Nghị quyết 11 tạo thêm sức bật cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Như Báo Lào Cai đưa tin, sau phần khai mạc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn công bố Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 10/2//2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 11), hội nghị tiếp tục với các nội dung trọng tâm đã đề ra.Quang cảnh hội nghị. |
Mở đầu phần thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham luận về tư duy mới về phát triển nông nghiệp bền vững vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tiếp đó là tham luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể về vai trò của giao thông trong tạo động lực tăng trưởng mới cho phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đồng chí Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham luận về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tham luận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham luận tại hội nghị. |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tham luận tại hội nghị. |
Hội nghị đã nghe tham luận của đại diện lãnh đạo Bộ Công an; tham luận của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về một số khuyến nghị về chính sách giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao mức sống tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc; Ngân hàng Châu Á (ADB) có tham luận về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, cơ sở hạ tầng du lịch vùng Trung du, miền núi phía Bắc; Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tham luận về cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đồng hành với sự phát triển khu vực Trung du, miền núi phía Bắc; Cơ quan Hợp tác quốc tế của Hàn Quốc (KOTRA) tham luận về tiềm năng vùng Trung du, miền núi phía Bắc và cơ hội hợp tác đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc; Tập đoàn Erex (Nhật Bản) nhấn mạnh tới việc khai thác tiềm năng nguyên liệu vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ trong phát triển năng lượng bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong phát biểu tham luận tại hội nghị. |
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong có bài phát biểu tham luận với chủ đề "Một số giải pháp tạo động lực phát triển vùng, nhiệm vụ của tỉnh Lào Cai triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị". Trong đó nêu, Nghị quyết 11 của Trung ương và Nghị quyết số 96/NQ-CP đã xác định nhiệm vụ xây dựng các đề án phát triển một số cực tăng trưởng, trong đó xây dựng Lào Cai là "Cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc".
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường trao Giấy chứng nhận đầu tư doanh nghiệp, đối tác tại hội nghị. |
Trên cơ sở đánh giá toàn diện các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh Lào Cai xác định những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện nghị quyết, đó là: Ưu tiên, chú trọng nâng cao đời sống, thu nhập của người dân khu vực đồng bào thiểu số gắn với sắp xếp, ổn định, giải quyết việc làm tại chỗ cho dân cư biên giới; tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp để bảo vệ rừng, nước đầu nguồn; thúc đẩy hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững; đẩy mạnh hoạt động giao thương kinh tế qua biên giới; xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một trong những trung tâm logistics quan trọng của cả nước; có năng lực tập trung, điều phối thông suốt hàng hoá giữa các nước ASEAN với thị trường Tây Nam Trung Quốc, trong đó "cao tốc Hà Nội - Lào Cai là trục kết nối; Cảng Hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển; tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là động lực tăng trưởng"; tăng cường và nâng cao quan hệ đối ngoại, từng bước xây dựng Lào Cai thành đầu mối kết nối tin cậy trên tuyến hành lang kinh tế; tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, với đầy đủ các loại hình giao thông kết nối ngang, kết nối dọc liên tỉnh, liên vùng và với quốc tế; xây dựng Lào Cai thành hạt nhân du lịch của vùng và cả nước; trọng tâm là Khu Du lịch quốc gia Sa Pa; bảo đảm là cầu nối quan trọng; liên kết, điều tiết khách quốc tế đến vùng và cả nước; phát triển chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, duy trì vai trò cung cấp ổn định nguyên liệu cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước, nhất là các sản phẩm công nghiệp mới, có giá trị gia tăng lớn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ có điều kiện tự nhiên với nhiều ưu đãi, tiềm năng phát triển thuận lợi, đây cũng là khu vực giàu truyền thống lịch sử cách mạng, bản sắc văn hóa độc đáo.
Để tạo sức bật mới cho vùng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương cần xác định rõ các yếu tố nền tảng, mang tính động lực phát triển, trong đó vấn đề trọng tâm, quyết định là yếu tố nguồn lực con người với các cơ chế, chính sách phù hợp. Cơ chế, chính sách là nguồn lực tự thân, là nội lực, không thể đi vay mượn, không thể trông chờ ở các cấp khác làm thay mà cần sự chủ động của vùng, của địa phương.
Để phát triển, các tỉnh trong vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ cần tranh thủ, khai thác tốt môi trường chính trị thuận lợi, sự ủng hộ của Trung ương, các bộ, ngành để phát huy tiềm năng to lớn của vùng như tiềm năng về văn hóa, điều kiện tự nhiên, thắng cảnh. Nếu có chính sách, cơ chế hợp lý thì các địa phương sẽ biến tiềm năng thành động năng, tiềm lực, sức mạnh.
Ngoài các nội dung nêu tại Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động tại Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Về phân phối, sử dụng nguồn lực cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải; trước mắt là tập trung chống dịch, đầu tư cho hệ thống y tế, đây là trọng tâm, các địa phương không thể chủ quan, lơ là, không thể coi chống dịch là việc của Chính phủ.
Tập trung cho công tác quy hoạch, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch phải đi trước, có tầm nhìn chiến lược, phù hợp với lợi thế cạnh tranh từng vùng, từng tỉnh. Coi trọng đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tháo các điểm nghẽn của nền kinh tế, trong đó có việc tập trung xây dựng đường cao tốc, sân bay. Cùng với đó là tập trung cho giải ngân đầu tư công, huy động nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực tại chỗ, nguồn lực xã hội, nguồn lực phải bắt đầu từ thể chế, cơ chế, nguồn nhân lực, trong đó nền tảng là giáo dục, y tế.
Các địa phương quan tâm đến cải thiện môi trường, cam kết thực hiện trách nhiệm đối với nhà đầu tư, trong đó có việc đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; củng cố mối đoàn kết, trong Đảng, trong hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân.
Các địa phương trao Giấy chứng nhận đầu tư và trao đổi Biên bản ghi nhớ của các tỉnh và các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước. |
Tại hội nghị, các địa phương trao Giấy chứng nhận đầu tư và trao đổi Biên bản ghi nhớ của các tỉnh và các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước.
Có 13 tỉnh đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đầu tư và trao đổi Biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp, trong đó đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp Bát Xát với tổng vốn đầu tư hơn 435 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần CĐ Việt Nam; trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất chế biến quế hữu cơ Bảo Thắng Lào Cai, với tổng vốn đầu tư hơn 411 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam; trao đổi Biên bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư với Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)...
https://baolaocai.vn/bai-viet/359895-nghi-quyet-11-tao-them-suc-bat-cho-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac