Quy hoạch tỉnh Lào Cai: Mở rộng không gian phát triển, phấn đấu trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương

Ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là sự kiện quan trọng khẳng định khát vọng, tầm nhìn và mở rộng không gian, chỉ ra các động lực phát triển để Lào Cai khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, phấn đấu trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc.

DJI_0262.jpg

Khát vọng vươn lên

Nhìn vào quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thấy rõ được ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh Lào Cai với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP bình quân đầu người cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao của cả nước; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển, là một trung tâm phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước; là trung tâm kết nối quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh giữa Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN và châu Âu với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại và tích hợp.

QHLC_10_ảnh minh họa 1.jpg

Một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột phát triển kinh tế, 5 nhiệm vụ trọng tâm

Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chọn 3 khâu đột phá. Đó là, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng số. Phát triển, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số. Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao: Kinh tế cửa khẩu, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế.

Các ưu tiên phát triển: Trên cơ sở phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế cũng như dự báo xu hướng phát triển, Quy hoạch tỉnh đã xác định các ưu tiên phát triển, gồm một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột phát triển kinh tế5 nhiệm vụ trọng tâm.

Một trục động lực: Hình thành một trục kinh tế động lực dọc sông Hồng, trong đó phát triển trục đô thị: Thị trấn Bát Xát mở rộng, thành phố Lào Cai, thị trấn Tằng Loỏng, thị trấn Phố Lu mở rộng (bao gồm: Sơn Hà, Sơn Hải), các đô thị mới Bảo Hà - Tân An, Trịnh Tường, Võ Lao; phát triển công nghiệp gia công, chế biến chế tạo, công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến sâu nông sản; thu hút đầu tư xây dựng các khu logistics, cảng cạn, hạ tầng thương mại phục vụ kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển các khu dịch vụ du lịch, du lịch văn hóa - tâm linh và vui chơi giải trí. Trục kinh tế động lực dọc sông Hồng có vai trò liên kết không gian phát triển hai cực phát triển, ba vùng kinh tế của tỉnh, kết nối liên tỉnh và kết nối cả nước với vùng Tây Nam - Trung Quốc trên ba nền tảng kết nối là hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa lịch sử và doanh nghiệp.

DJI_0283-Pano.jpg
Hình thành trục kinh tế dọc sông Hồng.

Hai cực phát triển: Cực phía Bắc gồm thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và một phần huyện Bảo Thắng: Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, là khu vực kết nối trực tiếp với vùng Tây Nam Trung Quốc. Cực phía Nam gồm huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn: Phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, nông - lâm nghiệp, là khu vực kết nối tỉnh với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ với khu vực ASEAN.

 
cửa khẩu.JPG
Phát triển kinh tế cửa khẩu để thúc đẩy hoạt động giao thương.

Ba vùng kinh tế: Vùng thấp gồm các huyện Văn Bàn, Bảo Yên; vùng cao gồm các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương và thị xã Sa Pa, phần phía Tây huyện Bát Xát; vùng trung tâm gồm thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, phần hạ huyện Bát Xát theo dọc sông Hồng.

Bốn trụ cột phát triển kinh tế: Phát triển kinh tế cửa khẩu, dịch vụ; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển du lịch; phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp và thủy sản.

Tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực, nguồn lao động; hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông và hạ tầng số; phát triển nông nghiệp, nông thôn và sắp xếp, ổn định dân cư; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa con người Lào Cai.

image.png
Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu khoáng sản.

Để hiện thực hóa các ưu tiên phát triển, Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng của tỉnh và phương hướng tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội; Phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng; Phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai; Phương án phát triển vùng liên huyện, vùng huyện; Phương án bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, các nhóm giải pháp sẽ được triển khai, gồm huy động, sử dụng nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị, nông thôn.

Để thực hiện tốt nội dung quy hoạch, đưa tầm nhìn quy hoạch và khát vọng phát triển Lào Cai thành hiện thực, cũng như quyết tâm đưa nhanh các nội dung quy hoạch vào thực tiễn, UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào chiều 12/4/2023. Báo Lào Cai sẽ thông tin chi tiết về hội nghị quan trọng này.

https://baolaocai.vn/quy-hoach-tinh-lao-cai-mo-rong-khong-gian-phat-trien-phan-dau-tro-thanh-cuc-tang-truong-trung-tam-ket-noi-giao-thuong-post367145.html

Theo Thanh Nam - Khánh Ly/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai tiếp tục nhân rộng mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”

Năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa nhằm khuyến khích, vận động người dân không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, khuyến khích thay thế túi nilon bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024

Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường hằng năm (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5) do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 1998 và được các Ban ngành Trung ương, địa phương và Nhân dân cả nước tích cực hưởng ứng giúp đạt được những kết quả đáng khích lệ về cấp nước và vệ sinh góp phần làm...

Lào Cai: Quyết liệt hoá giải các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông

Với mục tiêu kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai và các ngành chức năng đã và đang tham mưu UBND tỉnh các giải pháp quyết liệt xử lý các nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Lào Cai: Giá trị xuất nhập khẩu tháng 4 tăng mạnh so với cùng kỳ

Theo thống kê, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong tháng 4 vẫn đang trên đà tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2023.

Chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký Công điện số 03/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Phát huy vai trò thanh niên trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Lực lượng thanh niên Lào Cai hiện có trên 150.300 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, lực lượng đoàn viên thanh niên Lào Cai đã tích cực tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông (ATGT) với tinh thần xung kích tình nguyện, chung tay cùng các lực lượng chức năng bảo đảm ATGT cho Nhân dân.