Các nước ASEAN bàn giải pháp hồi phục việc học và tái xây dựng hệ thống giáo dục
Chiều 16/3, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị "Hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục" theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN.Hội nghị được tổ chức sau khi Bộ GD&ĐT tiếp nhận vai trò Chủ tịch kênh Giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh trong giai đoạn phục hồi mới thích ứng với đại dịch COVID19, chúng ta không chỉ chú trọng tới yếu tố "phục hồi", mà còn cần đúc kết kinh nghiệm để chuẩn bị tốt hơn cho việc ứng phó với các khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai. Các nước đã và đang nỗ lực để xây dựng hệ thống giáo dục có khả năng chống chịu và có năng lực phục hồi tốt hơn.
Một số nỗ lực có thể kể đến như củng cố lại hệ thống trường học; chuẩn bị các mô hình giáo dục học tập kết hợp trực tiếp và trực tuyến; điều chỉnh chương trình để trang bị toàn diện cho người học cả về kiến thức lẫn những năng lực cần thiết để thích ứng trong bối cảnh mới; nâng cao năng lực tự học, tự phát triển của người học.
Đại dịch COVID-19 đã tác động hết sức nặng nề đến hệ thống giáo dục. Những tác động này có thể sẽ còn hiện hữu trong một thời gian dài. Theo Bộ trưởng, để có thể khắc phục, giảm thiểu tối đa các tác động đó cần sự nỗ lực, cũng như quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống để giải quyết. Vì vậy, hội nghị với chủ đề "Hồi phục việc học, tái xây dựng hệ thống giáo dục" diễn ra rất đúng thời điểm và đặc biệt có ý nghĩa, là cơ hội để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và những bài học thực tiễn về quá trình phục hồi trong lĩnh vực giáo dục của từng quốc gia và của cả cộng đồng.
Tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã đưa ra những thống kê về tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới giáo dục Việt Nam; những nỗ lực vượt qua khó khăn, thích ứng, thay đổi để vừa bảo đảm an toàn, vừa bảo đảm cơ hội và chất lượng giáo dục.
Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, không có duy nhất hình thức học tập nào có thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề thiếu hụt học tập trong các khía cạnh thiếu tài liệu học tập, không học trực tiếp tại trường học, sự thiếu hiệu quả trong giảng dạy trực tuyến, đánh giá kết quả học tập của học sinh hay trong tương tác giữa học sinh với thầy cô, học sinh với học sinh một cách toàn diện.
Để giải quyết một phần vấn đề này, ngành giáo dục Việt Nam đã linh hoạt trong tổ chức dạy học trực tuyến, sử dụng hệ thống quản lý học tập, các websites học tập để tăng cường cơ hội và sự tương tác của học sinh. Đối với vùng khó khăn, tập trung vào phương án học tập trên truyền hình vào các khung giờ cố định với thời gian biểu thích hợp, kết hợp với việc phân phát tài liệu bản in cho học sinh để bảo đảm kết quả học tập. Việc kết nối giáo viên và cha mẹ học sinh luôn được chú ý. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc thi đóng góp các bài giảng trực tuyến của tất cả các thầy cô giáo theo từng bài học trong chương trình.
"Phục hồi sau đại dịch là chủ đề mà các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam hết sức quan tâm ngay cả khi ở thời điểm trong đại dịch", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ GD&ĐT đã khẩn trương trình Chính phủ Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030".
Đề án nêu những chỉ số quan trọng trong mục tiêu đến năm 2025 như về tiếp cận giáo dục trực tuyến: 50% học sinh, mỗi sinh viên và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.
Đồng thời, tập trung xây dựng chính sách dạy và học trong bối cảnh mới trên tinh thần xem xét đồng bộ các yếu tố: Định hình những phương thức/mô hình học tập mới, kết hợp, ứng dụng, xây dựng mô hình học tập linh hoạt, xây dựng nguồn học liệu mở, ứng dụng được thành quả của những công nghệ mới; sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, các hợp tác công tư, thúc đẩy giải pháp mở, có sự đóng góp đa dạng; bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong tiếp cận cũng như cơ hội học tập của mọi nhóm đối tượng, với ưu tiên đặc biệt và trọng tâm vào hỗ trợ nhóm yếu thế.
"Đây cũng là lúc chúng ta cần nghĩ đến việc tái cấu trúc giáo dục trong một bức tranh rộng lớn hơn, trong một bối cảnh mới, của một thế giới nhiều biến động, đầy thách thức, không chỉ bởi bệnh dịch mà còn các yếu tố liên quan đến chính trị, xã hội khác", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.