Khởi sắc nông thôn vùng cao

Nhiều năm trước, xã Cốc Ly (Bắc Hà) gặp vô vàn khó khăn, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, kinh tế chậm phát triển, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự đổi thay.

Có được kết quả đó là do Đảng bộ và chính quyền xã đã xác định hướng đi đúng, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước ưu tiên xây dựng hạ tầng thiết yếu như điện - đường - trường - trạm, thủy lợi… với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Ông Bàn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Cốc Ly cho biết: Xã đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và tạo thuận lợi nhất cho người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, xã Cốc Ly có 1.200 ha quế, duy trì gần 560 ha ngô 2 vụ và 284 ha lúa 2 vụ, gần 170 lồng cá nuôi trên lòng hồ thủy điện Bắc Hà. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn gần 30%, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; gần 60% đường trục thôn, ngõ xóm được bê tông.

Đón Tết trong căn nhà mới khang trang, anh Sùng Seo Xà, thôn Làng Sa 2 bộc bạch: Trước kia gia đình tôi rất khó khăn, nhiều năm liền nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Từ khi được chính quyền tạo điều kiện vay vốn ngân hàng và khuyến khích phát triển kinh tế, tôi đã đầu tư mở rộng diện tích trồng ngô hàng hóa, xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn thịt, trâu sinh sản và trồng quế, tổng thu nhập hằng năm đạt 200 triệu đồng.

Đến xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa), chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Lý Láo Lở phấn khởi: Nổi bật nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo ở Tả Phìn là sự thống nhất, đoàn kết cao, phát huy sức mạnh tập thể, lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, trọng tâm là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tả Phìn đã hình thành rõ nét vùng kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao với vùng trồng hoa nổi tiếng của thị xã với địa lan, nhất chi mai, hồng...; vùng trồng dược liệu và nhiều mô hình du lịch cộng đồng.

Để “mục sở thị” sự đổi thay ở Tả Phìn, chúng tôi đến tìm hiểu mô hình trồng địa lan ở thôn Tả Chải và ngỡ ngàng bởi màu xanh của những vườn địa lan, cây cảnh bên những tuyến đường bê tông chạy dài tít tắp, những con ngõ dẫn vào nhà ở của người dân được vệ sinh sạch sẽ. Ông Lý Phù Chìu, Bí thư Chi bộ thôn Tả Chải cho biết: Thôn đã thành lập chi hội nghề nghiệp trồng hoa địa lan và xây dựng 2 vườn lan tập thể của chi bộ, chi hội cựu chiến binh. Từ những chính sách phát triển sản xuất cụ thể đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt hơn 40 triệu đồng/năm, thôn chỉ còn 2 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo.

Không chỉ tại Cốc Ly, Tả Phìn… mà hầu hết xã vùng cao của tỉnh đang từng ngày “thay da đổi thịt” khoác trên mình diện mạo nông thôn mới. Từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí, đưa chương trình này trở thành phong trào thi đua sôi nổi và rộng khắp.

Nhiều cây trồng mới được đưa vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 62/127 xã duy trì và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 4 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao (tăng 2 xã so với năm 2021); thành phố Lào Cai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Bảo Thắng đạt chuẩn huyện nông thôn mới; bình quân đạt 15,73 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 237 thôn kiểu mẫu, 177 thôn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 31 triệu đồng/năm. Năm 2022, toàn tỉnh giảm 5,82% hộ nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 7%...

Một mùa xuân nữa lại về, không khí ngày tết cổ truyền của dân tộc đang tràn ngập khắp các thôn, bản. Đây không chỉ là mùa xuân của đất trời, mà còn là mùa xuân của lòng người, của sự đoàn kết, vượt qua khó khăn, đói nghèo để chuyển mình vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn.

https://baolaocai.vn/bai-viet/364217-khoi-sac-nong-thon-vung-cao

theo LCĐT

Tin Liên Quan

Giúp nông dân thuận lợi tiếp cận vốn vay

Nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững.

Lào Cai quan tâm phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp

Lào Cai là tỉnh có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp nhưng đang đứng trước nhiều khó khăn về tiêu thụ hàng hoá nông sản làm cho giá nông sản không ổn định, có xu hướng giảm và ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Đặc biệt, đối với các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn...

Tập trung khôi phục sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa

Chiều 24/10, Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 9 tháng năm 2024, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt tối thiểu 97,3%

Chiều 23/10, UBND tỉnh tổ chức họp đánh giá tiến độ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024, 2025 và duy trì đơn vị cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản bị thiệt hại sau bão, lũ.

Bảo Thắng tự tin với mục tiêu huyện nông thôn mới nâng cao

Để được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao thì tiêu chí hàng đầu là có ít nhất 50% số xã đạt nông thôn mới nâng cao. Đến nay, huyện Bảo Thắng có 3/11 xã là Sơn Hà, Sơn Hải và Xuân Quang đang duy trì tốt các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 3 xã khác là Phú Nhuận, Xuân Giao và Phong Niên cũng đã đạt...