Người Tày Võ Lao giữ nét đẹp truyền thống

Cứ mỗi dịp đầu năm, sân trước ngôi nhà sàn của gia đình bà Lương Chị Cháu, ở thôn Chiềng 2, xã Võ Lao (Văn Bàn) lại trở thành điểm đến quen thuộc và yêu thích của nhiều người dân trong vùng. Trong khi một nhóm chơi trò đánh lẹ ở giữa sân thì cách đó không xa, một nhóm khác chơi trò đánh yến; gần đó, các bà, các mẹ cùng nhau múa Then. Tiếng nói cười hòa cùng tiếng hát, tiếng nhạc từ những chùm xóc khiến bản làng người Tày nơi đây trở nên náo nhiệt hơn.
Điệu Then được người Tày nơi đây giữ gìn và phát huy.

Theo bà Lương Thị Cháu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đã lâu rồi bà con trong thôn mới có dịp gặp gỡ, giao lưu và chơi các trò chơi dân gian như thế này. Dù mọi người vẫn phải chia thành từng nhóm để tránh tập trung đông, nhưng được gặp và tham gia nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc, ai cũng vui.

Theo người dân nơi đây, cứ dịp đầu xuân mới, người Tày thường vào rừng tìm quả cây lẹ đem về chơi. Thứ quả có màu đen hoặc nâu sẫm, vỏ cứng, hình dẹt, bằng khoảng 3 ngón tay trở thành món đồ yêu thích của nhiều người dân trong vùng. Trò này có thể chơi theo các kiểu như ngồi, đứng đánh gần hoặc đứng đánh xa. Theo đó, người chơi chia thành 2 đội, một đội xếp quả lẹ thành hàng ngang phía trước, còn một đội dùng quả lẹ của mình đánh sao cho bay các quả lẹ phía trước. Để thuận tiện, người ta đánh số các quả lẹ. Nếu chơi kiểu ngồi thì người chơi sẽ ngồi ở tư thế quỳ một chân, đặt quả lẹ lên chân còn lại và dùng tay bắn quả lẹ sao trúng một trong các quả lẹ đang xếp hàng ngang phía trước. Nếu bắn trúng hết các quả lẹ thì đội ấy thắng, nếu không thì đổi đội chơi. Cứ như vậy, trò chơi đơn giản nhưng đem đến niềm vui, tiếng cười sảng khoái cho mọi người.

Ngoài đánh lẹ, đánh yến cũng là trò chơi được người dân nơi đây yêu thích. Chỉ với quả cầu lông gà được làm khá đơn giản (đế bằng lá cây, thân bằng ống tre hoặc nứa non, 3 - 4 chiếc lông gà) nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, dẻo dai của người chơi. Người chơi dùng bàn tay đánh quả cầu lông gà qua - lại sao cho quả cầu không rơi xuống đất. Trò chơi chủ yếu được các chị em tham gia và nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình của những người xung quanh.

“Chuyện thắng hay thua ở các trò chơi dân gian vào dịp này không quan trọng mà chủ yếu đây là lý do, là cơ hội để mọi người gặp gỡ nhau”, bà Lương Thị Cháu cho biết.

Trò chơi dân gian đánh lẹ được người Tày  ở thôn Chiềng 2, xã Võ Lao chơi vào dịp lễ, tết.

Phía hiên nhà, tiếng nhạc phát ra từ những chùm xóc như mời gọi mọi người cùng thưởng thức màn múa Then hấp dẫn do các bà, các mẹ trong thôn biểu diễn. Trong bộ trang phục truyền thống, những phụ nữ Tày vốn lam lũ ruộng đồng lại hóa thân thành những nghệ sỹ múa, khéo léo, uyển chuyển. Những bước chân nhịp nhàng, hòa quyện cùng tiếng nhạc xóc qua từng động tác của đôi tay cuốn hút người xem. Cứ hết một bài múa, những tràng pháo tay lại vang lên không ngớt.

Bà Hoàng Thị Thượng, 59 tuổi, ở thôn Chiềng 2 hào hứng: Những ngày đầu năm luôn là khoảng thời gian vui vẻ và náo nhiệt với người dân. Trước đây, chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, mỗi tháng chúng tôi gặp nhau 1 - 2 lần để sinh hoạt nhóm cùng sở thích thêu, dệt, hát Nôm, múa Then… Chúng tôi vừa tập luyện, vừa dạy nhau những bài hát, điệu múa hoặc những mẫu thêu mới. Những lúc rảnh rỗi, chị em cùng may quần áo cho người thân hoặc mang ra chợ bán cho những người có nhu cầu, vừa tăng thu nhập cho gia đình, vừa giữ được nghề truyền thống.

Theo ông Lương Văn Võ, Trưởng thôn Chiềng 2, dịch Covid-19 khiến địa phương không tổ chức được các hoạt động văn hóa, văn nghệ có quy mô, nhưng người dân vẫn duy trì các hoạt động theo nhóm nhỏ vào những ngày nông nhàn đầu năm.

Rời ngôi nhà vui vẻ, ấm áp của bà Lương Thị Cháu, trên đường về tôi vẫn nghe vang vẳng tiếng hát Nôm của các bà, các mẹ người Tày; tiếng nhạc xóc trong điệu múa Then rộn ràng… Những điều giản dị nhưng ý nghĩa ấy gợi lên một miền quê Võ Lao bình yên, ấm áp, với những con người hồn hậu, dễ gần, tràn đầy tình yêu với quê hương và văn hóa dân tộc.

https://baolaocai.vn/bai-viet/354005-nguoi-tay-vo-lao-giu-net-dep-truyen-thong

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...