Trong mỗi người có một phần máu thịt ở Trường Sa

Khi hơn 200 thành viên Đoàn công tác trên tàu 561 đồng thanh “Cả nước vì Trường Sa”, và ở nơi đảo nhỏ tiền tiêu cũng vọng vang trở lại “Trường Sa vì Tổ quốc”, tôi bất giác đặt tay lên ngực trái, lắng nghe cảm xúc lan tỏa nơi mọi ngõ ngách của cơ thể mình. Cảm xúc ấy chỉ có thể là tình yêu Tổ quốc, bởi trong mỗi người đều có một phần máu thịt ở Trường Sa.
TS_1.jpg

Con tàu mang số hiệu 651 kéo lên những hồi còi dài đưa Đoàn công tác số 14 rời Cảng Quốc tế Cam Ranh đi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Trên bến cảng, giữa bỏng cháy tháng 5, những cánh tay rám nắng của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân vẫy chào tạm biệt, chúc chuyến hải lộ bình an, sóng yên, biển lặng.

2.jpg

Đất liền dần khuất xa trong tầm mắt, chỉ còn sóng, gió và biển trời bao la. Biển nước mình đẹp quá, những con sóng bạc hiền hòa vỗ mạn tàu rồi lại hòa vào xanh thẳm, như triệu triệu người con trên đất nước này hòa trong hai tiếng Việt Nam. Tình yêu Tổ quốc vốn là thứ vô hình, nằm sâu trong tâm khảm, nhưng trong chuyến đi đặc biệt này, tựa hồ như ta cầm nắm được, như một báu vật hữu hình quý giá, thiêng liêng.

3.jpg

Vẫn là những con thuyền đánh cá của ngư dân mà trong cuộc đời ta đã trăm, đã ngàn lần bắt gặp, nhưng sao lần này, những chấm nhỏ xa xa lại gợi nhiều ấm áp và thân thương da diết thế. Cái nhỏ bé, mong manh đang là hiện thân của kiên cường, vững chãi. Một nghề nghiệp mưu sinh bình thường như bao nghề khác, nhưng vĩ đại, bởi bà con ngư dân chính là những cột mốc chủ quyền trên biển, khẳng định vùng biển của ta, sóng nước và nguồn lợi nơi vùng biển này đều thuộc về ta, không một thế lực nào có thể ngăn cấm, không một cường quyền nào bẻ gãy được ý chí của dân tộc Việt Nam.

Khi những người thân yêu nhất của tôi qua đời, tôi đều không có mặt do đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Tổ quốc phải đặt lên trên hết, trước hết; bảo vệ biển, đảo là thiêng liêng, không thể để xảy ra bị động, bất ngờ.

Thượng tá Lương Xuân Giáp - Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng 4 Hải quân.

2.jpg
4.jpg

Chiều ngày thứ 2 trong chuyến hải trình, điểm đến đầu tiên hiện ra trước mắt, Song Tử Tây - đảo nhỏ thiêng thiêng của Tổ quốc mình. Những ánh mắt háo hức bỗng như lắng lại khi một chiến sỹ hải quân trên tàu chỉ sang phía trái: Các anh nhìn thấy hòn đảo kia không? Song Tử Đông của mình đấy, nhưng đang bị Phi-líp-pin đóng giữ bất hợp pháp.

Thông tin đó chúng tôi đều đã biết, nhưng khi được tận mắt nhìn cả 2 hòn đảo trong cùng một thời khắc, tôi chợt nghĩ về tên gọi - Song Tử cơ mà, chúng như hai đứa con được biển mẹ đồng sinh, không thể tách rời.

5.jpg
6.jpg

Song Tử Tây xanh mướt, như một khu rừng nhỏ giữa đại dương mênh mông. Thanh âm của nhịp sống đất liền, với tiếng chuông chùa, tiếng trẻ bi bô, hòa cùng rì rầm tiếng biển. 48 năm sau ngày giải phóng, hạ tầng kinh tế - xã hội và các thiết chế văn hóa trên đảo đã được Đảng, Nhà nước và quân đội đầu tư. Trên đảo có chùa, khu tưởng niệm Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, nhà văn hóa, trường học, bệnh xá, âu tàu… mang lại một diện mạo mới, một sức sống mới cho Song Tử Tây.

