Cần tạo động lực cho “vùng kinh tế đặc thù” bằng “cơ chế, chính sách đặc thù” (*)
Trong chương trình hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xúc tiến đầu tư vào vùng “Tiềm năng - cơ hội - hợp tác phát triển” diễn ra sáng 27/8 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Lào Cai, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có bài phát biểu tham luận với chủ đề “Một số giải pháp tạo động lực phát triển vùng, nhiệm vụ của tỉnh Lào Cai triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị”. Báo Lào Cai lược ghi bài phát biểu tham luận này.Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong phát biểu tham luận tại hội nghị. |
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh. Nhưng đây vẫn là "vùng trũng", "lõi nghèo" của cả nước mà một trong những nguyên nhân được thẳng thắn nhìn nhận là "chưa tận dụng, khai thác được tối đa nguồn lực cho phát triển". Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp mạnh mẽ, đột phá vừa "tạo thêm", vừa "tạo mới" động lực để "phẳng hóa vùng trũng", góp phần vào sự phát triển chung của cả nước là rất cần thiết. Tỉnh Lào Cai xin đề xuất một số giải pháp:
Một là, đổi mới tư duy về liên kết vùng. Trong bối cảnh mới, cần xác định "tư duy liên kết" không thể tách rời "tư duy phát triển"; liên kết là phát triển và muốn phát triển phải liên kết:
- Mỗi địa phương là một mắt xích tuy yếu nhưng rất quan trọng, khi liên kết lại sẽ trở thành một sợi dây xích khỏe, đủ sức vận hành cả cỗ máy.
- Liên kết tạo ra lợi thế so sánh của vùng, tạo ra lực hút đầu tư; dịch chuyển sản xuất; điều tiết lao động về các địa phương trong vùng.
- Liên kết sẽ tạo hiệu quả dẫn dắt tối ưu của đầu tư công, nhất là trong đầu tư hạ tầng giao thông và hạ tầng số.
Quang cảnh hội nghị. |
Hai là, cần xác định, nhận thức rõ bản chất, nội hàm của liên kết để xác định thứ tự, cụ thể hóa những nội dung ưu tiên thực hiện, trước hết:
- Cần sớm hoàn thành quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính liên kết đồng bộ, tổng thể với các quy hoạch tỉnh.
- Sớm ban hành quy chế của hội đồng điều phối vùng, trong đó nghiên cứu cơ chế phân cấp đủ mạnh cho hội đồng thực hiện nhiệm vụ phê duyệt các định hướng, chương trình phát triển kinh tế của vùng.
- Lựa chọn liên kết hạ tầng là trọng tâm, với hạ tầng giao thông làm khâu đột phá: Nghiên cứu thay đổi cách thức định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông theo hướng mở, linh động hơn để các địa phương chủ động cân đối, kêu gọi nguồn lực với mục tiêu cuối cùng là tăng khả năng liên kết; giảm sâu thời gian, chi phí lưu thông hàng hóa.
- Bảo đảm tính toàn diện trong liên kết theo hướng "ưu tiên liên kết thế mạnh"; "tập trung liên kết bổ trợ" và "chú trọng liên kết yếu điểm".
Đối với liên kết thế mạnh: Mô hình này dựa trên sự tăng cường, cộng gộp thế mạnh của từng địa phương trong cùng một lĩnh vực (như du lịch sinh thái, du lịch khám phá bản sắc văn hóa; phát triển lâm nghiệp bền vững...), qua đó hình thành các điểm nhấn riêng có của vùng; tạo ra giá trị ngày càng tăng của ngành, lĩnh vực được liên kết.
Đối với liên kết bổ trợ: Đây là mô hình phù hợp với đặc điểm của vùng. Cơ chế này lấy điểm mạnh, thuận lợi của địa phương này bổ sung, hỗ trợ điểm yếu, hạn chế tương ứng của địa phương khác, tạo nên sự phát triển đồng bộ, bền vững cho cả vùng.
Đối với liên kết điểm yếu để cùng nhau khắc phục khó khăn về địa hình chia cắt, dân cư phân tán, chất lượng nguồn nhân lực thấp... góp phần hạn chế việc đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, dàn trải, gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực.
- Mở rộng đối tượng liên kết: Không chỉ dừng lại giữa các tỉnh trong vùng mà còn phải liên kết giữa vùng với các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư chiến lược, các chuyên gia, nhà khoa học để tăng cường sự đóng góp trí tuệ, nguồn lực khoa học, công nghệ, tài chính cho vùng phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn.
