Lào Cai bảo tồn, phục dựng các lễ hội trở thành sản phẩm du lịch
Lào Cai là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa. Bên cạnh các di tích, tỉnh Lào Cai có hơn 300 lễ hội gắn với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo được tổ chức hàng năm trên địa bàn tỉnh.Với nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số gắn với các tập tục, sinh hoạt văn hóa dân gian, phương thức canh tác nông nghiệp đặc thù... đã sản sinh ra nhiều loại hình văn hóa dân gian phong phú về thể loại, độc đáo về giá trị và đậm đà sắc thái. Điển hình như: Lễ hội Xuống đồng của đồng bào dân tộc Giáy, Tày, Nùng; Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông; Lễ hội Pút Tồng (tết nhảy) dân tộc Dao; Hội Hát giao duyên dân tộc Dao, hội Xòe dân tộc Tày; Lễ hội Nhảy lửa của người Dao; Lễ hội Khô già già (cầu mùa) và cúng rừng Gạ Ma Do của người Hà Nhì; Lễ cúng rừng Khoi Kìm của người Dao Đỏ... Những di sản văn hóa phi vật thể quý giá này không chỉ là niềm tự hào của Lào Cai, mà còn có giá trị khai thác để phát triển du lịch.
Lễ hội Gioóng poọc Tả Van - Sa Pa.
Với quan điểm lễ hội phải mang lại lợi ích cho cộng đồng, phải gắn với du lịch thì mới sống trong lòng xã hội đương đại, thu hút được khách du lịch và là cơ hội giúp người dân cải thiện cuộc sống, Lào Cai đã phục dựng một số lễ hội truyền thống thành biểu tượng văn hóa để từ đó quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch tỉnh. Trên cơ sở thống kê phân loại các di sản, ngành Văn hóa và Thể thao Lào Cai đã cùng với người dân ở các làng, bản tiến hành bảo tồn, phục dựng các di sản văn hóa tiêu biểu. Khôi phục được toàn bộ hệ thống lễ hội ở các dân tộc ít người với gần 50 nghi lễ, lễ hội các dân tộc được sưu tầm, phục dựng, bảo tồn; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tất cả nhóm, ngành dân tộc ở 500 làng, bản; 39 di sản được xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nhiều lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn đón nhiều du khách nước ngoài đến tham quan như: lễ hội Đền Thượng ở thành phố Lào Cai; lễ hội đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên); lễ hội "Gầu tào" ở xã Pha Long (Mường Khương); lễ hội "Roóng poọc" của người Giáy ở xã Tả Van (Sa Pa); Lễ hội Khu Già Già (Bát Xát)…đặc biệt Lào Cai có 02 di sản văn hóa được Unesco ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là “Nghi lễ và trò chơi kéo co Tày - Giáy” trong bộ hồ sơ liên quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co” của 4 nước Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines, Campuchia và “Thực hành nghi lễ then người Tày” trong bộ hồ sơ “Thực hành nghi lễ then Tày – Nùng – Thái”. Đây là nguồn lực quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Lào Cai.
Vòng xòe đoàn kết tại Lễ hội Đền thượng Xuân Quý Mão 2023.
Song song với việc phục dựng các lễ hội truyền thống, Lào Cai triển khai dự án nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hoá nghệ thuật. sưu tầm, khôi phục, bảo tồn được hơn 2.000 bài dân ca, phong tục, tập quán, 40 bản nhạc khí, gần 200 mẫu hoa văn, chụp hàng nghìn bức ảnh về lễ hội, phong tục, tập quán các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Hà Nhì. Các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống cũng được khai thác để phục vụ khách du lịch tại các cộng đồng thông qua chuỗi các lễ hội đầu xuân mới, các chương trình biểu diễn giao lưu văn nghệ với khách du lịch... Biến hoạt động văn hóa trở thành sản phẩm du lịch không chỉ để giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần giúp ngưởi dân có cuộc sống ổn định và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương theo hướng bền vững.
Công tác trùng tu tôn tạo bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể được tăng cường, quan tâm. Tỉnh đã thực hiện trùng tu, tôn tạo nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa như: Đền Trung Đô xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà), Dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà), Đền Mẫu Sơn (huyện Sa Pa), Đền Chiềng Ken (huyện Văn Bàn), di tích chiến thắng Đồn Phố Lu (huyện Bảo Thắng); tu bổ di tích đền Thượng, đền Mẫu (Lào Cai), đền Mẫu Trịnh Tường (huyện Bát Xát), Đền Bảo Hà, đền Nghĩa Đô, đền Long Khánh (huyện Bảo Yên), đền Mẫu Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai). Công tác trùng tu, tôn tạo đảm bảo yêu cầu về cảnh quan, sinh thái. Công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích sau khi trùng tu, tôn tạo được quan tâm thực hiện triển khai phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó góp phần vào quá trình thu hút du khách đến với các di tích, nhiều di tích lịch sử văn hóa đã trở thành các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh đặc sắc của tỉnh.
Từ định hướng bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, Lào Cai đã triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn, phục dựng các lễ hội và đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ tính sáng tạo, khoa học trong triển khai nhiệm vụ. Biến hoạt động văn hóa trở thành sản phẩm du lịch không chỉ để giữ gìn bản sắc dân tộc, mà còn góp phần hiệu quả trong việc khai thác phát triển sản phẩm du lịch địa phương./.