7.jpg
Đoàn công tác tỉnh Lào Cai thăm, động viên và tặng quà người dân đảo Song Tử Tây.

Những mái ấm gia đình nơi đảo xa giúp ta cảm nhận đủ đầy hơn về hạnh phúc. Vườn rau nhỏ xinh, hơi ấm từ căn bếp, đứa trẻ rám nắng hóng cha trở về từ biển trong ráng chiều buông… Hạnh phúc giản dị nhưng vô bờ, mênh mông như biển cả.

Nhận quà từ Đoàn công tác tỉnh Lào Cai, chúng tôi xúc động vô cùng. Đó không chỉ là món quà, mà là tình cảm của biên giới phía Bắc gửi đến người dân Song Tử Tây.

Chị Lương Thị Hằng - người dân đảo Song Tử Tây.

3.jpg

Cụm đảo Sinh Tồn, tuyến đầu bão lửa, nơi mỗi tên đảo đều là máu thịt và những tên người đã thành bất tử. 35 năm trước, để bảo vệ Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma trước kẻ thù xâm lược, 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân đã dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối, như những lời đanh thép mà Anh hùng, liệt sỹ, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma động viên đồng đội trước lúc hy sinh: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc”.

1.jpg

Đất nước hòa bình, chiến tranh đã lùi xa, nhưng ở nơi biển, đảo tiền tiêu, bạn sẽ cảm nhận thấy một “đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”. Vẫn còn đó những bóng tàu ma quỷ chập chờn ngày đêm dòm ngó; vẫn còn đó những người con ưu tú của đất nước mình vĩnh viễn nằm lại giữa sóng nước bao la. Lễ tưởng niệm, dâng hương, hoa cho các anh được đoàn công tác tổ chức ngay trên boong tàu, trong một chiều dông gió. Tôi đã khóc và rất nhiều người đã khóc, sự hy sinh nào cho đất nước mình cũng cao quý cả, nhưng ở nơi sóng nước thế này, liệu các anh có thể ngủ yên không?

10.jpg
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong và Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân kiểm tra công tác trên đảo Sinh Tồn Đông.
8.jpg
Điện gió và năng lượng mặt trời trên đảo Sinh Tồn Đông.

Đúng như tên đảo, Sinh Tồn Đông hôm nay đang khẳng định sức sống mãnh liệt giữa gian lao, khắc nghiệt, hiểm nguy. Những cây bàng vuông, phong ba, mù u… vẫn vươn cao xanh mướt, kiên cường như những người lính đảo. Ở nơi tuyến đầu nóng bỏng, chỉ cách bãi Huy Gơ (Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988) chưa đầy 8 km, hình ảnh những người lính trẻ bình thản đọc sách sau ca gác là hình ảnh đẹp đẽ và vững chãi đến lạ kỳ.

9.jpg

Em đọc sách để hiểu hơn về lịch sử đất nước mình, để thêm yêu biển, đảo, kế tiếp truyền thống cha anh, hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc.

Trung sỹ Lương Thanh Nhật - chiến sỹ đảo Sinh Tồn Đông.

Thời tiết xấu, vùng biển Sinh Tồn có mưa và sóng lớn, nhưng có phải vì lòng người trĩu nặng nghĩ về vòng tròn bất tử, nên dẫu đã có thông báo của chỉ huy tàu hạn chế lượng người xuống đảo Len Đao nhưng ai cũng muốn mình được đặt chân lên đó, để từ đây được một lần nhìn thấy Gạc Ma.

2.jpg
Xuồng cập đảo Len Đao giữa mưa dông, biển động.

