Trẻ em gái tại Bangui, Cộng hòa Trung Phi. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
rong báo cáo mới công bố, Liên hợp quốc cho biết, thế giới có thể chào đón công dân thứ 8 tỷ vào ngày 15/11 tới. Theo UNFPA, cột mốc dân số thế giới đạt 8 tỷ người là một câu chuyện về thành công. Giám đốc điều hành UNFPA Natalia Kanem nhấn mạnh về những tiến bộ vượt bậc của nhân loại trong nỗ lực tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm đói nghèo trên toàn cầu. Bà Natalia Kanem khẳng định: Thế giới của chúng ta hiện nay có tỷ lệ người được giáo dục và sống lành mạnh nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử.
Tuy nhiên, mốc 8 tỷ người cũng là lời nhắc nhở khẩn thiết về trách nhiệm chung của thế giới trong việc thực hiện các cam kết bảo vệ “hành tinh xanh” và vượt qua các thách thức. UNFPA nêu rõ, nhân loại đang đối mặt những vấn đề hết sức cấp bách. Tác động của biến đổi khí hậu, xung đột và đại dịch Covid-19 có thể kéo theo những ảnh hưởng qua nhiều thế hệ đối với nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, vẫn có hàng triệu người sống trong cảnh nghèo đói và thiếu dinh dưỡng, không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, không thể hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học có chất lượng. Tại nhiều nơi vẫn có phụ nữ còn chưa được bảo đảm các quyền cơ bản.
Dân số ngày càng tăng đi kèm tiến trình già hóa cũng tạo thách thức lớn về kinh tế-xã hội và môi trường, đặt ra nhu cầu cấp bách về bảo đảm chất lượng cuộc sống cho tất cả người dân. Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng từ mức 64,6 vào đầu những năm 1990 lên 72,6 vào năm 2019 và dự kiến tiếp tục tăng. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều người cần đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nhà ở cũng như sự cần thiết phải củng cố thêm các nguồn lực chăm sóc người cao tuổi.
Quan chức phụ trách các vấn đề kinh tế-xã hội của Liên hợp quốc Liu Zhenmin nhấn mạnh, mối quan hệ giữa gia tăng dân số và phát triển bền vững rất phức tạp và đa chiều. Dân số tăng nhanh là nguyên nhân khiến nỗ lực xóa đói nghèo, giảm suy dinh dưỡng, cũng như tăng độ bao phủ của hệ thống y tế và giáo dục gặp nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, việc đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững, nhất là các mục tiêu liên quan y tế, giáo dục và bình đẳng giới, có thể góp phần giảm mức sinh và làm chậm tốc độ tăng dân số toàn cầu.
Giám đốc điều hành UNFPA nhấn mạnh, để xây dựng một thế giới công bằng và bền vững hơn, quyền và cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người cần được bảo đảm. Thực tế cho thấy, đầu tư vào con người, vào quyền và sự lựa chọn của con người, chính là con đường dẫn đến một xã hội hòa bình, thịnh vượng và bền vững. Các chuyên gia khuyến nghị, chính phủ các nước nên triển khai các chính sách dân số lấy người dân làm trung tâm.
Các nước có tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đang tăng lên nên đầu tư hơn nữa để phát triển nguồn nhân lực, bằng cách bảo đảm việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục chất lượng cao, thúc đẩy các cơ hội việc làm. Trong khi đó, các nước có tỷ lệ già hóa cao cần nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe, cải thiện tính bền vững của hệ thống an sinh xã hội và lương hưu.
Ngày Dân số thế giới năm 2022 có chủ đề “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, cần khai thác cơ hội và đảm bảo quyền và lựa chọn cho tất cả mọi người”. Nếu có chính sách đầu tư đúng hướng, dân số 8 tỷ người có thể là chiếc chìa khóa để giải quyết các thách thức, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp, bảo đảm tương lai bền vững cho thế giới.