Phát triển cảng thông minh, hướng tới thị trường vận tải biển thống nhất ASEAN
Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến hoạt động hàng hải tuy nhiên những khó khăn, thách thức vừa qua cũng chính là động lực vô hình thúc đẩy cộng đồng hàng hải ASEAN năng động hơn, đưa ra các sáng kiến để thúc đẩy hàng hải phát triển.Hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN lần thứ 42 do Việt Nam làm Chủ tịch (nhiệm kỳ 2022-2023) và đăng cai, được tổ chức tại Hà Nội và trực tuyến giữa 10 nước thành viên ASEAN, các hiệp hội cảng biển, chủ tàu trong khu vực, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và các đối tác của khu vực gồm Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ vừa diễn ra trong 2 ngày (9-10/3).
Hội nghị đã hoàn thành 10 chương trình nghị sự, trong đó tập trung một số chương trình quan trọng cập nhật tình hình thực hiện các mục tiêu vận tải bền vững và các mục tiêu vận tải biển cụ thể. Bao gồm: Thị trường vận tải biển thống nhất ASEAN và phát triển cảng thông minh và xanh theo Kế hoạch Chiến lược giao thông vận tải Kuala Lumpur 2021-2026, các biện pháp giảm thiểu việc tăng giá cước vận tải biển và lưu thông container trong Chương trình phục hồi toàn diện ASEAN.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng đạt được một số kết quả tích cực trong Thỏa thuận hợp tác hàng hải ASEAN-Ấn Độ, với việc đạt nhất trí chung trong một số vấn đề, trong đó có tìm kiếm cứu nạn, mở rộng hợp tác.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải việt Nam (Bộ GTVT), Chủ tịch Hội nghị cho biết, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ASEAN đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới. Hơn 2 năm qua, đại dịch đã tác động mạnh đến hoạt động hàng hải tuy nhiên những khó khăn, thách thức vừa qua cũng chính là động lực vô hình thúc đẩy cộng đồng hàng hải ASEAN năng động hơn, đưa ra các sáng kiến để thúc đẩy hàng hải phát triển.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề do đại dịch COVID-19 gây ra, các quốc gia thành viên như: Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Myanmar… cho biết, việc giải quyết các mục tiêu trên thông qua kế hoạch điều phối quốc gia về vận tải biển, với việc tăng cường sự kết nối giữa các cảng tại mỗi quốc gia, ứng dụng công nghệ số và cơ chế thông quan hàng hóa phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 của mỗi quốc gia, khu vực.
Về phía Việt Nam, ông Hoàng Hồng Giang thông tin, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã triển khai giải pháp “3 tại chỗ” tại cảng biển, điều phối hàng hóa trong hệ thống cảng biển, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine cho lao động hàng hải.
“Suốt thời gian vừa qua, Việt Nam đã tạo dựng được hệ thống cảng xanh bảo đảm cho tàu thuyền hoạt động 24/7, giảm thời gian tàu đợi cầu cảng còn rất nhỏ. Trong khi nhiều cảng lớn trên thế giới bị tắc nghẽn, hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn hoạt động hiệu quả. Năm 2021, hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt hơn 706 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020, trong đó khối lượng hàng hóa container đạt 24 triệu TEUs, tăng 7%”, ông Hoàng Hồng Giang cho biết.
Bên cạnh các sáng kiến được các quốc gia thành viên nêu ra tại Hội nghị, đề xuất đáng chú ý là khái niệm “rủi ro chung” về môi trường sinh thái trong hoạt động hàng hải nhằm đưa ra giải pháp hạn chế rủi ro.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng đang đề xuất nhập công ước quốc tế về quản lý “nước dằn tàu biển” và bày tỏ mong các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục mở rộng các nghiên cứu tương đồng về rủi ro chung, nhằm hướng tới sự thống nhất trong khối về giải pháp cho các vấn đề chung.
“Hy vọng trong thời gian tới, cộng đồng hàng hải ASEAN và các đối tác sẽ tăng cường hợp tác sâu rộng hơn trên nhiều khía cạnh của lĩnh vực hàng hải, bao gồm nhưng không giới hạn ở “nhân lực chủ chốt” thuộc ngành hàng hải; môi trường đại dương; an toàn và an ninh hàng hải; phát triển dịch vụ logistics và cảng biển”, ông Hoàng Hồng Giang nói.
Thông tin thêm tại Hội nghị, Cục phó Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, Hội nghị Nhóm công tác giao thông hàng hải ASEAN tiếp theo (lần thứ 43) sẽ tổ chức tại thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) vào năm 2022.