Gạc Ma và những hòn đảo khác nơi Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thân yêu dẫu đang bị kẻ thù cưỡng đoạt và chiếm đóng thì vẫn thuộc về ta, cả tự nhiên, pháp lý và trong tiềm thức của mỗi người đều trường tồn như vậy. Ngàn đời nay, biết bao thế hệ người Việt Nam đã đấu tranh cho công lý và lẽ phải thì chắc chắn ngàn đời sau vẫn thế, đến khi không còn “một tấc biển tách rời, vạn tấc đất đớn đau”.

 

Toàn đơn vị luôn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, giữ trọn lời thề bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng.

Thượng úy Cao Văn Tuân - Chính trị viên đảo Len Đao.

4.jpg

Ngày thứ 4 của chuyến hải trình, tàu 561 đưa đoàn công tác cập đảo Đá Tây A. Cụm đảo Đá Tây gồm 3 đảo, Đá Tây A, Đá Tây B và Đá Tây C, trong đó Đá Tây A được mệnh danh là “Thành phố” của những đảo chìm, nơi cung cấp hậu cần nghề cá lớn nhất trên Quần đảo Trường Sa. Tàu thuyền của ngư dân thường xuyên vào đây tránh trú bão, nhận nước ngọt miễn phí, mua đá, xăng dầu, lương thực, thực phẩm phục vụ các chuyến vươn khơi đánh bắt xa bờ.

11.jpg

Đá Tây A rộn rã tiếng động cơ tàu thuyền, ấm áp giọng nói, tiếng cười của ngư dân, của cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân trên đảo. Vùng biển Đá Tây vốn là ngư trường truyền thống, là nơi trú tránh bão lý tưởng từ ngàn đời nay của người đi biển. Giờ đây, với việc hình thành Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá, Đá Tây càng trở nên náo nhiệt và trở thành điểm tựa vững chắc để ngư dân - “cột mốc sống chủ quyền” trên biển yên tâm thực hiện những chuyến khơi xa.

3.jpg

Điều đáng trân trọng là tất cả các hộ đang sinh sống trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa đều có nguyện vọng ở lại, gắn bó với đảo, sát cánh cùng cán bộ, chiến sỹ trong công cuộc bảo vệ Trường Sa thân yêu.

Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

5.jpg

Tháng 7 năm 1989, nhà giàn đầu tiên trên vùng thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được hạ đặt thành công. Từ bấy đến nay, các trạm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật, gọi tắt là DK đã thực sự trở thành những “pháo đài thép” sừng sững giữa biển trời, là những cột mốc vững chãi đánh dấu chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông.

12.jpg

Mưa giông và biển động khiến chỉ có hơn 10 thành viên trong Đoàn công tác số 14 có thể lên được Nhà giàn DK1 Phúc Tần. Chỉ huy trưởng nhà giàn, Thiếu tá Nguyễn Thành Sơn kể trong niềm xúc động: Anh em chờ từ 5 giờ sáng, chỉ lo biển động, các thủ trưởng và mọi người sẽ không thể lên thăm. Mỗi năm, lính nhà giàn chỉ có vài lần được gặp gỡ các đoàn công tác, được thỏa nỗi nhớ đất liền.

16.jpg
Đoàn công tác tỉnh Lào Cai chụp ảnh lưu niệm cùng Chỉ huy Nhà giàn DK1 Phúc Tần.

DK-1 là những nhà giàn ở vòng ngoài cùng của thềm lục địa, tiếp giáp với vùng biển Trường Sa. Mặc dù hiện nay, các nhà giàn thế hệ thứ 3 đã có nhiều cải tiến, rộng rãi và vững chắc hơn, nhưng những người lính làm nhiệm vụ tại DK1 vẫn là những người đang phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ nhất về điều kiện sinh hoạt và đời sống tinh thần. Giữa nhà giàn với bốn bề biển mặn, nhìn các chiến sỹ chắt chiu, tái sử dụng từng giọt nước ngọt mới cảm nhận được câu hát “giữa mênh mông vẫn khát, không uống được anh ơi” thấm thía đến nhường nào!

Thay mặt anh em cán bộ, chiến sỹ, tôi chỉ xin có 1 kiến nghị duy nhất với các thủ trưởng và đất liền, đó là khi anh em hoàn thành nhiệm vụ trở về sẽ được các địa phương quan tâm tạo điều kiện về việc làm để ổn định cuộc sống.

