Phụ nữ Tày Văn Bàn giữ nghề truyền thống
Trước nguy cơ mai một nghề truyền thống, phụ nữ dân tộc Tày ở Văn Bàn nối nghề cha ông, cùng nhau gìn giữ bản sắc văn hóa, khôi phục và phát triển nghề dệt vải bông, thêu hoa văn trang trí trên vải để làm gối, đệm ngồi, chăn đệm bông lau, bện dây bao dao… của dân tộc mình.
Các sản phẩm gối, chăn, đệm ngồi được phụ nữ Tày chuẩn bị trước khi về nhà chồng
Trong nếp sống văn hóa của đồng bào Tày ở Văn Bàn, phụ nữ trong gia đình luôn chăm chỉ trồng bông, thu hái, tách hạt, bật bông cho tơi rồi vê bông thành lọn tròn để kéo sợi để dệt vải. Phụ nữ Tày còn khéo léo dùng sợi chỉ màu để tạo nên những hoa văn độc đáo trên chất liệu vải bông mà họ dệt thủ công. Trong sản phẩm gối, đệm của đồng bào Tày, có thể nhận ra hình ảnh cách điệu, mô phỏng con nhện, cây cỏ bợ, lá cọ và hoa lá trong vườn nhà… rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Không chỉ thể hiện sự khéo tay của phụ nữ Tày, mà còn là “trọng trách” bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc mình.
Dây bao dao được tết bằng chỉ nhiều màu sắc rất độc đáo
Ngày nay, người Tày ở Văn Bàn vẫn còn gìn giữ được phong tục đẹp, khi về nhà chồng, người con gái Tày sẽ làm chăn, đệm, gối, đệm ngồi để tặng ông bà, bố mẹ và các anh chị em bên gia đình nhà chồng, đủ mỗi người một bộ. Nét đẹp văn hóa ấy thể hiện lòng tôn kính hiếu thuận của con gái khi về nhà chồng, cũng là thể hiện với gia đình mới rằng mình cũng khéo tay, đảm đang… Thế nên, nghề dệt thêu và làm chăn, gối, đệm thổ cẩm vẫn được đồng bào Tày nhất là phụ nữ ở đây miệt mài bảo tồn, gìn giữ như một phần cuộc sống của mình vậy.
Khéo léo thêu hoa văn trang trí trên gối và đệm ngồi
Cùng với giai điệu khắp Nôm, những sản phẩm dệt thủ công truyền thống của người Tày chính là “nhận diện” về miền di sản của người Tày ở vùng đất Văn Bàn.
Phụ nữ Tày ở Văn Bàn vẫn duy trì cách dệt vải bông truyền thống để làm các sản phẩm thủ công phục vụ trong gia đình
Phụ nữ Tày ở xã Làng Giàng - Văn Bàn tích cực cùng nhau giữ nghề truyền thống
Tết dây thổ cẩm bằng tay