Chính sự liên kết toàn diện nêu trên sẽ "biến thách thức thành cơ hội, tiềm năng thành tiềm lực, tiềm lực thành nguồn lực" cho vùng phát triển kịp với vùng kinh tế động lực khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường trao Giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp và các đối tác với Lào Cai. |
Ba là, cần tạo động lực cho "vùng kinh tế đặc thù" bằng "cơ chế, chính sách đặc thù" theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là "Những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn đề xuất làm thí điểm", trong đó:
- Có chính sách đặc biệt nhằm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tại khu vực biên giới, gắn với khôi phục, bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên rừng và nguồn sinh thủy cho cả vùng Bắc Bộ.
- Có cơ chế về phân bổ, phân chia ngân sách theo hướng tăng tỷ lệ để lại cho địa phương các nguồn thu, nguồn vượt thu phát sinh trên địa bàn.
- Có cơ chế chia sẻ, khai thác hiệu quả, bền vững theo hướng đa mục tiêu (phát triển công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp...) kết hợp bảo đảm an ninh nguồn nước trên các sông, suối biên giới.
- Cơ chế đặc thù về nguồn lực, thu hút đầu tư cho các địa phương có khu du lịch, khu kinh tế đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Luật hóa quy định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để không chỉ bảo vệ mà còn khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy đổi mới.
Bốn là, đi đôi với tạo mới nguồn lực, cần phát huy, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực hiện có, trọng tâm là sớm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của vùng gắn với chuyển đổi số được Hội đồng điều phối vùng chuẩn hóa và thống nhất quản lý. Triển khai hệ thống này sẽ quản lý hiệu quả các thông tin kinh tế - xã hội, trong đó có các số liệu về chuỗi sản xuất, cung ứng; chấm dứt được tình trạng cục bộ, cát cứ địa phương gây mất cân bằng cung - cầu, lãng phí các nguồn lực hiện có.
Nghị quyết 11-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 96/NQ-CP đã xác định nhiệm vụ xây dựng các đề án phát triển một số cực tăng trưởng, trong đó xây dựng Lào Cai là "Cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc". Trên cơ sở đánh giá toàn diện các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh Lào Cai xác định những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện nghị quyết, đó là:
Thứ nhất, ưu tiên, chú trọng nâng cao đời sống, thu nhập Nhân dân khu vực đồng bào thiểu số gắn với sắp xếp, ổn định, giải quyết việc làm tại chỗ cho dân cư biên giới; tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp để bảo vệ rừng, nước đầu nguồn; thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động giao thương kinh tế qua biên giới; xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một trong những trung tâm logistics quan trọng của cả nước; có năng lực tập trung, điều phối thông suốt hàng hóa giữa các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc, trong đó "cao tốc Hà Nội - Lào Cai là trục kết nối; Cảng Hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển; tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là động lực tăng trưởng"; tăng cường và nâng cao quan hệ đối ngoại, từng bước xây dựng Lào Cai thành đầu mối kết nối tin cậy trên tuyến hành lang kinh tế.
Thứ ba, tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, với đầy đủ các loại hình giao thông kết nối ngang, kết nối dọc liên tỉnh, liên vùng và với quốc tế.
Thứ tư, xây dựng Lào Cai thành hạt nhân du lịch của vùng và cả nước; trọng tâm là Khu Du lịch quốc gia Sa Pa; bảo đảm là cầu nối quan trọng; liên kết, điều tiết khách quốc tế đến vùng và cả nước.
Thứ năm, phát triển chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, duy trì vai trò cung cấp ổn định nguyên liệu cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước, nhất là các sản phẩm công nghiệp mới, có giá trị gia tăng lớn.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 96 của Chính phủ, tỉnh Lào Cai đề xuất với Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sớm triển khai xây dựng đề án phát triển một số cực tăng trưởng, trung tâm kết nối vùng theo tinh thần Nghị quyết 11; xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, riêng biệt để tạo nguồn lực thúc đẩy liên kết - phát triển vùng và tạo sự bứt phá cho các địa phương như đã đề xuất trong phần đầu của tham luận.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm triển lãm ảnh bên lề hội nghị.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Trung ương; sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương trong vùng, tôi tin tưởng rằng Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 96 của Chính phủ sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ đó tinh thần “cả nước vì Trung du và miền núi Bắc Bộ; Trung du và miền núi Bắc Bộ vượt khó vươn lên cùng cả nước và vì cả nước” được lan tỏa mạnh mẽ; đem lại những thành quả to lớn cho vùng và cả nước.
(*) Đầu đề do Báo Lào Cai đặt.
https://baolaocai.vn/bai-viet/359900-can-tao-dong-luc-cho-vung-kinh-te-dac-thu-bang-co-che-chinh-sach-dac-thu