Vận dụng mô hình tuyên vận phục vụ xây dựng nông thôn mới
Công tác tuyên vận là nhiệm vụ quan trọng góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương đến với các tầng lớp Nhân dân. Lào Cai đã triển khai mô hình tuyên vận tại 152 xã, phường, thị trấn và vận dụng hiệu quả mô hình này để phục vụ xây dựng nông thôn mới tại cơ sở.Phát huy hiệu quả mô hình tuyên vận phục vụ nhiệm vụ chính trị và phát triển KT-XH tại cơ sở.
Năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án thí điểm mô hình “Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố” với chủ trương thí điểm tại 35 xã thuộc các huyện và 1 phường của thành phố Lào Cai. Năm 2013, Tỉnh uỷ Lào Cai tiếp tục chọn 40 xã thuộc diện khó khăn nhất (vùng cao, kinh tế - xã hội chậm phát triển, địa bàn phức tạp về an ninh trật tự,...) để áp dụng triển khai. Năm 2014, trên cơ sở các xã tự nguyện, các huyện và thành phố đăng ký, toàn tỉnh có thêm 85 xã, phường, thị trấn thực hiện. Năm 2015 thêm 2 thị trấn. Năm 2016, thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) là đơn vị cuối cùng của tỉnh thực hiện mô hình tuyên vận.
Sau 5 năm thí điểm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TU ngày 26/10/2016 quy định tạm thời về công tác tuyên vận. Sau 5 năm thực hiện và tổng kết Quy định 11-QĐ/TU, ngày 24/11/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 60-QĐ/TU về công tác tuyên vận. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu việc kết thúc giai đoạn thực hiện thí điểm, chuyển công tác tuyên vận trên địa bàn tỉnh trở thành nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài thống nhất trong toàn tỉnh.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 152 ban tuyên vận xã, phường, thị trấn với gần 1.600 cán bộ tuyên vận, hơn 1.500 tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố với khoảng 5.000 tuyên vận viên.
Năm 2021, đảng ủy các xã, phường, thị trấn đã tổ chức hơn 1.700 hội nghị tuyên vận với hơn 56 nghìn lượt người tham gia. Năm 2022, tổ chức hơn 800 hội nghị tuyên vận. Nội dung hội nghị tập trung tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 18 đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI và các đề án, nghị quyết, kế hoạch chuyên đề của Ban chấp hành Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị và đặc biệt là tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nhân dân tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, chuẩn bị cho việc mở đường giao thông nông thôn.
Thông qua công tác tuyên vận, từ năm 2016 đến năm 2020, toàn tỉnh đã huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân ủng hộ 636 tỷ đồng; 75 xã đã đạt tiêu chí giao thông, với 2.259 km đường giao thông nông thôn được đầu tư kiên cố; 100% xã và 98% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 80% đường tới các thôn được cứng hóa; 100% các xã có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; 97% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 95% hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Diện mạo khu vực nông thôn có nhiều đổi thay tích cực. Nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao như thủy lợi; trường học; cơ sở vật chất văn hóa; hạ tầng thương mại nông thôn; nhà ở dân cư; quốc phòng và an ninh... Một số địa phương, nhờ công tác tuyên vận mà người dân đồng thuận, tích cực lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.