Xu thế tất yếu
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở Lào Cai có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa. Đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay. Xu thế này được cụ thể hóa bằng một hành trình “dài hơi” tại Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.Thực hiện Nghị quyết 10, ngành nông nghiệp Lào Cai tập trung phát triển 6 ngành hàng chủ lực dựa trên tiềm năng, thế mạnh và đặc biệt là độ mở của thị trường để đầu tư, gồm chè, chuối, dứa, quế, dược liệu và chăn nuôi, đồng thời phát triển các sản phẩm tiềm năng, đặc hữu như cây ăn quả ôn đới, rau trái vụ, cá nước lạnh…
Tại Lào Cai, một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung đã được hình thành và ngày càng khẳng định rõ vai trò trong việc nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân. Một trong những ngành hàng chủ lực và lâu đời nhất là chè. Hiện vùng chè của Lào Cai có hơn 6.000 ha, sản lượng gần 38.000 tấn/năm. Cây chè có mặt ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, mang lại thu nhập ổn định với chuỗi liên kết sản xuất được đánh giá ổn định, bền vững. Trên địa bàn tỉnh còn có vùng chuối 3.300 ha, sản lượng ước đạt 68.500 tấn/năm; vùng dứa 1.700 ha, sản lượng ước đạt 33.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, chuỗi giá trị ngành hàng quế phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao đã giúp cây trồng này trở thành một trong những ngành hàng thế mạnh của tỉnh. Vùng quế hiện có gần 47.000 ha, khai thác được 55.000 tấn cành, lá và 5.100 tấn vỏ quế mỗi năm. Ngoài các cây trồng hàng hóa chủ lực, Lào Cai cũng có thế mạnh với những cây trồng đặc hữu, giàu tiềm năng được phát triển thành vùng hàng hóa như cây ăn quả ôn đới, rau, hoa, dược liệu...
Ngành nông nghiệp tỉnh xác định dứa là một trong những mặt hàng chủ lực tại huyện Mường Khương. |
Trong lĩnh vực chăn nuôi, bên cạnh các mô hình hộ chăn nuôi lợn địa phương nhỏ lẻ thì các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn, tập trung đã hình thành. Hiện nay, toàn tỉnh có 393.000 con lợn, sản lượng thịt hơi hơn 37.500 tấn. Chăn nuôi lợn phát triển mạnh tại các địa phương vùng thấp của tỉnh, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và một phần cung ứng ra các địa phương lân cận.
Nông dân Bản Lầu (Mường Khương) phát triển vùng trồng dứa hàng hóa. |
Tại Bảo Yên, những năm qua, nông nghiệp chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Các loại cây trồng như quế, chuối, chè, dâu tằm, thanh long, hồng không hạt hoặc vùng chăn nuôi lợn, gà thả đồi, vịt bầu… được quy hoạch chi tiết và xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô vào giai đoạn tới.
Đồng chí Trịnh Thị Duyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Kinh tế của người dân Bảo Yên chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, sản xuất nông nghiệp hàng hóa được xác định là giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Thực hiện Nghị quyết 10, huyện Bảo Yên phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh, song song với đó là phát triển những cây trồng, vật nuôi có tiềm năng.
Quế là một trong 6 ngành hàng chủ lực của tỉnh Lào Cai. |
Trong 6 tháng đầu năm, các địa phương đã trồng mới 380 ha cây dược liệu, đạt 71% kế hoạch năm; 164 ha chuối, đạt 38% kế hoạch năm; gần 334 ha dứa, đạt 119% kế hoạch năm; 2.118 ha quế, đạt 51,6% kế hoạch năm; vùng nguyên liệu gỗ 2.876 ha, đạt 95,8% kế hoạch năm. Bên cạnh đó, người dân đã chuyển đổi khoảng 2.300 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây chủ lực, tiềm năng (chuối 164 ha chuối, 245 ha dứa, 41 ha dược liệu, 1.100 ha quế, 505 ha cây ăn quả, 224 ha rau và 23 ha cây trồng khác). Ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, chính quyền các địa phương và các ngành đang thu hút 8 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu và cần có những bước đi phù hợp. Theo lộ trình của các hiệp định đã ký kết, đến năm 2025, Việt Nam cơ bản hoàn thành việc cắt giảm thuế với các khu vực kinh tế khác. Điều đó đồng nghĩa với việc thị trường được mở rộng, nông sản trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các khu vực kinh tế khác, có giá thành rẻ, sản xuất theo tiêu chuẩn cao. Bởi vậy, giai đoạn 2020 - 2025, ngành nông nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ sang phát triển hàng hóa.
Nếu vẫn tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo hướng an sinh thì nông sản của Lào Cai sẽ không còn cơ hội để hội nhập với các khu vực kinh tế. Bên cạnh đó, sản xuất an sinh ngành nông nghiệp sẽ không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng, không đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.