Si Ma Cai: Nhận diện khó khăn thách thức trong xây dựng nông thôn mới
Với chủ trương xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, hiệu quả, huyện Si Ma Cai đã rà soát việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm đánh giá thực chất hiện trạng, từ đó đề ra giải pháp trong thời gian tới.Theo chuẩn mới, nhiều xã về đích bị “tụt hạng”
Chuẩn nghèo đa chiều mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành đã khiến một số xã về đích nông thôn mới từ những năm trước ở Si Ma Cai bị “tụt hạng”, nguy cơ không đạt chuẩn mới khiến cho lộ trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương này đã khó càng thêm gian nan.
Năm 2017, xã Sín Chéng đạt 19/19 tiêu chí, được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, nhiều tiêu chí của xã Sín Chéng đã đạt trước đó bị “tụt hạng. Theo quy định mới, xã có 7/19 tiêu chí không đạt. Nhiều tiêu chí quan trọng liên quan đến người dân như thu nhập, hộ nghèo, phát triển kinh tế nông thôn đạt rất thấp. Đây là thách thức rất lớn đối với địa phương có tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao 55,58% (năm 2022). Đòi hỏi địa phương phải có những giải pháp đồng bộ và quyết tâm chính trị rất lớn để triển khai trong thời gian tới.
Hiện nay, qua rà soát, đánh giá của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Si Ma Cai, các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện đều rớt chuẩn. Cụ thể, xã Bản Mế hiện có 8 tiêu chí không đạt; xã Cán Cấu 8 tiêu chí và xã Nàn Sán có 6 tiêu chí không đạt. Tính trung bình, toàn huyện hiện chỉ duy trì 100 tiêu chí (giảm 46 tiêu chí so với năm 2021) và đạt bình quân 11,11 tiêu chí/xã.
Theo cơ quan chuyên môn đánh giá, nguyên nhân chính là do thay đổi tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Ngày 29/4/2022, UBND tỉnh Lào Cai có Quyết định số 894 ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022 - 2025. Bộ tiêu chí có 19 tiêu chí lớn và 58 tiêu chí thành phần. So với giai đoạn trước (2016 - 2021), bộ tiêu chí mới có một số chỉ tiêu, tiêu chí đòi hỏi sự phấn đấu rất cao, như: thu nhập bình quân của người dân qua các năm đạt từ 39 đến 48 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 85%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%.
Như vậy, không chỉ các xã không đạt chuẩn, mà các “thôn kiểu mẫu” và “thôn nông thôn mới” trên địa bàn huyện cũng không đáp ứng được. Nhiều tiêu chí trước kia tỷ lệ đạt cao, nhưng nay đã tụt hạng hoàn toàn. Điển hình như tiêu chí hộ nghèo, theo chuẩn nghèo mới. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Si Ma Cai tăng từ 13,9% (năm 2020) lên 55,58% (năm 2022). Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện hiện chỉ đạt 24,08 triệu đồng/năm và cũng không có xã nào đạt tiêu chí này. Đối với tiêu chí thông tin và truyền thông, 9/9 xã chưa có cổng/trang thông tin điện tử có chức năng cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành; 100% xã có tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến đạt dưới 30%.
Ngoài ra, một số tiêu chí của các xã đạt chuẩn rất thấp, như môi trường và an toàn thực phẩm (1/9 xã đạt). Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (3/9 xã đạt). Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch (1 xã đạt).
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan từ những thay đổi về chính sách, quy định còn có những nguyên nhân cần nhìn nhận đúng để triển khai bài bản, chắc chắn và bền vững hơn. Đối với các xã đã “về đích” nông thôn mới, nhiều tiêu chí chỉ đạt ở mức tối thiểu, thiếu bền vững nên khi thay đổi không thể duy trì đạt chuẩn. Đây là thực tế mà cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới. Công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn huyện cần có giải pháp đột phá, hiệu quả.
Nỗ lực vì mục tiêu “về đích” đúng hẹn
Huyện Si Ma Cai phấn đấu đến hết năm 2025 có 6/9 xã duy trì và đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”; bình quân đạt 18 tiêu chí/xã.
Để đạt mục tiêu này, nhiệm vụ quan trọng là thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ huyện đến xã; kiện toàn văn phòng, cán bộ phụ trách nông thôn mới cấp xã. Huyện sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá từng thành phần trong 1 bộ tiêu chí, từ đó xây dựng kế hoạch và xác định nhu cầu đầu tư; giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng ngành, từng xã; tăng cường kiểm tra, giám sát; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Kết quả triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và phân xếp loại tổ chức, cá nhân, đánh giá năng lực của cán bộ, công chức hằng năm, nhất là vai trò của người đứng đầu./.