Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở
Trong thời gian qua, nhiều chủ trương, nghị quyết, quy chế, quy định được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành với tinh thần đổi mới, sáng tạo, triển khai đồng bộ và thành công ở cơ sở, tạo sức lan tỏa rộng lớn.Hướng về cơ sở luôn là chủ đề trọng tâm với những nội dung cụ thể được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thường xuyên đề ra. |
Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là một trong những yếu tố nền tảng, then chốt để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng là điều kiện bảo đảm cho sự vững mạnh của toàn Đảng, cơ sở vững chắc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cách mạng.
Tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất chủ đề phát triển năm 2023 là "Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hành động - phát triển". |
Suốt quá trình thành lập, xây dựng và phát triển trong 76 năm qua, kể từ ngày thành lập (5/3/1947), Đảng bộ tỉnh Lào Cai luôn phát huy truyền thống đoàn kết, sớm quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên. Bằng truyền thống đoàn kết, thống nhất, quyết tâm chính trị cao, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều chủ trương, đường lối quan trọng với những bước đi phù hợp, sáng tạo, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Nhờ đó, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Lào Cai từ 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước đã vươn lên trở thành điểm sáng trong khu vực của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Hội thảo về xây dựng Đảng được tổ chức tại huyện Mường Khương trong năm 2022. |
Đến hết năm 2022, Đảng bộ tỉnh Lào Cai có 14 đảng bộ trực thuộc (trong đó có 1 đảng bộ cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở); 537 tổ chức cơ sở đảng (286 đảng bộ và 251 chi bộ cơ sở); 12 đảng bộ bộ phận; 3.041 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở (100% thôn, bản có chi bộ độc lập, hơn 85% có chi ủy); toàn tỉnh có 53.767 đảng viên, chiếm gần 7% dân số toàn tỉnh, trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm gần 42%. Cùng với nhiệm vụ phát triển đảng viên, công tác xây dựng Đảng, nhất là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được Tỉnh ủy quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo; nhiều chủ trương, nghị quyết, quy chế, quy định được ban hành với tinh thần đổi mới, sáng tạo và triển khai bằng nhiều giải pháp mang tính đột phá, cách làm hay, tạo dấu ấn rõ nét.
Đường lối đổi mới của Đảng luôn có điểm xuất phát là từ tổng kết thực tiễn. |
Đó là việc chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt là chủ trương thực hiện công tác tuyên vận ở cơ sở. Đây là nội dung đổi mới rõ nét của Lào Cai, được triển khai thành công ở cơ sở và tạo sức lan tỏa lớn. Công tác tổ chức, cán bộ ở tổ chức cơ sở đảng, công tác xây dựng tổ chức đảng ở thôn, bản, tổ dân phố có nhiều chuyển biến tích cực, khắc phục tình trạng nhiều thôn, bản phải sinh hoạt ghép. Cùng với đó, việc đổi mới tác phong làm việc, áp dụng phương pháp công tác khoa học, hiệu quả ở cơ sở được chú trọng.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang chủ trì một buổi làm việc về tình hình xây dựng Đảng tại khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn thành phố Lào Cai. |
Trong công tác xây dựng đảng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tiếp tục được thực hiện theo hướng đổi mới từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, ngay từ cơ sở nhằm kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh; tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên. Tăng cường lãnh đạo của Đảng trong đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong xem xét, xử lý các vụ án, vụ việc.
Đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện với đồng bào các dân tộc xã vùng cao, biên giới huyện Mường Khương. (Ảnh: Hoàng Quyền, Văn phòng Tỉnh ủy) |
Để có được kết quả đó là một quá trình liên tục tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Qua tổng kết thực tiễn đã xác định một số bài học kinh nghiệm đó là: Việc ban hành nghị quyết lãnh đạo phải có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Khi tổ chức triển khai cần thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, quy chế làm việc của cấp ủy, luôn quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng, sáng tạo các nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở cơ sở. Đứng trước những vấn đề khó, hệ trọng, những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần phát huy trí tuệ tập thể, thảo luận dân chủ, công khai và quyết định theo đa số.
Chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của các cấp ủy đảng, đặc biệt là vai trò người đứng đầu. Song hành với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chặt chẽ công tác phối hợp giữa các lực lượng trong xử lý những vấn đề quan trọng, tình huống phức tạp.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm hỏi, động viên gia đình chính sách. (Ảnh: Kiều Thu) |
Kinh nghiệm của Đảng bộ tỉnh Lào Cai trong đổi mới phương thức lãnh đạo còn là lấy mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, ổn định xã hội làm thước đo hiệu quả công tác lãnh đạo; thường xuyên nêu cao vai trò trách nhiệm, tính tiền phong, tinh thần nêu gương của cấp ủy viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy; giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội.
Cùng với đó là chú trọng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quan tâm phát triển đảng viên, củng cố tổ chức cơ sở đảng, thực hiện tốt công tác cán bộ. Kiên quyết đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 28 ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, Đảng bộ tỉnh Lào Cai xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, ban hành chương trình hành động, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 28, nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; nêu cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28.
"Gần dân, sát cơ sở" là một trong những giải pháp hiệu quả về củng cố các vấn đề lý luận trong xây dựng Đảng. (Ảnh: Hoàng Quyền, Văn phòng Tỉnh ủy) |
Thứ hai, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả cao đường lối, chủ trương của Đảng. Phương châm là: Chỉ ban hành văn bản mới khi thật sự cần thiết hoặc có chỉ đạo của cấp trên; xây dựng, thực hiện nghiêm quy chế làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn được giao.
Thứ ba, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang nắm tình hình đời sống người lao động sau dịch Covid-19 tại thành phố Lào Cai. (Ảnh: Kiều Thu) |
Thứ tư, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh phát triển tổ chức cơ sở đảng, nhất là khu vực ngoài Nhà nước và khu vực nông thôn, khu dân cư; sắp xếp hợp lý tổ chức cơ sở đảng đồng bộ với sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đánh giá thực hiện chính sách cán bộ và công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, nhất là đổi mới về phương pháp, quy trình, việc triển khai bảo đảm khách quan, khoa học, đồng bộ, thận trọng, chặt chẽ.
Nắm chắc tình hình tại cơ sở cũng là yêu cầu quan trọng về đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc.
Thứ sáu, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận số 21 ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gắn với việc thực hiện vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII và các quy định, hướng dẫn của Tỉnh ủy về việc học tập, làm theo và nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân.
Thứ bảy, tập trung đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính. Phương châm đổi mới là bảo đảm tính khoa học, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng là thông suốt, kịp thời.
Hoàng Giang
Phó Bí thư Tỉnh ủy
https://baolaocai.vn/bai-viet/365165-tap-trung-doi-moi-manh-me-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-o-co-so