Từ tỉnh nghèo đến mục tiêu cực tăng trưởng
Ngày 12/7/1907, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ đạo quan binh IV Lào Cai, chuyển từ chế độ quân quản sang chế độ cai trị dân sự, thành lập tỉnh Lào Cai. Từ đây, địa danh tỉnh Lào Cai được xác định trên bản đồ Việt Nam. Đặc điểm nổi bật của toàn bộ cơ cấu kinh tế Lào Cai trong những năm đầu thế kỷ XX là sự đan xen của các yếu tố kinh tế truyền thống với các yếu tố kinh tế hiện đại. Nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo. Cơ cấu cây trồng bớt đi tính chất độc canh với sự xuất hiện của các loại cây trồng mới. Công nghiệp phát triển nhỏ lẻ, đầu tư của Pháp chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp khai mỏ nhằm vơ vét, khai thác khoáng sản. Thủ công nghiệp vẫn giữ vai trò như ngành kinh tế phụ do sự thiếu đầu tư, quan tâm của chính quyền.
Ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập trên cơ sở vùng đất Lào Cai (cũ). Ông Sần Quáng, nguyên Trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh nhớ lại: Ngày mới tái lập tỉnh, vấn đề di dịch cư tự do, nạn đói, nghiện hút ma túy... ở vùng cao là “vấn nạn”, bởi bà con thiếu đất sản xuất, thiếu lương thực và chất đốt. Hạ tầng cơ sở đã yếu kém, lại bị chiến tranh biên giới tàn phá nặng nề, đặc biệt là giao thông, ở nhiều xã, xe máy chỉ đi lại được vào mùa khô; đời sống tinh thần tăm tối với nhiều hủ tục. Lợi dụng tình hình khó khăn, các thế lực phản động len lỏi thâm nhập vào cộng đồng các dân tộc để dụ dỗ, lôi kéo họ theo đạo trái phép (có thời điểm có tới gần chục tổ chức đạo hoạt động trái phép trên địa bàn của tỉnh).
Ông Ma Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kể: Bức tranh kinh tế Lào Cai ngày ấy vô cùng ảm đạm. Người dân vùng cao thiếu thốn nhiều thứ, nhưng thiếu lương thực và cái đói để lại nhiều hệ lụy nhất. Để có lương thực, người dân phải bỏ ra rất nhiều công sức để trồng lúa trên các mảnh ruộng bậc thang, đốt rừng để tạo ra những mảnh nương trên đất dốc, rồi “chọc lỗ tra hạt”…
Mục tiêu sớm đưa Lào Cai ra khỏi diện tỉnh nghèo là ước mong cháy bỏng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đó là niềm tin thôi thúc Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc Lào Cai bước vào thời kỳ mới. Trong bài viết “Tạo thế và lực để Lào Cai phát triển”, đăng trên “Lào Cai 100 tuổi” - đặc san của Báo Lào Cai, đồng chí Bùi Quang Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đã phát biểu sâu sắc về quyết tâm của Đảng bộ khi đó: “Không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, quyết tâm xây dựng quê hương Lào Cai to đẹp, giàu mạnh, vững vàng nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc”.
Đi lên từ xuất phát điểm thấp kém ấy, thực hiện nghị quyết của 6 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, từ Đại hội X đến Đại hội XVI, với sự đoàn kết, thống nhất cao, nỗ lực đột phá, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sau 31 năm tái lập, Lào Cai đã vươn mình từ một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và đứng tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bình quân giai đoạn 1991 - 2021 đạt gần 10%/năm. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020), tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 37 xã nghèo còn lại 13,77%, tương ứng 3.551 hộ nghèo, giảm bình quân 9,45%/năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn xếp thứ hạng cao của cả nước.
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phát biểu: Lịch sử phát triển của vùng đất biên giới Lào Cai cũng chưa bao giờ chứng kiến quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh như trong thời gian qua. Một dòng chảy đầu tư thực sự được khơi thông, với những dự án tính bằng đơn vị nghìn tỷ đồng, đầu tư vào lĩnh vực kinh tế được Đảng bộ tỉnh xác định là khâu “đột phá”.
Quyết tâm chế biến sâu để nâng cao giá trị tài nguyên của ngành công nghiệp Lào Cai thể hiện qua hoạt động của nhiều dự án, nhà máy lớn, chế biến sâu quặng apatit, quặng sắt, quặng đồng… Lào Cai hiện là trung tâm công nghiệp luyện kim và hóa chất, phân bón lớn nhất của vùng và cả nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai tập trung phát triển kinh tế dọc sông Hồng và trọng điểm là du lịch, dịch vụ cửa khẩu, công nghiệp luyện kim, hóa chất.
Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông - vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; vận dụng tốt các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong bối cảnh mới hiện nay.
Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế. Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; các tỉnh đặt trong trục kết nối giao thông “dọc” và “ngang” và các địa phương khác trong cả nước. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững…
Nhìn lại những chặng đường phát triển đã qua, chúng ta tự hào về những thành tựu đã đạt được, bằng tất cả sức lực và trí tuệ, thậm chí cả sự hy sinh xương máu của lớp lớp thế hệ người Lào Cai. Tin tưởng rằng, với những thuận lợi, đặc trưng của Lào Cai, với ý chí, tinh thần đổi mới, sáng tạo và khát vọng vươn cao, vươn xa, cùng sự đồng thuận của Nhân dân, Đảng bộ, chính quyền, tỉnh Lào Cai sớm trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối, trung tâm phát triển của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước.