Dấu ấn trong sự nghiệp “trồng người”

Rất khó để tìm kiếm được tài liệu nào có những ghi chép chi tiết và đầy đủ về giáo dục và đào tạo Lào Cai từ những buổi đầu thành lập tỉnh. 115 năm đã đi qua với bao thăng trầm lịch sử, sự kiện và đời người. Tài liệu không có nhiều và nhân chứng cũng ít dần. Tới nay, những người còn có thể cung cấp được những thông tin về giáo dục Lào Cai từ những ngày đầu thành lập tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhà giáo ưu tú Cao Văn Tư, người có gần 60 năm sống và làm việc tại Lào Cai, trong đó có 34 năm công tác trong ngành giáo dục, là một trong số không nhiều “cuốn từ điển sống” đã có những trải nghiệm, nghiên cứu và sở hữu nhiều tài liệu quý về sự phát triển của giáo dục Lào Cai.

 

Theo Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư, những năm đầu thành lập, trình độ dân trí Lào Cai rất thấp. Sau một số lớp học do người Pháp mở những năm 1920, Lào Cai có thêm vài lớp tiểu học ở thị xã Lào Cai và các lớp sơ học yếu lược ở một số huyện lỵ vào những năm 1930 - 1945. Tuy nhiên, các lớp học rất ít và số lượng học sinh cũng không nhiều. Tới trước Cách mạng Tháng Tám, Lào Cai chỉ có 7 người đỗ “đíp lôm” - tốt nghiệp tiểu học. Phải đến năm 1947, khi Đảng bộ tỉnh được thành lập, Lào Cai mới có cơ quan riêng (Ty Giáo dục) chăm lo việc học hành cho thế hệ trẻ, cũng như xóa mù chữ cho người dân.

Từ năm 1950 đến năm 1965, sau khi Lào Cai được giải phóng, các lớp học được mở rộng, giáo viên được tăng cường, công cuộc xóa mù chữ cho người dân được đẩy mạnh. Các trường học dần ra đời, như Trường Thiếu nhi miền núi đặt tại Sa Pa (1958) - trường học dành cho thiếu nhi các dân tộc thiểu số; Trường Sơ cấp Sư phạm (1960); Trường cấp 3 thị xã Lào Cai (1961)… Thời gian này, hệ thống trường, lớp học từ cấp 1 đến cấp 2 được mở đến hầu hết các huyện.

Dù Lào Cai còn gặp muôn vàn khó khăn vì cuộc chiến chống phỉ, giao thông không thuận lợi, nhân lực ít, kinh tế - xã hội chậm phát triển, nhưng Đảng bộ, chính quyền và người dân Lào Cai đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời từ Trung ương và các tỉnh miền xuôi, với nhiều đoàn giáo viên vượt khó để thực hiện nhiệm vụ “khai sáng” cho vùng đất biên cương này. Nhờ có những người thầy tâm huyết ấy, giáo dục Lào Cai dần phát triển, trình độ dân trí được nâng lên. Từ năm 1965 đến trước thời điểm tái lập tỉnh, Lào Cai cùng cả nước bước vào các cuộc kháng chiến đầy gian nan, nhưng tràn ngập khí thế thi đua yêu nước. Các trường, lớp học được mở tới tận thôn, bản, với khẩu hiệu “Trường gần dân, quy mô nhỏ, thầy tìm trò”. Cứ như vậy, các cấp học, trường học, học sinh và giáo viên dần tăng.Nhà văn Mã A Lềnh là 1 trong 100 học sinh đầu tiên của Trường Thiếu nhi miền núi đặt tại Sa Pa. Ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhà văn Mã A Lềnh vẫn không quên: Ngày ấy, đói ăn, thiếu mặc nhưng được đi học, ai cũng phấn khởi, tự hào. Dù vậy, mỗi kỳ nghỉ Tết, học sinh lại vơi đi ít nhiều… Tôi là 1 trong khoảng 30 học sinh còn trụ lại đến thời điểm trường sáp nhập vào Trường Bổ túc văn hóa công - nông đặt tại xã Thái Niên (Bảo Thắng). Nhờ có những năm tháng vượt khó, nhọc nhằn tìm chữ ấy mà tôi và nhiều đồng môn như anh Hoàng Chúng và anh Lý Văn Đại… sau này trở thành những người có đóng góp cho ngành giáo dục tỉnh nhà.

Chặng đường từ sau khi tái lập tỉnh (năm 1991) đánh dấu nhiều bước phát triển vượt bậc của giáo dục và đào tạo Lào Cai cũng như trình độ dân trí của tỉnh. Tại thời điểm năm 1991, Lào Cai có tỷ lệ người biết chữ chưa đạt 50%, thấp nhất so với các tỉnh miền núi, đồng bào vùng cao phổ biến chưa biết tiếng phổ thông. Từ năm 1992, tỉnh thành lập Trường Trung cấp Sư phạm Lào Cai, đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên; tập trung đầu tư nâng cấp và mở rộng các cơ sở giáo dục, cơ sở vật chất trường, lớp học. Những năm 1991 - 2000, Lào Cai đã xây dựng gần 3.000 phòng học, số phòng học tạm giảm mạnh, giảm nhanh tình trạng học 3 ca/ngày. Tỷ lệ trẻ 6 - 14 tuổi ra lớp tăng nhanh, nhất là trẻ dân tộc vùng cao. Công tác xóa mù chữ cho người từ 15 đến 25 tuổi được thực hiện quyết liệt, huy động nhiều lực lượng (giáo viên, giáo sinh, bộ đội biên phòng, đoàn viên và hội viên các đoàn thể…) tham gia. Đến tháng 5/2000, Lào Cai đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, đạt mục tiêu chiến lược mà Đảng đề ra.

Bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển toàn diện, bằng các giải pháp cụ thể về lãnh đạo, quản lý, thực hiện đồng bộ các dự án, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, giáo dục và đào tạo Lào Cai có bước phát triển mạnh mẽ. Lào Cai được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá là tỉnh có nhiều sáng kiến nâng cao chất lượng giáo dục, đi đầu trong thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện, là điển hình cho nhiều tỉnh trong cả nước học tập kinh nghiệm. Các sáng kiến, giải pháp của Lào Cai là sự kết hợp hài hòa những thành tựu khoa học sư phạm trong nước, quốc tế với sự nghiên cứu, vận dụng phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Đặc biệt, từ năm 2013, Lào Cai được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn thực hiện mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN). Trong 7 năm thực hiện mô hình VNEN, Lào Cai đã có những thay đổi về quản lý, kế hoạch giáo dục trong nhà trường được xây dựng khoa học, quản trị nhà trường hướng đến người học, hoạt động giáo dục phong phú và linh hoạt.

Cùng với đó, việc triển khai phương pháp nghiên cứu khoa học và dạy học qua trải nghiệm được triển khai mạnh; các “lớp học không biên giới” được nhân rộng; học sinh người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động, cuộc thi, hội thi, thể hiện năng khiếu, giao lưu, học hỏi. Tính đến hết năm 2021, Lào Cai có hơn 2.000 học sinh tiểu học, hơn 1.000 học sinh trung học đoạt giải thi học sinh giỏi cấp quốc gia và nghiên cứu khoa học, nhiều học sinh nhận học bổng của các trường đại học danh tiếng của quốc tế, có em đoạt giải tại Hội thi Khoa học - kỹ thuật quốc tế Intel ISEF… minh chứng cho khả năng vươn tầm quốc tế của học sinh Lào Cai, hướng tới mục tiêu trở thành những công dân toàn cầu.

Không những vậy, cán bộ, giáo viên trường học các cấp cũng không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Nhờ đó, Lào Cai có 6 giáo viên đoạt các giải thưởng quốc tế: “Đại sứ giáo dục toàn cầu”, “Phụ nữ sáng tạo toàn cầu”, “Chuyên gia sáng tạo Microsoft toàn cầu”, đó là cô giáo Hà Kim Phượng (Trường Tiểu học Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai), cô giáo Trần Thị Mai Khanh (Trường Tiểu học Bắc Cường, thành phố Lào Cai)…

Những thành tựu đạt được trong giáo dục và đào tạo đã góp phần nâng cao trình độ dân trí của tỉnh. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 151/152 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; có 81 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và 71 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Đối với công tác xóa mù chữ, toàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn mức độ 1 và 150 xã, phường, thị trấn đạt mức độ 2.

Bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Với phương châm “xây dựng chất lượng giáo dục thực chất”, Lào Cai đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục gắn với huy động học sinh đến trường và duy trì tỷ lệ chuyên cần; xây dựng cơ sở vật chất; phát triển quy mô trường, lớp, học sinh; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Phương châm giáo dục được thực hiện xuyên suốt hằng năm qua bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn. Đó là yếu tố quyết định để làm nên những kết quả quan trọng, tạo bước phát triển trong sự nghiệp “trồng người” ở Lào Cai, cũng như góp phần nâng cao dân trí cho tỉnh nhà.

Theo Hoàng Thương/LCĐT

Tin Liên Quan

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...

Lào Cai: Điểm sáng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong giai đoạn 2022-2024, tỉnh Lào Cai đã triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Những nỗ lực từ cấp lãnh đạo đến các cấp cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, đặc biệt tại các khu vực khó khăn và biên giới.

Tỉnh Lào Cai tăng cường phát triển nguồn nhân lực

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá góp phần tạo nền tảng quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỉnh Lào Cai đang đi đúng hướng trong việc phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng nền kinh tế bền vững, tạo ra nhiều cơ hội...