Nhiều chỉ số phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 thấp hơn so với cùng kỳ
Chiều 1/6, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 6 UBND tỉnh, đánh giá tình hình các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tháng 5; triển khai nhiệm vụ tháng 6/2023.Dự phiên họp có các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành cùng 9 điểm cầu trực tuyến tại các huyện, thị, thành phố.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục được duy trì ổn định, phát triển tốt, đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ và sản lượng theo kế hoạch đề ra, công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thuỷ sản được thực hiện tốt không để phát sinh dịch bệnh lớn. Sản xuất công nghiệp tuy gặp một số khó khăn nhưng vẫn được duy trì (giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 ước đạt 3.974,7 tỷ đồng).
Hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ diễn ra sôi động (tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.160,8 tỷ đồng tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2022). Xuất nhập khẩu ổn định (giá trị xuất nhập khẩu tháng 5 ước đạt 150,70 triệu USD, lũy kế ước đạt 740,6 triệu USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ 2022). Du lịch tăng trưởng tốt (đạt 626,8 nghìn lượt khách, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022). Giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo tiến độ yêu cầu, ước đạt 32% kế hoạch…
Các lĩnh vực văn hóa, thông tin triển khai hiệu quả; an sinh xã hội được quan tâm; giáo dục đạt nhiều thành tích nổi bật; đảm bảo tốt việc khám chữa bệnh cho người dân, tiếp tục kiểm soát tốt tình hình dịch Covid - 19 trên địa bàn tỉnh. Quốc phòng, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng; công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả tốt.
Một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 5/2023:
- Toàn tỉnh gieo cấy 9.923,25 ha lúa xuân; 2.803 ha lúa mùa sớm; 11.656,31 ha ngô; 3.395,72 ha rau đậu các loại; tổng đàn gia súc đạt 604.830, đàn gia cầm 4.900 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 28.130 tấn…
- Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 ước đạt 3.974,7 tỷ đồng; lũy kế ước đạt 16.319,5 tỷ đồng, bằng 31,94% so với kế hoạch và bằng 97,5% so cùng kỳ năm 2022.
- Tổng vốn đầu tư công năm 2023 là 6.404 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân ước hết tháng 5/2023 đạt 32% kế hoạch.
- Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 5 ước đạt 3.160,8 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt 14.886,9 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2022.
- Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trong tháng 5/2023 ước đạt 150,70 triệu USD tăng 5,4% so với tháng 4/2023; lũy kế ước đạt 740,60 triệu USD (giảm 10,6% so với cùng kỳ 2022).
- Tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai trong tháng 5 đạt 626.802 lượt; lũy kế 5 tháng đạt 3.1 triệu lượt, tăng 162% so với cùng kỳ năm 2022.
- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh lũy kế đến hết tháng 5/2023 ước đạt 2.820 tỷ đồng, bằng 33% dự toán Trung ương giao, bằng 23,5% dự toán UBND tỉnh giao.
Tuy nhiên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong tháng vẫn còn khó khăn như: Một số khó khăn vướng mắc của các đơn vị sản xuất công nghiệp về cơ bản vẫn chưa được tháo gỡ; xuất nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2022; thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng cực đoan, hạn hán ảnh hưởng tới sản xuất và cuộc sống sinh hoạt của nhân dân; việc thực hiện Đề án 06 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc…
Tại phiên họp, lãnh đạo các địa phương và các sở, ban, ngành của tỉnh đã phát biểu làm rõ kết quả đạt được, đồng thời kiến nghị với UBND tỉnh xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tế thực hiện nhiệm vụ điều hành phát triển kinh tế - xã hội tháng 5/2023.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cho rằng: Các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 có nhiều chỉ số thấp so với cùng kỳ, thể hiện xu thế giảm, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, các chỉ số về công nghiệp, thủy điện, chế biến khoáng sản… đạt thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu ngân sách. Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 10% năm 2023, các tháng còn lại trong năm phải đạt tốc độ tăng trưởng trên 14%, đây là thách thức lớn đối với tỉnh, cần sự quyết tâm, nỗ lực của tất cả các cấp, ngành, địa phương. Do đó, các cấp, ngành bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục phát huy tốt vai trò của người đứng đầu, chủ động, tích cực, năng động, dám nghĩ, dám làm; tăng cường đánh giá lại cán bộ, đồng chí nào không thực hiện được nhiệm vụ sẽ điều động, luân chuyển, bổ nhiệm vào vị trí khác phù hợp hơn.
Cần làm tốt công tác dự tính, dự báo chính xác tình hình dịch hại trên các cây trồng, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho ngành nông nghiệp trong điều kiện nắng nóng. Tăng cường tạo điều kiện cho hoạt động thông quan xuất khẩu, nhất là mặt hàng quả vải tươi qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá, tìm hiểu rõ các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến thu ngân sách, tiến độ giải ngân vốn đầu tư, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia… để đề xuất giải pháp tháo gỡ. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số đối với lĩnh vực y tế, giáo dục, cửa khẩu và doanh nghiệp…
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương tăng cường kiểm tra, quản lý vận hành tốt các nhà máy thủy điện; đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên rà soát các tồn tại, tiến độ khắc phục các tồn tại của các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng. Nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị khai thác, chế biến sâu khoáng sản…