toàn. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân phát triển thủy sản nước lạnh áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến và bảo quản…
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của Sa Pa đạt 9,81%/năm và giá trị canh tác bình quân đạt 135 triệu đồng/ha.
Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Thị xã sẽ tiếp tục lồng ghép nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất và khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh với quy mô lớn; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông, lâm sản; tăng cường xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
https://baolaocai.vn/buoc-chuyen-moi-cua-nong-nghiep-sa-pa-post370845.html