Thiếu tá Nguyễn Thành Sơn - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1 Phúc Tần.

6.jpg

Trong cuộc đời, mỗi người sẽ không thể nào nhớ hết đã có bao nhiêu lần tham dự lễ chào cờ và hát Quốc ca, nhưng chào cờ trên đảo Trường Sa là cảm xúc đặc biệt, là ký ức không bao giờ phai. Khi 10 lời thề quân nhân vang lên ở nơi biển, đảo tiền tiêu, một nguồn năng lượng dường như vô tận cuộn chảy trong mỗi người, nuôi dưỡng niềm tin tuyệt đối về sức mạnh của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

13.jpg

Đảo Trường Sa, hay nhiều người vẫn quen gọi Trường Sa Lớn, là “trái tim” của quần đảo tiền tiêu. Trên đảo có đầy đủ các công trình phục vụ mục đích quân sự và dân sự, từ đường băng, cảng biển, trạm rada, đến nhà chùa, nhà khách, trạm khí tượng - thủy văn và ngọn hải đăng lớn ngày đêm rực sáng… Đóng quân trên đảo cũng không chỉ có những người lính hải quân, mà còn có các chiến sỹ biên phòng cùng nhiều lực lượng phối thuộc, đảm bảo khác. Và điều quan trọng nhất, Trường Sa vững mạnh là ở lòng dân, bởi luôn có triệu triệu trái tim trên khắp mọi vùng miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài hòa cùng nhịp đập với những trái tim dũng cảm, can trường nơi biển, đảo.

14.jpg
4.jpg

Quê em ở Trường Sa/Những đảo chìm, đảo nổi/Quê em có biển trời/Bốn mùa xanh bao la/Sinh ra ở Trường Sa/Em là con của biển… Lời bài hát “Quê em ở Trường Sa” mà 6 em nhỏ, những công dân nhí của đảo hát tặng các đại biểu trước lúc chia tay như thấm vào máu thịt. Sinh ra ở Trường Sa, các em là con của biển, cũng là những người con đáng yêu nhất của đất nước Việt Nam mình, một đất nước đang mạnh giàu lên từ biển, với không gian sinh tồn là biển, đảo bao la.

15.jpg
Đoàn công tác tỉnh Lào Cai tại đảo Trường Sa.

https://baolaocai.vn/trong-moi-nguoi-co-mot-phan-mau-thit-o-truong-sa-post369115.html

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

[Infographic] Một số kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI về công tác cán bộ nữ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chương trình, đề án và xây dựng cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Dưới đây là một số kết quả từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay về công tác cán...

3 sản phẩm trà của Lào Cai được trao giải tại cuộc thi "Trà thế giới"

Tỉnh Lào Cai có 3 sản phẩm trà chế biến từ nguyên liệu chè Shan tuyết cổ thụ núi Hoàng Liên Sơn - thị xã Sa Pa vừa được nhận giải thưởng cuộc thi "Trà thế giới" AVPA Paris 2024.

Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việc chú trọng thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được các cấp chính quyền tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm, qua đó xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đảm bảo trật tự xã hội, đẩy lùi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch...

Hỗ trợ người dân và học sinh bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

Ngày 04/11, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lào Cai phối hợp với Đoàn Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam huyện Cần Đước, tỉnh Long An tổ chức chương trình hỗ trợ người dân bị thiệt hại nặng về người và tài sản do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) tại huyện Bảo Yên và huyện Bảo Thắng.

Thống nhất Kế hoạch tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt năm 2024

Sáng 5/11, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức cuộc họp thống nhất nội dung Kế hoạch tham gia và phối hợp tổ chức Hội chợ Kinh tế Thương mại và Du lịch Biên giới Trung-Việt (Hồng Hà) năm 2024. Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì.

Hội đàm công tác công đoàn năm 2024

Sáng 4/11, tại tỉnh Lào Cai, Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Tổng Công hội tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức hội đàm công tác công đoàn năm 2024.