Xu hướng đầu tư nông nghiệp xanh
Đầu tư cho nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường đang là hướng đi được nhiều nước trên thế giới lựa chọn. Nền nông nghiệp chất lượng cao, bền vững không những bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia, mà còn góp phần thực hiện hiệu quả cam kết về giảm phát thải, cùng ứng phó biến đổi khí hậu.Ấn Độ tăng cường ứng dụng thiết bị bay trong nông nghiệp.
Nhật Bản có nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, thậm chí ngay trong đô thị, với công nghệ hiện đại nhằm bảo đảm tính bền vững và thân thiện với hệ sinh thái. Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua một dự luật mới về hệ thống thực phẩm xanh, cho phép xây dựng cơ chế ưu đãi về thuế và tài chính đối với nhà sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Theo đó, những trường hợp đáp ứng đủ yêu cầu về việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và ứng dụng kỹ thuật giảm tác động đến môi trường sẽ được hưởng nhiều ưu đãi như giảm thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập, gia hạn thanh toán các khoản nợ. Bộ luật mới về thúc đẩy nông nghiệp xanh là một trong những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm hướng tới thực hiện cam kết cắt giảm tới 46% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 2013 và trung hòa các-bon trong lĩnh vực nông nghiệp vào năm 2050.
Mỹ công bố khoản đầu tư một tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến Đối tác vì hàng hóa thân thiện với môi trường, nhằm thúc đẩy các dự án thí điểm trong trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp xanh. Sáng kiến này nhằm hỗ trợ những người nông dân, chủ trang trại và chủ rừng sử dụng các phương pháp canh tác chú trọng giảm lượng khí phát thải như trồng trọt không cày xới, chăn thả gia súc luân phiên, đo và giám sát thường xuyên khí thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, thu giữ và lưu trữ các-bon… Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ dự báo, ngành nông nghiệp chiếm hơn 10% lượng khí phát thải của nước này. Với khoản đầu tư vừa được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố, chính quyền Tổng thống Joe Biden (G.Bai-đơn) kỳ vọng nông dân Mỹ có thêm động lực tiếp tục thực hiện mục tiêu đến năm 2030 giảm 50% lượng khí phát thải trong nông nghiệp và đến năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng 0.
Với dân số đông thứ hai thế giới, Ấn Độ luôn chú trọng các biện pháp bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia cũng như tăng thu nhập cho người nông dân. Ấn Độ mới đây đã triển khai 100 máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu và cung cấp các vật liệu canh tác trên khắp cả nước. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (N.Mô-đi) nhấn mạnh, công nghệ sẽ mở ra một chương mới định hướng phát triển hệ thống canh tác hiện đại thế kỷ 21, hỗ trợ hiệu quả cho ngành nông nghiệp và giúp người nông dân thu nhiều lợi nhuận hơn. Thủ tướng Ấn Độ cho biết, một hệ sinh thái khởi nghiệp về thiết bị bay không người lái đang được tạo ra ở Ấn Độ. Hiện có hơn 200 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực cung cấp thiết bị bay không người lái hoạt động tại Ấn Độ và con số này được dự đoán sẽ lên tới hàng nghìn công ty và tạo ra hàng triệu việc làm trong thời gian tới.
Trong khi du lịch quốc tế chật vật do các biện pháp hạn chế phòng dịch, hai năm vừa qua, du lịch nông nghiệp trong nước tại Australia tăng trưởng mạnh mẽ. Một số cơ sở kinh doanh có doanh thu tăng 250% với các loại hình lưu trú tại trang trại, cà-phê nông trại, hay các chương trình tham quan, trải nghiệm trang trại. Ý tưởng về du lịch nông nghiệp không mới, song chính thời kỳ dịch bệnh đã thúc đẩy người dân tới trải nghiệm các hoạt động tại nông thôn, nâng cao nhận thức và hiểu biết về phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Hệ thống lương thực toàn cầu vốn gặp nhiều khó khăn ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cách thức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản kém hiệu quả, gây lãng phí là nguyên nhân làm suy thoái hệ sinh thái, gia tăng biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc nhấn mạnh, nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường chính là chìa khóa bảo đảm an ninh lương thực, giảm bất bình đẳng, góp phần đưa thế giới hậu đại dịch trở lại đúng lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.